Trong khi đó, tháp này thật ra chỉ được xây dựng dành riêng cho triển lãm thế giới được tổ chức ở Paris năm 1889 và sau triển lãm bị dỡ bỏ như tất cả các công trình xây dựng khác.
Người thiết kế và xây dựng tháp là kỹ sư Gustav Effel tự chịu trách nhiệm về thiết kế, xây dựng và tài chính. Cũng vì thế mà tháp này không thuộc sở hữu của nhà nước Pháp mà thuộc về ông Effel. Người này về sau thành lập hẳn một công ty để kinh doanh tháp.
Năm 1909, công ty này ký thoả thuận với chính quyền Paris về việc cho phép chính quyền thủ đô thuê lại tháp trong thời gian 70 năm, thu về nguồn lợi kếch xù. Chính quyền thủ đô cũng được lợi vì tháp này thu hút du khách gần xa trên khắp thế giới. Ngay trong những năm của thập kỷ 20 của thế kỷ trước, hàng năm đã có đến nửa triệu người trèo lên tháp Effel.
Nhưng cứ 7 năm một lần, tháp này lại phải được cạo rỉ và sơn lại. 60 tấn sơn được sử dụng, thời gian bảo dưỡng tháp là 18 tháng, chi phí tương đương 3 triệu Euro ngày nay - thời xa xưa là khoản tiền rất lớn.
Tháp Effel - biểu tượng của Paris hoa lệ, niềm tự hào của người Pháp. |
Cũng chính vì thế mà ở nước Pháp dai dẳng cuộc tranh luận nên giữ hay bỏ tháp này, cho dù chính quyền thủ đô tuy đau đầu về việc duy tu bảo dưỡng tháp nhưng chưa khi nào đặt ra vấn đề tháo dỡ tháp. Đấy chính là bối cảnh của một trong những vụ lừa đảo nổi tiếng nhất ở nước Pháp và trên thế giới: Vụ bán tháp Effel.
Thủ phạm là Robert V.Miller - ông ta tự xưng là “Bá tước Victor Lustig”, người Đức gốc Czech. Người đàn ông này là một tay cờ bạc chuyên nghiệp và lừa đảo có nghề, dưới vỏ bọc là hậu duệ của một dòng dõi quý tộc ở châu Âu.
Năm 1925, khi ấy Viktor Lustig 25 tuổi, anh ta cùng một người bạn nghĩ ra cách lừa đảo bán tháp Effel để kiếm tiền. Viktor Lustig làm giả danh thiếp là một Tổng vụ trưởng trong Bộ Bưu chính và Truyền tin của nước Pháp và tự tìm đến 5 công ty luyện thép ở thủ đô Paris để thuyết phục họ mua tháp Effel làm phế liệu.
Viktor Lustig chơi độc chiêu khi mời tất cả chủ của 5 công ty này cùng mình tới tháp Effel để trao đổi. Lustig biện bạch là cuộc thương thảo không thể tổ chức được ở trong Bộ Bưu chính và Truyền tin để tránh kích động sự để ý của dư luận. Viktor Lustig chọn nạn nhân của mình là ông Andre Poisson, chủ một doanh nghiệp nhỏ.
Suy tính của Lustig là doanh nghiệp nhỏ dễ bị lừa hơn doanh nghiệp lớn và khi biết bị lừa thì doanh nghiệp nhỏ ít khả năng làm lớn chuyện. Andre Poisson sập bẫy. Sau khi nhận tiền bán tháp Effel, bao nhiêu thì không ai biết, Lustig và đồng phạm bỏ trốn sang Áo nghe ngóng.
Ở Paris, Andre Poisson đến Bộ Bưu chính và Truyền tin để trao đổi về kế hoạch tháo dỡ tháp Effel. Tại đó, người ta coi Poisson như kẻ mắc bệnh tâm thần. Poisson xấu hổ đến mức không dám tố cáo Lustig. Thấy yên ắng và an toàn, Lustig và đồng phạm mò về Paris với dự định tìm cách bán tháp Effel thêm lần nữa. Nhưng có một trong số 5 người kia tố cáo Lustig khiến người này vội vàng trốn sang Mỹ.
Tại Mỹ, Lustig còn lừa cả trùm mafia Al Capone. Nhưng rồi Lustig bị bắt vì tội lừa đảo và bị giam tù ở nhà tù tai tiếng và được bảo vệ nghiêm ngặt nhất nước Mỹ là đảo Alcatraz. Năm 1947, Viktor Lustig chết trong nhà tù ở bang Missouri. Vụ bán tháp Effel từ đấy đến nay vẫn là vụ lừa đảo “vô đối” về mức độ nổi tiếng trên thế giới.