Làm bạn với liệt sĩ
Ngày nào ông Đỗ Văn Lý (77 tuổi) và bà Ngô Thị Hồng (70 tuổi) cũng có mặt ở nghĩa trang, đó gần như là ngôi nhà thứ 2 của ông bà. Hôm thì ông bà mang cơm sẵn để ăn trưa tại đấy, ngày thì mua tạm đồng quà, tấm bánh ngoài chợ cho qua bữa trưa.
7-8 năm nay, lịch sinh hoạt của ông bà đều đặn, cứ 4h sáng mỗi ngày ông đạp xe từ nhà ra thắp hương ở kỳ đài nghĩa trang rồi thắp hương cho từng liệt sĩ. 6h sáng bà đi bộ ra bắt đầu công việc “rửa mặt” cho các liệt sĩ, quét dọn, nhặt cỏ, tỉa cành trong khuôn viên nghĩa trang.
Ông thắp hương xong thì đi một vòng, vừa nhặt từng cọng cỏ còn vương lại trên ngôi mộ, vừa chuyện trò với những người bạn đã cùng chiến hào khi xưa.
Ông bảo, ở nghĩa trang này, có 6 chiến sĩ nhập ngũ cùng đợt với ông. Họ cùng ra chiến trường, từng ăn cùng ngủ cùng trong một chiến hào. Nhưng sau này, mỗi người lại vác ba lô đi những chiến trường khác nhau. Chỉ khi hòa bình lập lại, ông mới biết các bạn đã hy sinh.
Trong một lần đi thăm mộ bạn, ông thấy xót xa cho những phần mộ liệt sĩ ít được trông nom. Thời điểm đó, ông đã tự nguyện nhận chăm khuôn viên nghĩa trang nhân dân của phường được khoảng 15 năm. Thế nên lòng ông trào dâng nhiều cảm xúc lẫn lộn.
Ông kể lại: “Lối vào nghĩa trang cỏ mọc um tùm. Hỏi thăm người dân họ bảo gần như chẳng có ai đến thắp hương bởi thế trông nghĩa trang như rừng rậm. Thậm chí có người bảo, từng gặp rắn rất to ở nghĩa trang. Tôi nghe mà thương các đồng đội của mình. Chiến đấu, hy sinh vì đất nước mà rồi chịu cảnh… bị lãng quên”.
Trằn trọc suy nghĩ, được sự động viên của người vợ, ông quyết định trở thành người chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ. Kể lại những ngày đầu, bà Hồng bảo, khu nghĩa trang chỉ cách khu dân cư vài chục mét mà như một thế giới khác, hoang vu, lạnh lẽo. Có những bụi cỏ to, cao đến nửa thân người. Hai vợ chồng bà phải mất gần hai năm để xén cỏ, gánh gạch vỡ đổ đi, lấy bàn chải kì cọ từng lối đi bám rong rêu, đánh rửa từng ngôi mộ…
Khi khuôn viên nghĩa trang dần trở nên sạch sẽ, ông bà tự đi mua các loại hoa về trồng, để lúc nào hoa cỏ cũng đua cùng nắng gió, chuyện trò với các liệt sĩ. Rồi ông nghĩ đến chuyện tu bổ nghĩa trang, xây dựng kỳ đài, có ghế cho người nhà liệt sĩ nghỉ ngơi… Tiền không có, ông tìm đến những người thân của liệt sĩ, đề nghị họ cùng ông chung tay.
“May mắn lắm cô ạ, cảm giác như mình làm việc gì cũng được các liệt sĩ trợ giúp ấy” - ông vui vẻ kể. Từ chuyện ông đạp xe đi mua ghế đá, gặp người thân cùng làng bán ghế, họ tình nguyện tài trợ, rồi mua lư hương, xây lại tường nghĩa trang để những đối tượng xấu không vào được nghĩa trang chích hút, tụ tập… Tất cả những việc ông làm đều vô cùng suôn sẻ.
Ông Lý chăm sóc mộ một người bạn cùng lên đường chiến đấu với mình |
Ông tâm sự: “Giờ tôi thấy yên lòng khi bạn bè mình ngã xuống đã được chăm lo hương khói. Được hưởng không khí thoáng đãng với mùi thơm của cỏ cây hoa lá. Bây giờ tôi kể lại những ngày vác ba lô lên đường nhập ngũ cả tiếng đồng hồ cũng không thấy hổ thẹn với lòng mình”.
Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông bộc bạch: “Các cô nghĩ mà xem, mình tự hào về thời chiến đấu hào hùng làm gì nếu phần mộ của các liệt sĩ bị bỏ hoang, không người chăm sóc. Các liệt sĩ lúc sống đã vất vả, chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn, hy sinh rồi cũng không được tử tế hơn dù đất nước đã đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Nối những niềm vui đoàn tụ
Thời chiến tranh, câu chuyện về bà nội nuôi giấu cán bộ cách mạng rồi bị địch bắn luôn ám ảnh. Thế nên ông Lý tìm mọi cách tìm hiểu về thông tin của từng liệt sĩ, đối chiếu thông tin từ sử sách, từ lịch sử của địa phương với thông tin của phòng LĐTBXH của quận để xác minh những phần mộ vô danh trong nghĩa trang.
Nói rồi, ông đưa tôi lá thư của một người từ Hà Tĩnh gửi ra. Ông bảo, một lần ông nghe đài, nghe được thông tin về một cô gái ở Hà Tĩnh đang đi tìm mộ bố với tên, đơn vị chiến đấu rất quen. Ông suy nghĩ rất lâu, cho rằng đó có thể là một đồng chí đã chiến đấu cùng ông và sau đó “à” lên vui sướng khi giở cuốn sổ thông tin về các liệt sĩ mà ông đã cất công tìm kiếm và giữ gìn.
Ngay lập tức ông điện cho cô gái. “Tôi không thể nào quên được tiếng khóc của cô ấy khi báo tin bố cô đang ở nghĩa trang Đồng Mai. Cô ấy nghẹn ngào trong điện thoại rồi chỉ nói một câu cảm ơn rồi tắt vụt máy vì xúc động” – ông Lý kể lại giọng vẫn run run xúc động.
Được biết, cô gái ấy gọi điện ra hỏi thăm ông Lý hàng ngày, quan tâm xem ông ăn uống thế nào, hỏi phần mộ của bố cô ấy ra sao và Tết cùng với người nhà ra thăm rồi xin phép được đưa bố về quê hương. “Tôi mừng cho cô ấy cũng như cho đồng đội tôi, cuối cùng sau bao ngày thất lạc họ cũng đã tìm thấy người thân. Từ ngày tôi tiếp quản nghĩa trang cũng đã có 5 trường hợp tìm được mộ người thân đấy” - giọng ông đầy hào hứng.
Dẫn chúng tôi đi thăm các phần mộ liệt sĩ chưa biết tên, ông phân trần “Tôi luôn để tâm chăm sóc các phần mộ này hơn vì thương các liệt sĩ thiệt thòi, chưa được đoàn tụ với người thân”.
Ông chợt nhỏ giọng xuống bảo: “Các liệt sĩ ở đây thiêng lắm cô ạ. Lâu rồi có người nhận nhầm mộ. Phải nhờ vài lần làm lễ gia đình mới nhận đúng phần mộ và từ đấy gia đình làm ăn khấm khá hẳn lên”.
Vợ ông ngồi cạnh vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa góp vui, bảo “Các liệt sĩ yêu mảnh đất Đồng Mai này lắm, họ không nỡ rời xa chúng tôi đâu”. Nói rồi bà kể về một gia đình thân nhân liệt sĩ ở Nam Định, 3 lần đến làm lễ xin đưa liệt sĩ về quê mà liệt sĩ không đồng ý. Cuối cùng gia đình đành phải gửi lại người thân của mình ở nơi đất khách quê người cùng với lời gửi gắm ông bà chăm sóc giùm.
Ngày nào ông bà cũng thắp hương ở kỳ đài cho các liệt sĩ |
Ánh mắt bà ánh lên niềm vui, tâm sự: “Họ không nhờ thì chúng tôi vẫn chăm sóc các liệt sĩ bằng cái tâm mình”. Quả thực, nhìn bà còng lưng vạch từng khóm hoa, vơ cỏ khô, quét dọn rồi phủi bụi, lá cây trên từng mộ liệt sĩ mới thấy họ thực sự làm việc với tấm lòng của mình.
Ngày nào cũng đúng 7h tối bà mới từ nghĩa trang về nhà. Ông Lý về trước nấu cơm, còn bà Hồng về muộn hơn vì như bà bảo: “tôi ở lại thêm chút cho các liệt sĩ đỡ buồn”.
Cứ như vậy đều đặn 7-8 năm nay. Bà bảo, ngày nào bà mệt phải ở nhà là bứt rứt không yên, nhớ khuôn viên, nhớ từng phần mộ liệt sĩ nên kiểu gì đến trưa bà lại đội nón ra để chào các liệt sĩ như những người thân của mình.