Tình thương của người cha dẫn tới thành công
Ông Trần Khiêm Khánh (tức Tư Khánh) vốn không phải là một doanh nhân hay một người kinh doanh thiên bẩm. Ông là một người hoạt động cách mạng, bị bắt, bị tù đày và sức khỏe suy giảm sau nhiều năm bị giam cầm khắc nghiệt.
Năm 1966, tại Sa Đéc (Đồng Tháp), vợ ông sinh cô con gái thứ hai. Tình hình khó khăn khiến gia đình không đủ tiền mua sữa cho con. Ông Khánh chợt nhớ hồi còn kháng chiến, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (giáo sư, bác sĩ vi trùng học và Đông y, cố Bộ trưởng Bộ Y tế) luôn dặn mọi người thỉnh thoảng nên ăn gạo lứt để tăng sức khỏe, chống bệnh tật, ông cũng tìm đọc một số tài liệu, sách báo về công dụng của gạo lứt nên quyết định thử nấu cháo gạo lứt ấy nước cháo cho con uống.
Hơn tuần lễ sau thấy con khỏe mạnh hơn, không hề tiêu chảy hay dị ứng, ông yên tâm về loại thực phẩm mới cho trẻ này. Nhận thấy việc nấu cháo khá bất tiện cho trẻ nhỏ bởi gạo lứt vốn cứng, ông nghĩ nên xay thành bột dễ hơn. Thế là ông nghiên cứu đặt thợ làm một chiếc máy xay bột nhỏ. Nhờ đó, cô bé vượt qua suy dinh dưỡng, lớn khỏe.
Bột xay ra nhiều dùng không hết, ông gửi tặng một số người quen có con nhỏ mỗi người một ít. Không dè mọi người dùng thử thấy tốt nên giới thiệu người quen, sau đó đặt hàng ông mua và xay giúp. Tính ra chỉ mới trong số người quen biết thôi mà đã lên tới vài trăm kilôgam mỗi tháng.
Được mọi người đón nhận, khen ngợi và ủng hộ, ông Tư Khánh vui một vì có tiền bạc đắp đổi cho cuộc sống gia đình nhưng ông vui mười khi thấy trẻ con nhờ ăn bột của mình mà mạnh khỏe, không bị suy dinh dưỡng. Thế nên khi bạn bè gợi ý nên mở rộng sản xuất bột để phục vụ đông đảo hơn cho bà con, ông và vợ - bà Đinh Ngọc Điệp chỉ mất một đêm bàn bạc là nhất trí mở nhà máy.
Ông đặt xưởng sản xuất ở Sa Đéc và đặt tên là Nhà máy Bột Bích Chi theo tên con gái đã được nuôi bằng bột gạo lứt từ lúc mới sinh. Cô chính là người đã “nếm thử” những sản phẩm đầu tay của ông Tư Khánh… Tháng 3/1967, Nhà máy chính thức hoạt động. Với hình ảnh “mẹ bồng con”, bột Bích Chi nhanh chóng được biết đến rộng khắp miền Nam những năm 1967-1975.
Nhà máy sản xuất bột ăn dặm Bích Chi những năm 1967-1975 |
“Nếu không có Bích Chi, tui đã không làm bột. Chính nhờ nuôi nó bằng gạo lứt tui làm ra mới có công ty sau này nên tui đặt tên cho bột này là Bích Chi” – ông Khánh kể lại.
Sau khi mở Nhà máy, để làm phong phú các sản phẩm dinh dưỡng, ông Tư Khánh nghiên cứu sản xuất thêm sản phẩm bột gạo lứt đậu xanh, rồi bột “5 loại đậu” - tức là bột đậu xanh, trắng, đỏ, đen và đậu nành, đây là những sản phẩm được bà con mua nhiều nhất và bột hỗn hợp gạo lứt – ngũ cốc.
Lý do để bột Bích Chi được dùng nhiều vì so với sữa bột ngoại nhập khá đắt đỏ, bột gạo lứt và bột tổng hợp giá rẻ vẫn có độ dinh dưỡng cao. Thứ nữa là sữa chỉ pha cho trẻ uống, còn bột Bích Chi pha đường cho trẻ uống hay ăn cũng được, trẻ lớn chút thì cho thêm thịt bằm, rau củ băm nhỏ vào nấu chung thành món mặn ăn dặm cũng tiện lợi và ngon miệng. Không chỉ trẻ em, người lớn tuổi cũng dùng tốt các sản phẩm bột.
Chịu nhiều thiệt thòi do chính sách kinh tế thay đổi
Giai đoạn đầu, bột Bích Chi được khách mua theo kiểu truyền miệng, người nọ mách người kia trong vùng nhưng để đưa sản phẩm đến với các vùng khác ở miền Nam, nhất là lên Sài Gòn thì không thể trông chờ vào phương thức cũ. Bản thân ông Khánh cũng ý thức được mình chỉ có thể là người nghiên cứu về bột, chế biến ra các sản phẩm có chất lượng nhưng không thể làm tốt được công việc quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng, do đó ông chọn ông Đỗ Như Công (ông Công có bằng thương mại do Pháp cấp, lại là bạn thân với Trần Khiêm Ninh, anh của ông Khánh) làm đại lý độc quyền (hồi xưa gọi là tổng phát hành).
Phương thức quảng cáo bột Bích Chi rất sáng tạo, bài bản theo đúng phong trào nghe cải lương tân cổ giao duyên thời ấy. Chẳng hạn, ông Công nhờ soạn giả Viễn Châu sáng tác bài vọng cổ, nghệ sĩ Ngọc Giàu và Thành Được ca, nhờ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết (cha của ca sĩ Hồng Hạnh) viết tân nhạc và hát cùng ca sĩ Ngọc Cẩm. Vào dịp Tết, tổng phát hành (nhà phân phối) đặt các gian hàng ở chợ Bến Thành, mở đĩa cho khách thập phương nghe bài vọng cổ mùi mẫn, bài tân nhạc tình cảm, vừa nấu bột tỏa mùi thơm phức, ai cũng tò mò đến ăn thử miễn phí rồi không ngần ngại “xuống tiền” mua bột.
Xe tổng phát hành còn đi rao hàng khắp Sài Gòn, cho dân chúng thưởng thức bột nấu tại chỗ. Hãng làm cả những pano lớn dựng ở những con đường chính đi các tỉnh, làm phim quảng cáo mời ca sĩ Phương Hoài Tâm đóng, mời Thẩm Thúy Hằng – minh tinh màn bạc nổi tiếng thời đó quảng cáo bột Bích Chi…
Nhờ việc quảng cáo hiệu quả, trong giai đoạn từ năm 1970 đến 1975, mỗi năm Nhà máy Bích Chi sản xuất hàng trăm tấn bột. Bên cạnh sản phẩm trẻ em, Bích Chi bắt đầu nghiên cứu nhiều loại bột gia dụng khác như bột gạo ngang (để nguyên chất xơ) để làm bánh có độ giòn như bánh xèo, bánh khọt…; bột nửa ngang nửa lọc (đã lấy bớt chất xơ) để làm bánh hấp, bánh luộc như bánh canh, bánh lọ. Ngoài ra, còn một loại đặc biệt là chỉ có tinh bột, không chất xơ để làm bánh bò…
Bột gạo lứt Bích Chi |
Năm 1970, Nhà máy Bột Bích Chi đã có cả trăm công nhân, bột Bích Chi được các hãng sữa Dielac và Guigoz danh tiếng tới mua bột. Nhưng cả ông Khánh và ông Công đều từ chối vì cho rằng đây là sản phẩm đặc trưng Việt Nam, không muốn gia công cho nhãn hàng ngoại.
Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 7/1975, gia đình ông Khánh đã hiến Nhà máy Bột Bích Chi ở Sa Đéc cho Nhà nước và ông Khánh được Tổng cục Công nghiệp thực phẩm thuộc Ban Kinh tế kế hoạch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam bố trí làm Giám đốc, mang lại đời sống no ấm cho gần 200 công nhân và gia đình họ.
Năm 1984-1988, bột Bích Chi được chọn tham gia chương trình 2651 của Chính phủ với sự viện trợ của Chương trình Lương thực Thế giới (PAM) về chống suy dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Đây là chương trình viện trợ quốc tế lớn đầu tiên cho Việt Nam trong thời kỳ đất nước bị cấm vận, đã nhận được tài trợ và được trang bị máy móc hiện đại để sản xuất bột dinh dưỡng cho chương trình PAM.
Năm 1990, Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em thuộc Sở Y tế TP HCM bắt đầu sản xuất sản phẩm Risolac, đã đặt Nhà máy Bột Bích Chi gia công hỗn hợp bột gạo và đậu nành. “Thương hiệu Bích Chi trường tồn” là ước nguyện của gia đình ông Khánh và những người đã tham gia sáng lập thương hiệu, cho dù họ chịu nhiều thiệt thòi khi chính sách kinh tế thay đổi qua các giai đoạn phát triển của đất nước.
Năm 2001, Nhà máy Bột Bích Chi được cổ phần hóa. Nhiều người nghĩ ông Tư Khánh phải có khá nhiều cổ phần nhưng thực ra ông không có bất cứ quyền lợi gì ở Nhà máy cũ. Ông Tư Khánh không hề hối hận về quyết định hiến tặng nhà máy của mình cho Nhà nước mà điều ông buồn là những sản phẩm bột gạo lứt Bích Chi dù vẫn còn được nhiều người ưa chuộng và đang nỗ lực xuất khẩu nhưng vẫn không bằng thời hoàng kim xưa và cũng không thể cạnh tranh với các "ông lớn" như Nestlé, Vinamilk...