Và điều đáng kinh ngạc là chỉ sau một năm, thậm chí vài tháng, nhiều bệnh nhân trước đấy vốn dĩ quậy phá dọc ngang, tâm lý bất bình thường lại trở lại làm một con người bình thường. “Phương thuốc” để trị bệnh lại chẳng có gì thần bí, ngoài lao động và tụng kinh niệm Phật.
Muốn được tiếp nhận phải xin... “Thánh”
Theo lời các cụ cao niên trong làng truyền lại, ngôi đền này được xây dựng từ thời Bắc thuộc, cách nay hơn 1.000 năm. Câu chuyện huyền thoại về đền Thó kể lại rằng, một vị thần đã xuống hạ giới, đầu thai vào một người nhà Trần để làm việc kỳ lạ, đó là chữa bệnh cho những người tâm thần. Vị thần này về trời, con cháu được giao lại ngôi đền và tiếp tục làm công việc đó. Cũng theo lời các cụ cao niên, ban đầu những người giữ đền này mang họ Trần Ngọc nhưng đã đổi sang họ Nguyễn Ngọc từ cách đây khoảng 200 năm.
Nối tiếp truyền thống tổ tiên để lại, đến nay, việc chữa trị bệnh cho người điên ở đền Thó đã bước sang đời thứ 17. Điều kỳ lạ là tất cả những bệnh nhân tâm thần trước khi muốn được ở lại ngôi đền trị bệnh đều phải trải qua một cuộc “khảo nghiệm”. “Ban giám khảo” đánh giá kết quả “khảo nghiệm” là “Thánh”, thông qua những đồng tiền âm dương để cho thủ từ của đền biết bệnh nhân ấy có được tiếp nhận hay không.
Ông Nguyễn Ngọc Tự, thủ từ đền Thó cho biết: “Tục lệ truyền đời này qua đời khác trong họ tôi là như vậy, những người đời sau chỉ biết nối tiếp”. Theo lời ông Tự, bước khảo nghiệm được thực hiện như sau: Trước khi tiếp nhận bệnh nhân, thủ từ của đền buộc phải gieo hai đồng tiền âm dương. Nếu “Thánh” đồng ý tiếp nhận bệnh nhân, gieo âm dương sẽ lên một đồng sấp, một đồng ngửa. Nếu không được như vậy thì nhất định không được tiếp nhận bệnh nhân và cũng chỉ được gieo đồng tiền âm dương một lần.
Tuy nhiên, ông Tự cũng cho biết, với những bệnh tâm thần bị do di truyền, hay nhiễm chất độc da cam, nhà đền không thể giúp được vì đây là ảnh hưởng trực tiếp đến não. Còn đối với những trường hợp phát bệnh do tác động từ bên ngoài, như bị đánh, ngã, sang chấn tâm lý, trầm cảm, hay ảo giác hoang tưởng,… thì nhà đền đều có thể chữa cho họ được. Thời gian chữa được bệnh lại tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người.
Nếu những người mới bị phát bệnh khoảng 2-3 tháng đến nhà đền chỉ 10 ngày là được về. Còn có những trường hợp nặng và lâu thì phải kiên trì, điều trị lâu dài. Bệnh nhân nặng nhất mà đền Thó từng phải điều trị lên tới 6 năm ròng. Một điều lạ là ngôi đền này gần như chữa bệnh miễn phí bởi mỗi bệnh nhân chỉ phải nộp 500.000 đồng/tháng và góp từ 5-30kg. Ngoài ra không nộp bất cứ khoản tiền nào khác. Và để phục vụ bữa ăn cho số lượng bệnh nhân thường trực khoảng vài chục người, người nhà đền cùng các bệnh nhân sẽ phải làm việc, canh tác ở 2 mẫu ruộng hương hỏa từ đời các cụ truyền lại.
Điều đặc biệt là sau khi bệnh nhân được nhà đền tiếp nhận, gia đình không được gặp nữa. Chỉ khi nào thầy gọi điện thì người nhà mới được phép lên thăm người thân. Lý giải việc này ông Tự cho biết: “Trong quá trình trị bệnh, người thân tuyệt đối không được đến thăm để người bệnh quên hết quá khứ. Khi họ nghĩ rằng không còn người thân thích, không còn chỗ bấu víu nữa, họ buộc phải ở lại, sống cùng người lạ và bắt đầu quá trình trị bệnh”.
Bệnh nhân ngồi đọc kinh mỗi tối |
Chữa bệnh bằng lao động và đọc kinh
Ông Tự không ngần ngại chia sẻ “bí quyết” chữa bệnh tâm thần chỉ gồm hai việc chính đó là lao động và tụng kinh niệm Phật. Theo ông, các rối loạn tâm thần có thể thuyên giảm hoặc khỏi hẳn bằng tổ hợp các liệu pháp lao động, nghỉ ngơi, chơi thể thao và thư giãn giải trí. Ông Tự cho rằng, tập thể dục sẽ giúp cho bệnh nhân lưu thông khí huyết, khơi dậy sự tập trung chú ý.
Việc cho bệnh nhân tụng kinh hoặc nghe tụng kinh giúp người bệnh tĩnh tâm, cảm thấy tinh thần được giải phóng. Theo ông Tự, bệnh nhân tâm thần cần phải được cho lao động để kích thích não bộ, đẩy lui những “cơn điên”. Bệnh nhân càng nặng, càng phải làm việc nhiều và làm những việc nặng. Bệnh nhân nhẹ hơn sẽ được giao những việc đơn giản như nhặt lá, quét sân. Bệnh nhân “tỉnh” hơn chịu trách nhiệm những công việc phức tạp như nấu cơm, rửa bát, thậm chí quản lý những bệnh nhân khác.
Đưa chúng tôi ra khoảng sân rộng sau nhà, ở đó ông cho những người bệnh nặng xếp hàng đi bộ nhiều vòng liền quanh sân. Những người đi bộ, tùy mức độ bệnh nặng nhẹ sẽ vẫn bị đeo xích, đeo gọng sắt, vác tải đất hay khiêng vật nặng… cứ đi như vậy, liên tục. Đang mải mê quan sát các bệnh nhân tập thể dục, bất chợt một bệnh nhân vẫn bị chiếc cùm sắt đính vào chân đi lại gần chúng tôi rồi liến thoắng chuyện trò.
Anh ta cho biết, anh tên Thắng, người Hà Nam. Rồi kể một mạch, rằng: “Ngày xưa, em ở trại tâm thần Trâu Qùy, em toàn trốn trại thôi. Em khỏe lắm, hai tay bẻ cong cả chấn song sắt rồi chuồn ra ngoài chơi. Ở đấy chỉ uống thuốc, rồi ngồi chơi suốt ngày nên chán lắm. Ở đây thấy thoải mái hơn. Đeo cùm chân như này nhưng em vẫn còn vác theo được cả hai tải đất buộc trên vai nữa đấy. Thầy bảo với em rồi, ở đây mấy hôm, thấy quen sẽ thích chỗ này và không trốn nữa. Lúc đó, thầy sẽ tháo cùm cho em”.
Trong khi mọi người tập thể dục, ông Tự để cho mọi người được thỏa sức nói, nhưng những ai muốn lên tiếng phải nói theo lời người hướng dẫn chứ không được nói lung tung. Rồi giống như một nhạc trưởng, ông Tự bắt nhịp cho cả 40 con người bệnh tật ấy cùng nhau hát vang những bài hát cách mạng. Sân tập thể dục bỗng khí thế và vui nhộn một cách lạ thường. “Những câu hát từ những người bệnh có đúng, có sai, có lạc nhịp cũng được… nhưng miễn sao tôi hướng dẫn được họ hát theo yêu cầu và hát cùng mọi người”, ông Tự cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Tự chia sẻ với phóng viên |
Không chỉ cho bệnh nhân tập thể dục, thường thì ông Tự phải bày việc cho bệnh nhân lao động. Trong làng, trong xã có gia đình nào xây cửa dựng nhà, ông đều kéo “đội quân người điên” đến làm giúp. Mỗi khi giúp dân theo hướng dẫn của ông Tự, những người bệnh tâm thần đều cần mẫn làm việc, nền nếp như nhóm thợ thực thụ. Những khi không tìm được công việc, ông Tự mua mấy khối cát đổ ở sân như quả núi con, rồi cho bệnh nhân xúc cát từ chỗ này, đổ qua chỗ kia.
Bên cạnh việc lao động, tập thể dục, hàng ngày những người đến đây trị bệnh đều phải đọc kinh Phật. Dù bệnh nặng hay nhẹ, cứ mỗi buổi tối sau bữa cơm, bệnh nhân lại quây tụ trong tiền đường của đền, đọc kinh Dược sư và nghe ông Tự giảng về đạo Phật, về hướng thiện, về trách nhiệm của một con người đối với gia đình và xã hội. Nhiều người đeo cùm, đeo xích ở chân, nhưng vẫn ngồi đọc kinh rất nghiêm chỉnh, khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và thấy thực sự lạ lùng.
Ông Tự giải thích: “Thực ra, kinh Phật mà chúng tôi cho bệnh nhân tụng niệm không khác gì so với kinh Phật thông thường, nghĩa là không có vấn đề bùa chú huyền bí gì ở đây cả”. Ông Tự nhấn mạnh: “Chẳng qua, sự tụng niệm ở trong đền Thó dường như mang lại hiệu quả đặc biệt, khiến cho người điên trở nên thư thái, thần trí tỉnh táo dần, thoát khỏi u mê. Bằng chứng là rất nhiều bệnh nhân đã thoát khỏi bệnh điên sau một thời gian điều trị tại ngôi đền này”.