Theo điều tra của phóng viên, riêng Khu kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia) hiện nay có ít nhất 5 nhà máy sản xuất gỗ dăm trái pháp luật đang ngang nhiên tồn tại và hoạt động. Cụ thể, các nhà máy này gồm của Công ty các xưởng trái phép này là của Công ty TNHH và đầu tư Nghi Sơn (xã Nghi Sơn), Công ty CP Sinh Lộc Phát (xã Nghi Sơn), Công ty TNHH Thành Tiến (xã Hải Thượng), Công ty TNHH Minh Long (xã Trường Lâm) và Công ty TNHH Việt Trung (xã Trường Lâm).
Hàng ngày, từng đoàn xe tải trọng lớn rầm rập chở nguyên liệu vào nhà máy để dây chuyền của những “dự án” trái phép này hoạt động. Theo ghi nhận của phóng viên, ngay tại các công ty nói trên, thành phẩm là các loại dăm xay sau khi chế biến được chất đống để chủ hàng xuất khẩu đi nước ngoài.
Điều đáng nói, các xưởng gỗ dăm trái phép không những được xây dựng trái phép ở các vùng hẻo lánh mà còn ngang nhiên mọc lên ở những vùng đã quy hoạch và có sự quản lý của cơ quan nhà nước như ngay trong Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn.
Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, ông Lê Thanh Hà thừa nhận trong KKT Nghi Sơn hiện nay mới chỉ có 2 doanh nghiệp được cấp phép chế biến gỗ dăm, còn lại thì đang có 5 doanh nghiệp xây dựng xưởng gỗ dăm trái phép như tài liệu mà phóng viên đã đề cập ở trên. Ông Hà đã chủ động cung cấp danh sách các công ty xây dựng trái phép gồm tên và địa chỉ của 5 doanh nghiệp “đóng đô” bất hợp pháp trên đất của KKT Nghi Sơn mà ông Hà đang quản lý. “Chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra và phát hiện ở KKT Nghi Sơn có 3 nhà máy chế biến gỗ được nhà nước cấp phép và 5 cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép đang hoạt động”, ông Hà thừa nhận.
Ông Hà thừa nhận, lãnh đạo Ban quản lý KKT Nghi Sơn, chính quyền xã biết, huyện đều biết biết đích danh các nhà máy gỗ dăm trái phép của doanh nghiệp. Biện pháp trước mắt, theo ông Hà là Ban quản lý KKT Nghi Sơn cũng đã có văn bản gửi đến huyện Tĩnh Gia yêu cầu phối hợp xử lý.
Mặc dù công trình xây dựng ngay trong khu vực quản lý của KKT Nghi Sơn, nhưng khi được hỏi về trách nhiệm, ông Hà lại vòng vo rằng “chức năng của Ban quản lý KKT Nghi Sơn là phát hiện, còn chức năng xử lý phải là các cấp chính quyền?!”.
“BQL có giám sát trực tiếp các cơ sở đó đâu mà “bảo kê”. “Bảo kê” là phải thằng ở sở tại và thằng chính quyền”, ông Hà giải thích trước thông tin lãnh đạo BQL QL KKT Nghi Sơn “bảo kê” cho các doanh nghiệp xây dựng nhà máy gỗ dăm trái phép ngay trong khu vực quản lý của ông.
Trong khi đó, đem lời của ông Hà để làm việc với chính quyền huyện Tĩnh Gia, thì Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia Nguyễn Tiến Dũng chỉ nói ngắn gọn“Cái đó đi mà hỏi Ban quản lý khu Kinh tế Nghi Sơn, huyện chỉ lo cho đời sống nhân dân!”. Với cách trả lời của ông Hà và ông Dũng, “quả bóng” trách nhiệm bị đá qua đá lại, trong khi các ông chủ của những nhà máy gỗ dăm trái phép vẫn ung dung tự tại, bất chấp pháp luật để kinh doanh trước các quy định pháp lý mà Nhà nước đặt ra.
Một trong các giải pháp để “dẹp loạn” các nhà máy trái phép này, theo ông hà là “Xã cứ cắt điện, cắt nước là nó (cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép - PV) không thể sản xuất, là phải đóng cửa”.
Trước những sự việc gây bức xúc dư luận này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng khẳng định, để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm thuộc về lãnh đạo ở khu vực có xảy ra tình trạng xây dựng trái phép. Theo ông Xứng, quy định đã rõ rồi, ở đâu xảy ra sai phạm thì cán bộ quản lý ở đó phải chịu trách nhiệm.
Cũng theo ông Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kiểm tra và xác minh sự việc, đồng thời giao cho Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Công thương, Sở Tài chính, Sở TNMT, Sở NN&PTNT, Cục thuế, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động của các cơ sở băm dăm gỗ trên địa bàn tỉnh, căn cứ quy định của pháp luật, giấy phép đầu tư, thủ tục đất đai, môi trường, nội dung dự án đầu tư, xử lý nghiêm các cơ sở có sai phạm theo quy định của pháp luật.