Độc đáo thúng chai trét… phân bò
Theo các bậc cao niên ở thôn Phú Mỹ, họ không biết nghề đan thúng chai ở làng quê này có từ khi nào. Họ chỉ nhớ từ thời thơ ấu đã nhìn thấy nhiều bậc cha ông căm cụi chặt tre, chẻ nan, đan kết sản phẩm này, nên ước tính làng nghề đan thúng chai Phú Mỹ đã có ít nhất trên trăm tuổi.
Với nhiều người dân thôn Phú Mỹ, khoảng 5 năm trở về trước, nghề đan thúng chai tuy không làm giàu, nhưng giúp họ có cái ăn, có việc làm quanh năm. Thời ấy, ở Phú Mỹ có hơn 40 hộ làm nghề, với hơn 120 lao động có thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Khi đó, thúng phơi đầy, trải dài cả cây số từ quốc lộ 1A đến cuối thôn Phú Mỹ.
Thế nhưng bây giờ, làng nghề đan thúng chai Phú Mỹ đang dần mai một, chỉ còn vài hộ bám nghề vì ít đơn đặt hàng. Trong khi đó, chi phí đầu tư sản phẩm tăng cao, cộng với sự cạnh tranh khốc liệt với thúng làm bằng nhựa, nhiều người đã bỏ nghề đi nơi khác để bươn chải cuộc sống.
Vợ chồng anh Trung đã gắn với nghề đan thúng chai gần 15 năm. Công việc của vợ chồng anh không những góp phần bảo tồn, phát huy truyền thống làng nghề ở địa phương mà còn tạo nguồn thu nhập ổn định, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống gia đình.
Từ một khuôn đất nhỏ trong sân nhà, anh Trung quy hoạch, sắp xếp gọn gàng để có chỗ làm nghề. Theo anh, để làm được một chiếc thúng chai giao đến tận tay khách hàng phải trải qua nhiều công đoạn và phải có những người thợ đảm nhận ở từng khâu.
Trước hết, người thợ chặt tre phải chuyên nghiệp, chọn loại tre mỡ già độ 60% trở lên, mọc ở vùng đất cát, dọc các bờ sông càng tốt. Sau đó chọn những nan tre cật, vót mỏng đều rồi đem phơi 4 đến 5 nắng. Tiếp đến, người thực hiện công đoạn đan mê thúng cũng phải rành nghề, khéo tay thì từng chiếc nan đan mới đều khít, thẩm mỹ và độ bền càng tăng cao.
Đan xong rồi lận vành. Vành thúng phải chọn nan chẻ từ cây tre đực, cứng chắc. Khi lận vành thúng, anh Trung đào hầm đất làm khuôn rồi lận nguyên tấm mê đã đan xong xuống hầm, làm sao cho chiếc thúng sau khi lận cả vòng thúng và vành phải tròn đều, cân bằng, thẩm mỹ.
Sau lận là dùng dây cước nức vành. Công đoạn tiếp theo là trét phân bò đều vào từng kẽ nan, phơi khô rồi quét dầu rái để chống thấm. Thông thường phải quét bên trong ba nước, bên ngoài ba nước thì chiếc thúng mới hoàn hảo.
“Dầu rái là loại nguyên liệu không thể thiếu khi sản xuất thúng chai và đóng tàu thuyền vỏ gỗ. Nó có tác dụng chống thấm nước và chịu đựng nước mặn, nắng mưa. Đây là loại nhựa thực vật có màu trắng đục được giới thợ rừng khai thác từ những cây dầu rái cổ thụ. Sau khi quét, thúng được đưa ra phơi nắng và sẽ chuyển màu nâu sẫm, bóng mượt”, anh Trung cho biết.
Anh Trung đang lận vành thúng chai. |
Anh Trung bảo, làm nghề đan thúng chai tuổi nghề không quan trọng bằng kỹ thuật. Nhiều khi, những người lâu năm làm thúng có độ chắc và thẩm mỹ không sắc sảo bằng những người có hoa tay, tỉ mỉ.
Trong các công đoạn làm thúng thì lận vành là khâu quan trọng nhất. Thao tác này đòi hỏi người làm phải có sức khỏe, kỹ năng và thẩm mỹ mới thành công vì một chiếc thúng rất to khó có thể lận cho vành được tròn đều.
Trong khi nhiều hộ đã bỏ nghề đan thúng chai vì thu nhập không đủ nuôi sống cho gia đình, ngược lại vợ chồng anh Trung vẫn mặn mà với nghề. Công việc của đôi vợ chồng dường như làm quanh năm. Hàng ngày, anh Trung lận vành thúng chai, còn chị Kiều trét phân bò và dầu rái.
Họ còn đặt thợ làm thêm khi có nhiều đơn đặt hàng và thu mua thúng của bà con trong thôn làm ra. Điều vợ chồng này hơn các hộ trong làng là lúc nào cơ sở cũng chứa đầy ắp thúng chai trong nhà, chưa kể thúng vừa làm xong phơi nằm la liệt ở con đường phía trước nhà.
Vươn mình ra thế giới
Từ buôn bán nhỏ lẻ, hiện vợ chồng anh Trung đã lập cơ sở thúng chai Trung Kiều. Giá mỗi chiếc thúng chai được bán ra thị trường dao động từ 1,2 đến 4 triệu đồng, tùy theo đơn đặt hàng, kích cỡ và vào số nan.
Trước khi bán thúng cho khách, vợ chồng anh đều kiểm tra kỹ, phát hiện một lỗi dù là rất nhỏ cũng đổi thúng khác cho khách hoặc đan chiếc thúng mới. Chính nhờ sự tỉ mỉ và chữ tín đặt lên hàng đầu mà những chiếc thúng của cơ sở thúng chai Trung Kiều “bay” ra tận các tỉnh phía Bắc, vào tận miền Tây rồi sang cả châu Á, châu Âu.
“Từ nay đến cuối năm nhu cầu tiêu thụ thúng chai rất lớn do đang vào mùa bắt tôm hùm giống, câu tôm, rồi đến mùa câu cá ngừ đại dương. Bạn hàng các nơi gọi điện đặt hàng liên tục. Cơ sở của tôi thường mua nguyên liệu số lượng lớn rồi về phân cho các hộ khác cùng làm để kịp thời cung ứng cho khách”, anh Trung cho biết.
Theo chị Kiều, cơ sở vừa cung cấp cho các công ty xuất khẩu, vừa bán khách hàng lẻ trong nước dao động từ 50 đến 60 cái mỗi tháng. “Chúng tôi làm sản phẩm với chất lượng được đặt lên hàng đầu, không vì lợi ích trước mắt mà làm ẩu, khiến khách hàng phản ánh dẫn đến mất khách.
Vợ chồng tôi cũng có “máu liều”, vậy nên lúc nào cũng có hàng sẵn, vì bỏ vốn ra trước cả trăm triệu đồng để làm nên tồn kho rất nhiều. Do vây, khi khách hàng gọi điện thoại cần bao nhiêu thúng là có hàng ngay”, chị Kiều chia sẻ.
Nhờ cách làm này, vợ chồng anh Trung đã ký hợp động với các công ty ở TP.HCM chuyên xuất khẩu đồ truyền thống, trong đó có thúng chai, chủ yếu phục vụ cho ngành du lịch sang các nước Hà Lan, Trung Quốc, Singapone, Úc…
Cơ sở của vợ chồng anh còn là nơi để các công ty du lịch lữ hành trong nước thường xuyên dẫn khách nước ngoài như Thụy Điển, Anh, Pháp, Nga… tới tham quan và quảng bá. Nhờ vậy, tiếng tăm của cơ sở thúng chai Trung Kiều ngày càng vang xa và đôi vợ chồng này rất từ hào vì giữ được cái truyền thống làm thúng chai của cha ông.
Được biết, từ nhiều năm qua, thúng chai Phú Mỹ đã có mặt tại các lễ hội truyền thống đua thuyền trên đầm Ô Loan ở huyện Tuy An, lễ hội sông nước Tam Giang ở thị xã Sông Cầu, lễ hội sông nước Đà Nông ở huyện Đông Hòa với những cuộc thi lắc thúng chai hấp dẫn, sôi động và đậm chất văn hóa dân gian.
Theo ông Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch UBND xã An Dân, nếu như trước đây, làng nghề thu hút khoảng 40 hộ tham gia làm thúng chai thì nay chỉ còn 6 hộ, bởi sự cạnh tranh khốc liệt của thúng nhựa. Trong các hộ còn làm nghề thì cơ sở thúng chai Trung Kiều đạt hiệu quả cao, bởi họ có “máu liều”.
“Thời gian qua, để duy trì làng nghề đan thúng chai Phú Mỹ, địa phương đã thực hiện 2 dự án cho vay vốn sản xuất. Tuy nhiên, để chắp cánh cho làng nghề hơn nữa, cần có liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và hộ xuất thúng chai, cũng như cơ quan Nhà nước hỗ trợ tìm đầu ra. Chúng tôi hiện đang trình huyện xây dựng đề án quảng bá, giới thiệu sản phẩm thúng chai để tiếp sức làng nghề”, ông Minh cho biết.
Theo ngư dân Võ Đốc (50 tuổi, ở phường 6, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), vị trí của thúng chai cũng ví như những chiếc ca nô, thuyền cao su, thuyền cứu hộ trên các tàu khách, tàu hải quân và còn hơn thế. Nếu thiếu thúng chai thì tàu cá không thể rời bến đi đánh bắt. Thúng chai còn kiêm nhiệm những công đoạn trong một số nghề câu như mực, bò gù…
Ưu điểm của thúng chai là rất khó bị lật, dễ xoay trở trong không gian hẹp, bởi dáng vóc tròn xoay. Và không cần dụng cụ gì thêm vẫn có thể di chuyển thúng chai trên nước, gọi là lắc thúng.
“Muốn lắc thúng, hai chân phải đứng vững ở bụng thúng, hai tay nắm chặt vành thúng, người hơi chồm về hướng cần đến, mông và hai vai lắc mạnh, lượn theo nước mà nhịp nhàng lướt tới. Tuy nhiên, cách phổ biến nhất để sử dụng thúng chai là dùng mái chèo cầm tay”, ngư dân Đốc cho biết.