Mua một lần, đi kiện 3 năm
Bà Nguyễn Mỹ Linh (ngụ quận 9, TP.HCM) có mua một bộ sưu tập nữ trang cao cấp từ Công ty TNHH I. có trụ sở tại quận 1. Cuối năm 2012, bà Linh phát hiện bộ sưu tập nữ trang cao cấp có vấn đề về chất lượng, đi kiểm định tuổi vàng bà Linh được biết 2/3 số sản phẩm không đủ tuổi. Bà Linh đã mang kết quả kiểm định đến yêu cầu bên bán thu hồi sản phẩm, trả lại toàn bộ tiền mà bà đã mua nhưng bên bán không đồng ý.
Sau đó bà Linh đã nộp đơn đến Hội Bảo vệ người tiêu dùng (BVNTD) TP.HCM nhờ giải quyết. Hội đã mời gặp mặt ba bên nhưng phía bán hàng không đến làm việc. Cực chẳng đã, tháng 8/2013 bà Linh đã quyết định khởi kiện tại TAND quận 1 sau khi được Hội BVNTD TP tư vấn, hướng dẫn sẽ không phải đóng tạm ứng án phí theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD).
Tuy nhiên, phía tòa án lại cho rằng đây là vụ kiện dân sự nên chỉ thụ lý khi bà Linh đóng tạm ứng án phí theo quy định. Sau nhiều nỗ lực can thiệp bất thành của Hội BVNTD TP.HCM, tháng 3/2014 bà Linh phải chấp nhận nộp hơn 10 triệu đồng tiền tạm ứng án phí để theo đuổi vụ kiện thì phát sinh chuyện công ty nữ trang chuyển trụ sở sang quận 7.
“Tôi đã theo đuổi vụ việc này hơn 3 năm. Công sức, tiền bạc và những tổn thất tinh thần 3 năm qua chắc đã vượt quá số tiền mà nếu thắng kiện tôi sẽ đòi được. Tôi cũng chưa biết bao giờ vụ việc mới được đưa ra xét xử vì trình tự thủ tục pháp lý quá rắc rối, nhưng tôi sẽ theo đuổi đến cùng!” – trả lời báo chí, bà Linh cho biết.
Sợ tòa, vì sao?
Theo khảo sát do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện, có đến 46% người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng; 40% mua phải hàng có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, gần 28% số người tham gia khảo sát cho rằng mình bị đối xử không tốt.
Luật BVQLNTD có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, trong đó có quy định người tiêu dùng có thể kiện doanh nghiệp, nhà sản xuất vì những sản phẩm lỗi hoặc không đúng với công bố. Tuy nhiên, “người tiêu dùng thường chọn các phương thức giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải là chủ yếu” - TS Vũ Thị Lan Anh (Đại học Luật Hà Nội) nhận định.
Ảnh minh họa |
Theo con số thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, trung bình trong năm 2010 và 2011, số lượng các vụ việc gửi đơn khiếu nại đến các Sở Công Thương trong cả nước là 500 vụ, đến Cục Quản lý cạnh tranh là 60 -70 vụ, đến các Hội BVNTD trong cả nước là 1.500 vụ. Trên phạm vi cả nước, bình quân mỗi năm có hơn 2.000 vụ việc được gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan quản lý nhà nước về BVNTD.
Vụ kiện của bà Nguyễn Mỹ Linh không phải là vụ đầu tiên người tiêu dùng khởi kiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các vụ kiện đều có chung một “mẫu số” là không dễ dàng gì. Thế nên, không khó hiểu khi Luật gia Phan Thị Việt Thu - Phó Chủ tịch Hội BVNTD TP.HCM cho biết, bản thân bà rất khó khi tư vấn người tiêu dùng đi khởi kiện vì quá gian nan nên phần lớn họ sẽ bỏ cuộc ngay từ đầu.
“Điều này có nguyên nhân là do tâm lý của người Việt Nam ngại va chạm. Mặt khác, chi phí khởi kiện, thuê luật sư, đi lại, giám định và thời gian giải quyết kéo dài cũng khiến người tiêu dùng e ngại. Hệ thống kiểm nghiệm cũng chưa thành công cụ cung cấp chứng cứ thuận lợi cho người tiêu dùng khi khởi kiện…” - TS Vũ Thị Lan Anh phân tích.
Khó khăn về phía tòa án, TS Vũ Thị Lan Anh cho biết, Luật BVQLNTD có quy định về việc áp dụng thủ tục đơn giản khi giải quyết vụ án dân sự về BVNTD tại tòa án, nhưng vẫn chưa có tiêu chí xác định thế nào là một vụ án đơn giản, có chứng cứ rõ ràng.
Ngoài ra, Khoản 2 Điều 41 Luật BVQLNTD quy định thủ tục đơn giản chỉ được áp dụng nếu được quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự, nhưng đến nay pháp luật về tố tụng dân sự lại chưa có quy định về vấn đề này. Do vậy, trên thực tế tòa án vẫn chưa áp dụng quy định về thủ tục đơn giản./.