Đóa cúc trắng nhân hậu
Năm nay bà Bạch Cúc đã hơn 70 tuổi. Vẫn sáng bán bánh mì chiều nhặt ve chai kiếm sống ở con hẻm nhỏ trên đường Lý Chính Thắng, quận 3, như 40 năm nay đã từng như thế. Nhưng điều làm cho người phụ nữ này khác biệt với rất nhiều người phụ nữ lao động nghèo khác là những đồng tiền làm ra, bà không dành vun vén hết cho mình, mà để đi giúp người, nâng đỡ cho những mảnh đời bất hạnh.
Nơi bà Bạch Cúc bán bánh mì mỗi sáng, lúc nào cũng đông người. Người loanh quanh trong xóm quen biết, đến ủng hộ bà bán bánh mì làm việc thiện cũng có, hoặc là những thanh niên tình nguyện, những người có lòng đến trao đổi với bà về những hoàn cảnh khó khăn, hay ủng hộ thứ này thứ nọ cũng có. Người nào cũng ríu ran gọi “má Cúc” nghe rất thân thương.
“Má Cúc” kể, bà sinh ra trong một gia đình lao động rất nghèo. Mồ côi cha sớm, nhà đông anh em, thiếu thốn miếng ăn nên cả nhà phải lang bạt khắp nơi kiếm ăn. Hoàn cảnh nghèo khổ không làm bà chai sạn tình yêu thương. Chính vì càng xuất thân từ cảnh khổ, bà càng thấu hiểu cho những phận đời nghèo khó.
Mở xe bán bánh mì, không khá giả nhưng cũng đủ ăn, bà Cúc nghĩ đến chuyện giúp đời, giúp người. Tiền một mình bà kham không nổi, như muối bỏ bể, nên bà bàn với hội phụ nữ phường lập “quỹ heo đất”. Thế là một con heo đất xuất hiện trước xe bánh mì. Người mua bánh mì nhiều người thấy cũng ủng hộ, vài người không nhận tiền thối, bỏ vào heo.
Ngoài “quỹ heo đất”, bà Bạch Cúc còn luôn là người mạnh mẽ, nhiệt tình nhất trong việc vận động, quyên góp ủng hộ người nghèo địa phương. Tiền bán bánh mì, nhặt ve chai bà ủng hộ phần nhiều vào đấy. Nhưng 40 năm trước, đời sống người dân còn nhiều khốn khó, người ta nghi ngại hành động của bà. Những người chung quanh dè bỉu bà, nhà còn chưa đủ ăn mà bày đặt đi cứu giúp người ngoài, nhiều người ác miệng dèm pha, chả biết có phải bà mượn việc thiện để đút tiền vào túi riêng hay không?
Mặc ai nói gì thì nói, bà Bạch Cúc vẫn giữ vững lập trường của mình. Bà bảo, làm từ thiện mà sợ người ta nói ra nói vào thì còn làm được gì? Ai nói gì thì nói, việc bà bà vẫn làm, vẫn nhiệt tình, hết sức với cái tâm ngay thẳng.
Thế rồi, dần dà, trước tấm lòng của bà, người ta cũng hiểu ra. Bởi lợi lộc gì từ những việc ngày ngày đem cơm cho người vô gia cư, tắm rửa cho người tâm thần lang thang, bỏ tiền túi chốn cất cho những người tứ cố vô thân, chết lề đường xó chợ?
Những người bài bác thậm chí còn quay lại giúp sức. Sợ bà nhọc nhằn, nhiều người đem đồ cũ, ve chai trong nhà để trước nhà bà, coi như góp ve chai cho bà lấy tiền làm từ thiện.Rồi từ từ, quỹ heo đất được nhiều người nơi khác biết đến, những hoạt động của “má Cúc” cũng được nhiều người ủng hộ. Những hành động của bà Bạch Cúc đã làm lan tỏa tinh thần nhân ái, yêu thương của những người dân quanh đấy.
Heo đất gây quỹ giúp người nghèo của “má Cúc” |
Lan tỏa tinh thần “từ thiện ve chai”
40 năm làm từ thiện, gây quỹ heo đất, làm lan tỏa tinh thần “từ thiện ve chai”, má Cúc đã làm được rất nhiều việc giúp đời, giúp người. Những đồng tiền thu được từ heo đất, từ ve chai, bà đem giúp người bằng cách “cho cần câu”. Tiền ấy, vừa xóa đói giảm nghèo, vừa cho các chị em trong hội phụ nữ khu vực vay vốn xoay vòng để học lấy cái nghề, nuôi thân lâu dài.
Trong cuộc đời đầy ắp những hành động thiện nguyện của mình, tiếp xúc với những con người ở mọi tầng lớp xã hội khiến bà có một trái tim rộng mở, không còn phân biệt giàu nghèo, người lương thiện, kẻ côn đồ. Nơi mà bà Cúc rất hay lui tới trong nhiều năm qua, đó là trại cai nghiện Nhị Xuân ở Hóoc Môn. Cái duyên của bà với những người trẻ tuổi đang cai nghiện nơi ấy đến cũng khá lạ. Đó là một lần tình cờ, bà theo một đoàn thiện nguyện ghé trại.
Tại đó, bà nghe nhiều bạn trẻ than thở mình thèm trứng luộc quá mà lâu không được ăn. Về nhà, bà gom góp tiền bán ve chai đi mua hơn 200 trứng về luộc, rồi bắt xe lên trại phát cho các bạn trẻ. Từ đó, bà thành “má Cúc” của những người ở trại cai nghiện Nhị Xuân.
Nhiều năm ròng, hình ảnh bà đã trở nên quen thuộc với các trại viên ở đó. Nơi đó, có nhiều thanh niên vừa qua tuổi lớn, gia đình đã từ bỏ họ, họ chỉ còn bấu víu chút tình cảm ở bà Cúc, qua hình bóng người mẹ, người bà tần tảo.
Bà nhớ lại, năm 2013, trong một lần đến trung tâm cùng vài người thiện nguyện, những học viên trại cai nghiện quấn quýt bà lắm, họ hát cho bà nghe, bắt bà cùng ăn chung bữa cơm với họ. Hôm đó, ở trại có người bị nhiễm HIV giai đoạn cuối, đang hấp hối, người nhà chẳng có ai ở bên. Người thanh niên cận kề cái chết ấy rụt rè đưa ra ý nguyện là muốn được gối đầu lên bàn tay “má Cúc” để chết trong ấm áp.
Bà còn nhớ mãi, người thanh niên đó nói: “Má ơi, đời này mà ai cũng như má thì tụi con được nhờ, nhiều đứa tụi con đã chẳng phải vào trong này mà ở, gặp người như má sớm thì con chẳng phải đến bước đường này. Má cho con gối đầu lên tay má xíu, để con ngủ nha má”. Nói rồi cậu bé đáng tuổi cháu bà nằm lịm đi và mất trên tay bà. Bà khóc, những người trong trại cũng khóc.
40 năm qua, quỹ heo đất đã trở nên nổi tiếng gần xa, được nhiều người biết đến. Quỹ từ thiện ve chai thì luôn được chị em phụ nữ chung quanh ủng hộ bằng những món đồ mang đến tận nhà. Bà Bạch Cúc cũng đã giúp được rất nhiều những số phận khốn khó, trở thành ân nhân của bao con người trong khắp thành phố. Không ít người đã nhờ bà mà thay đổi số phận, ngoi lên từ vũng lầy.
Sáng sáng, bà Bạch Cúc vẫn đứng bên xe bánh mì bán cho khách, tiếp người có lòng hảo tâm, lắng nghe về những phận người còn khó khăn để thu xếp đến giúp đỡ. Bà nói, trời thương nên cho bà một sức mạnh tinh thần và sức khỏe để đi giúp người ta. Giờ đây, con cái bà cũng đã nên người, đã thành đạt. Bà không cầu mong gì hơn ngoài sức khỏe. Có sức khỏe, đôi tai sẽ tiếp tục lắng nghe, trái tim sẽ tiếp tục đồng cảm, đôi chân sẽ tiếp tục đi và đôi tay sẽ tiếp tục san sẻ yêu thương.
Làm được nhiều điều “khác người”, nhưng Bạch Cúc không nhận cuộc đời bà có gì đặc biệt. Bà bảo, đời mình cũng giản dị như bao người phụ nữ khác, làm những việc trong sức của mình, góp phần giúp cuộc sống tốt đẹp hơn. Có khác một chút đấy là người ta có vài đứa con, thì “má Cúc” có thêm vài chục, vài trăm đứa, những người đã chịu ơn, thương yêu và gọi bà bằng “má”. Thế thôi!