Khách hàng yêu cầu bồi thường 40 triệu?
Như đã đưa tin, ngày 31/3, đại diện cho nhà sản xuất chai nước C2 (Công ty TNHH URC Việt Nam) là ông Trần Sâm, bộ phận giám sát bán hàng đã đến làm việc với người tiêu dùng Phạm Hồng Phong.
Theo biên bản đã được lập cùng ngày thì đại diện nhà sản xuất đã xác nhận chai nước trên là do mình sản xuất, có hạn sử dụng từ ngày 12/4/2014 và hết hạn vào ngày 12/4/2015. Biên bản ghi rõ là: Sản phẩm bị đóng cặn ở trên chai, màu vàng đậm.
Trao đổi với cơ quan báo chí, ông Nguyễn Phước Quý Trường, Đại diện truyền thông Công ty TNHH URC Việt Nam cho biết, trước khi báo chí thông tin, Công ty cũng đã có 3 lần gặp gỡ khách hàng nhưng không thành công. Theo ông Trường thì anh Phong đã từng yêu cầu bồi thường khoản tiền là 40 triệu đồng thì mới giao chai nước có lỗi. Đòi hỏi này của anh Phong không được Công ty đồng ý, vì vậy mà sự việc kéo dài không được giải quyết.
Theo biên bản làm việc ngày 31/3 giữa đại diện nhà sản xuất C2 với anh Phạm Hồng Phong thì chai nước bị lỗi trên đã được anh Phong trao cho nhà sản xuất để phân tích xem lỗi phát nguồn từ đâu. Và nhà sản xuất này có hứa sau 10 ngày thì sẽ có kết quả phân tích. Còn chuyện anh Phong yêu cầu nhà sản xuất “bồi thường” 40 triệu đồng thì đến thời điểm hiện tại báo chí vẫn chưa có thông tin cụ thể.
Thời gian vừa qua, dư luận hết sức quan tâm đến vụ việc anh Võ Văn Minh (quê Tiền Giang) phát hiện có ruồi trong chai nước giải khát của công ty Tân Hiệp Phát và sau đó anh này thông tin đến nhà sản xuất, đe dọa, ép nhà sản xuất phải đưa 500 triệu đồng để đổi lại sản phẩm lỗi và sự im lặng. Vụ việc này đã gây nhiều tranh cãi và thu hút sự quan tâm của dư luận. Vậy sự việc của anh Minh và anh Phong có điểm gì giống và khác nhau? Xung quanh vấn đề này chúng tôi đã trao đổi với các luật sư để làm rõ.
Theo Luật bảo vệ người tiêu dùng, người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của gia đình, tổ chức, cá nhân. Bảo vệ quyền lợi NTD là trách nhiệm chung của Nhà nước, toàn xã hội, quyền lợi của NTD được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 135 Bộ luật hình sự quy định về mặt khách quan của tội Cưỡng đoạt tài sản được đặc trưng bằng các thủ đoạn uy hiếp tinh thần là: “đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản”. Uy hiếp tinh thần người khác được hiểu là dùng mọi cách đe dọa sẽ gây nguy hại đến lợi ích thiết thân của người có trách nhiệm về tài sản… khiến đối tượng bị uy hiếp vì lo sợ một điều gì không hay sẽ xảy ra cho mình mà phải miễn cưỡng giao tài sản.
Tuy nhiên, theo các luật sư đánh giá: để có căn cứ chính xác kết luận Võ Văn Minh có phạm tội cưỡng đoạt tài sản hay không, vấn đề quan trọng được đặt ra là phải điều tra xác định được hành vi cố tình đe dọa của Minh có khiến nhà sản xuất thật sự bị sức ép, bị đe dọa đến mức phải chấp nhận đưa tiền cho Minh hay không? Ngược lại, nếu anh Minh với đại diện Công ty thương lượng, thỏa thuận để bồi thường mà thỏa thuận là tự nguyện giữa hai bên để bảo đảm uy tín của nhà sản xuất thì đó là quan hệ dân sự.
Đối với việc đại diện truyền thông Cty TNHH URC Việt Nam phản ánh cho rằng anh Phạm Hồng Phong (người tiêu dùng) tại Hà Tĩnh phát hiện sản phẩm là chai nước C2 có lỗi và đòi nhà sản xuất "bồi thường" số tiền 40 triệu đồng, theo luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, văn phòng luật sư Đức Thịnh (Hà Nội) thì đây mới chỉ là phát ngôn từ một phía là nhà sản xuất. Nhưng, nếu như trường hợp có việc anh Phong đòi bồi thường đó thì chúng ta sẽ xét đến 2 khả năng. Một là, giả sử khách hàng có tác động vào sản phẩm, làm thay đổi chất lượng (cố ý tác động để sản phẩm thay đổi), sau đó đòi bồi thường thì hành vi đó là vi phạm. Còn nếu như khách hàng (cụ thể ở đây là anh Phong) phát hiện ra chai nước C2 có dị vật thật sự mà không tác động gì và phía nhà sản xuất đến thương lượng thì anh Phong có quyền đòi bồi thường.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, văn phòng luật sư Đức Thịnh (Hà Nội) |
"Pháp luật không quy định mức trần của việc đòi bồi thường trong vấn đề này là bao nhiêu. Có thể là sản phẩm đổi sản phẩm. Hoặc người tiêu dùng có thể đòi một số tiền lớn hoặc nhiều hơn nữa (mà không có các đe dọa khác) nếu nhà sản xuất thấy cần phải bảo vệ thương hiệu và họ chấp nhận thì là chuyện bình thường, không vi phạm pháp luật mặc dù số tiền đòi bồi thường gấp nhiều lần giá trị sản phẩm. Thậm chí, nếu như lỗi của nhà sản xuất có thể gây tổn hại cho NTD hoặc cho xã hội thì nhà sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm và thậm chí còn bị xử lý theo pháp luật, luật bảo vệ NTD, thậm chí phải đóng cửa nhà máy...". Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Đoàn luật sư Hà Nội khi được hỏi cũng có chung các quan điểm trên. Luật sư Thắng phân tích thêm rằng ranh giới giữa vi phạm pháp luật và không vi phạm pháp luật rất mong manh. Trong vụ việc của Võ Văn Minh, nếu như NTD này không có các hành vi đe dọa như các cơ quan báo chí đã thông tin thì câu chuyện đã khác.
Cần sự thông thái
Trong vụ việc của Võ Văn Minh nếu xử lý khôn khéo hơn, nhà sản xuất có thể tìm đến một cơ quan thứ ba là Hội bảo vệ người tiêu dùng địa phương, đoàn thể, chính quyền giải thích rõ cho anh Minh hiểu ranh giới giữa vi phạm pháp luật và không vi phạm pháp luật thì có lẽ anh Minh đã hiểu ra và dừng lại trước khi quá muộn.
Theo luật sư Nguyễn Văn Thắng thì với trường hợp NTD ở Hà Tĩnh yêu cầu bồi thường khoản tiền là 40 triệu đồng để đổi lại sản phẩm lỗi về mặt pháp lý hiện nay vấn đề này vẫn chưa được NTD thừa nhận. Thứ nữa, nếu NTD ở đây chỉ dừng lại ở việc phát hiện sản phẩm lỗi của nhà sản xuất và yêu cầu bồi thường số tiền trên, ngoài ra không có bất cứ hành vi nào tiếp theo nhằm đe dọa, thúc ép để có được số tiền trên từ nhà sản xuất thì đó là vấn đề dân sự. “Mặt khác số tiền 40 triệu đồng chưa được nhà sản xuất giao cho NTD và mới chỉ dừng lại ở việc thương lượng, nhà sản xuất không chấp nhận”, luật sư Thắng nói.
Theo các luật sư, những cán bộ ở các Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được hỏi đều có chung quan điểm rằng khi phát hiện sản phẩm lỗi, người tiêu dùng ngoài việc báo cho nhà sản xuất biết thì cũng cần tìm đến cơ quan hữu trách để trình báo sự việc. Người tiêu dùng ngoài yếu tố quyền lợi cá nhân cần đề cao quyền lợi của cộng đồng người tiêu dùng nói chung. Trong trường hợp muốn làm rõ nguyên nhân gây lỗi, tác hại từ lỗi sản phảm đối với người sử dụng thì cần phải để cơ quan đập lập đem đi giám định. Trên cơ sở kết luận giám định thì mới xác định được rõ trách nhiệm của nhà sản xuất.
Các luật sư khi được hỏi đều cho rằng với trường hợp của khách hàng Phạm Hồng Phong ở Hà Tĩnh muốn tìm hiểu nguyên nhân lỗi sản phẩm là chai C2 nhưng lại dễ dàng giao chai nước có lỗi trên cho nhà sản xuất kiểm định, đánh giá chất lượng thì khó có thể có được một kết quả khách quan, minh bạch. NTD không còn bằng chứng nếu muốn tiếp tục khiếu nại bằng con đường tòa án.