Cán bộ làm sai - người dân lãnh đủ
Công văn số 15 QL/SĐ ngày 20/12/1986 do bà Hoàng Thị Tâm (khi đó là Phó Chủ tịch UBND TX Hưng Yên) ký, chuyển vụ việc sang TAND TX Hưng Yên giải quyết đã bộc lộ nhiều sai phạm “... vì đất 2 sào 7 là của địa chủ Bùi Ngọc Yến. Ông Lâm Thành Dũng không xuất trình được giấy tờ về nhà đất được mang tên ông. Vì lẽ đó, trong sổ địa bạ của thị xã Hưng Yên không được ghi tên ông Dũng. Vì lẽ đó, năm 1964-1965 TX Hưng Yên có điều bà Chu Thị Cúc vào ở một phần đất phía Bắc nằm trong 2 sào 7 đất của địa chủ Yến do ông Dũng hiện đang sử dụng”.
Nhưng tại Báo cáo ngày 28/7/2009 - Chủ tịch Hội Nông dân TP Hưng Yên - nguyên Trưởng phòng Tư pháp - Trưởng đoàn Thanh tra (theo Quyết định số 63/QĐ-CT ngày 8/8/2007 của Chủ tịch UBND thị xã Hưng Yên) lại khẳng định: “... theo tài liệu năm 1963 do Phòng Tài nguyên Môi trường thành phố quản lý, diện tích đất ông Lâm Thành Dũng đang tranh chấp với bà Chu Thị Cúc ở tại thôn An Vũ, xã Hiến Nam, huyện Kim Động (nay là số nhà 139 đường Điện Biên, phường Lê Lợi, TP Hưng Yên), là diện tích đất ở của gia đình ông Dũng, có tên ông Lâm Thành Dũng thuộc thửa số 92, tờ bản đồ số 16 có diện tích 252m2, loại đất ao cá và thuộc thửa số 93 tờ bản đồ số 16 có diện tích 196m2, loại đất rau mang tên ông Lâm Thành Dũng”. Báo cáo số 70/BC-TCT ngày 27/11/2015 của tổ công tác do UBND TP Hưng Yên thành lập tiếp tục khẳng định: “theo sổ mục kê và bản đồ năm 1963 thể hiện tại thửa số 92, tờ bản đồ số 16, diện tích 252m2, loại đất ao cá vị trí hiện tại hộ bà Chu Thị Cúc đang sử dụng tại số nhà 139 đường Điện Biên (tức phần đất tranh chấp - PV); thửa số 93, tờ bản đồ số 16, diện tích 196m2, loại đất rau (vị trí hiện tại ông Lâm Thành Dũng đang sử dụng và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số nhà 141 đường Điện Biên) đều mang tên chủ sử dụng là ông Lâm Thành Dũng.
Vậy đã rõ, sau nhiều lần được cơ quan chức năng của TP Hưng Yên kiểm tra, xác minh kết quả đều khẳng định mảnh đất tranh chấp giữa ông Dũng và bà Cúc đang sử dụng là của ông Dũng. Đồng nghĩa với sự khẳng định đó của chính quyền TP Hưng Yên cho thấy toàn bộ nội dung Công văn số 15 ngày 20/12/1986 do Phó Chủ tịch Hoàng Thị Tâm ký, chuyển vụ việc sang TAND TP Hưng Yên là sai sự thật. Vậy, làm sao Tòa án có thể cho ra được một bản án công tâm, khách quan, đúng pháp luật, để người dân tâm phục khẩu phục?
Không chỉ thế, công văn sai “từ gốc” do bà Tâm nại ra còn làm xuất hiện hàng loạt sai phạm của các công chức trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ việc…
Tranh chấp tài sản trên đất hay tranh chấp đất?
Năm 1987, bà Chu Thị Cúc đã có đơn gửi TAND Thị xã Hưng Yên yêu cầu Tòa xử tranh chấp mốc giới giữa 2 mảnh đất liền kề nhau mà gia đình bà và gia đình ông Dũng đang sử dụng thực tế. Cây xoan, nhà vệ sinh được 2 gia đình trồng, xây dựng giáp với đường ranh giới của 2 mảnh đất này. Điều đáng nói, mảnh đất bà Cúc sử dụng lại đang trong tình trạng tranh chấp quyền sở hữu đến nay chưa hồi kết.
Trước hết, phải khẳng định đây là vụ kiện tranh chấp ranh giới do tài sản là cây xoan và nhà vệ sinh được mỗi gia đình trồng và xây dựng lấn sang phần đất mỗi bên đang sử dụng thực tế. Vì thế, đường ranh giới giữa hai gia đình cho dù có được xác định thì cũng chỉ là ranh giới đất sử dụng thực tế chứ không thể “ngộ nhận” coi đó làm cơ sở pháp lý để mỗi gia đình tự cho mình được quyền sở hữu mảnh đất mình đang sử dụng. Đặc biệt, từ năm 1985 đến nay ông Dũng liên tục có đơn gửi các cơ quan chức năng Trung ương, địa phương yêu cầu giải quyết để ông đòi lại phần đất đã cho gia đình bà Cúc mượn (mảnh đất được dành làm nơi thờ cúng liệt sỹ Lâm Hạnh Phúc - em trai ông).
Vậy, thử hỏi TAND TP Hưng Yên đã dựa trên cơ sở pháp lý nào để tổ chức hòa giải cho hai gia đình “căng dây cắm mốc giới” cho đất đang tranh chấp. Trong khi vụ kiện ông Dũng đòi đất cho bà Cúc mượn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm, chưa có kết luận cuối cùng. Vậy mà, Tòa vẫn tổ chức cho hai gia đình ông Dũng và bà Cúc “căng dây cắm mốc giới”, tự xác định mốc giới đất với nhau. Chưa hết, ngày 12/2/1987, Thẩm phán Phạm Văn Hòe lại còn ra Quyết định “công nhận việc hòa giải thành”.
Tòa án tổ chức hòa giải như vậy có chăng chỉ là giải quyết “tình thế” nhằm “vãn hồi” an ninh trật tự địa phương mà thôi vì hai gia đình này thường xuyên xẩy ra cãi vã, tranh chấp về mốc giới đất trồng cây xoan và đất xây nhà vệ sinh bị lấn sang nhau.
Từ năm 1963, trong sổ mục kê do Phòng Tài nguyên Môi trường thành phố quản lý đã chỉ rõ phần đất gia đình bà Cúc đang sử dụng thuộc quyền sở hữu của ông Dũng. Vậy, lại có chuyện “nực cười”, bà Cúc khởi kiện tranh chấp mốc giới đất giữa hai gia đình lại cũng được Tòa thụ lý “hòa giải thành”.
Với cách giải quyết vụ việc như vậy của Thẩm phán TAND TX Hưng Yên Phạm Văn Hòe, sẽ được hiểu thế nào khi cả tình và lý đều “không ổn”; có “bình thường” khi vụ việc bị “lập lờ đánh lận con đen” giữa vụ tranh chấp mốc giới bị tài sản (là cây xoan và nhà vệ sinh) gắn trên đất với tranh chấp quyền sở hữu đất? Rồi, cả giữa vụ đất của địa chủ bị Nhà nước thu hồi sau lại phân cho bà Cúc (như nguyên Phó Chủ tịch UBND TX Hưng Yên - Hoàng Thị Tâm đã “diễn giải” tại Công văn số 15 ngày 20/12/1986). Vậy, dư luận phải hiểu thế nào khi hậu quả để lại cho người dân phải gánh chịu?.
Những việc làm thiếu trách nhiệm và những dấu hiệu “khuất tất” của cán bộ trong quá trình giải quyết vụ việc, để vụ việc “rối tung” hơn 30 năm qua cần được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ và xử lý nghiêm.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc.