Nữ họa sĩ chia sẻ về niềm đam mê vẽ hoa |
1. Một sáng mùa thu dịu nhẹ, trong lành tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội, tôi gặp họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ, một người phụ nữ ngoài 70 tuổi lịch lãm, dịu dàng, đôn hậu. Cuộc triển lãm tranh lần thứ 6 với chủ đề “Bốn mùa hoa” của bà ngập sắc hoa với muôn vẻ đẹp khác nhau. Cảm nhận của người xem khi chiêm ngưỡng những bức tranh hoa muôn sắc thật nhẹ nhõm, tinh khôi, dịu dàng. Dưới nét cọ tài hoa của bà, hoa trở nên sinh động, tươi tắn, như chứa đựng tâm hồn của người nghệ sĩ.
Là họa sĩ khóa đầu tiên khoa sơn mài của trường Mỹ thuật Yết Kiêu, cô gái Hà thành Nguyễn Thị Mỹ sớm bộc lộ niềm đam mê hội họa, cô được học với các thầy là những danh họa nổi tiếng lúc bây giờ như Phạm Kiệt, Trần Trung Lương, những người thầy đã định hướng cho cô sinh viên vẽ tranh bằng chất liệu phấn mầu. Ban đầu họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ không vẽ hoa mà tìm đến những đề tài khác nhưng khi bà cảm nhận hoa chính là hình tượng mà mình cần gửi gắm tâm hồn một cách tinh túy nhất, họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ đã vẽ hoa bằng tất cả tình yêu và sự đam mê. Sử dụng chất liệu phấn màu để tô điểm cho những tác phẩm nghệ thuật của mình, họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ vô cùng thích thú bởi theo bà chỉ với chất liệu này mới lột tả hết được vẻ đẹp mềm mại, tinh tế, sống động của hoa.
Nói về những bức họa vẽ hoa của mình, nữ họa sĩ nhìn lên bức tranh có tên “Họa mi trắng trải lòng“... Triển lãm lần này có 60 bức thì có đến 40 bức vẽ bằng chất liệu phấn màu vì chất liệu này ít họa sĩ dùng lắm. Từ ngày xưa, thời các thầy của cô có ông Phạm Kiệt, Trần Trung Lương, có hai họa sĩ là dùng phấn mầu, còn tất cả các họa sĩ toàn bộ vẽ sơn dầu. Sau một thời gian học với thầy Trần Trung Lương thì cô thấy chất liệu phấn màu đã diễn tả rất sâu, nhẹ, rất hợp với hoa. Bây giờ không có họa sĩ nào vẽ phấn mầu nữa...”
Họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ kể với chúng tôi về những mùa hoa đằm dịu, thơm ngát trên những con đường Hà Nội xưa, những gánh hàng hoa đủ sắc màu lung linh trên hè phố nào hoa cúc, hồng thơm, họa mi, loa kèn...cứ đua nhau khoe sắc. Các cô gánh hoa mặc những trang phục xưa là áo dài tứ thân, nhuộm răng đen... đó là những nét văn hóa xưa của Hà Nội mà trong trí nhớ của bà, đọng lại những tình cảm trìu mến, thân yêu, gắn bó. Bà yêu hoa, yêu những gánh hoa đi qua nhà mỗi sớm mai và đã ghi lại bằng những bức họa muôn màu tinh tế.
Họa sĩ còn kể rằng, vì say mê hoa đến độ, gia đình bà đã chuyển ra vùng ngoại thành, có khu vườn để quanh năm bà trồng hoa, chơi hoa và vẽ. Bất cứ lúc nào, khi cắm một bình hoa thì ngay lập tức, họa sĩ đã dâng đầy cảm xúc để vẽ về nó bằng tất cả sự nâng niu, trân quý. Bà kể, không chỉ vẽ những loài hoa quen thuộc mà bà vẽ bất cứ loài hoa nào, dù là loài hoa dại, mọc bờ bụi, không biết tên hoa gì.. bà hái về, cắm vào bình gốm và sau đó, bà ngồi ngắm rồi vẽ say sưa, vẽ quên thời gian. Những lúc đó, bà hạnh phúc vô cùng.
“Khi cảm hứng trào lên, tự nhiên như tia chớp trong đầu. Mình nghĩ đến cái gì, tại sao hôm nay mình lại nghĩ đến cái hoa này nhỉ. Thế là mình giở ra và mình vẽ thôi. Thời gian bao lâu không thể xác định được, quy định bao nhiêu lâu thì không thể biết được và chẳng ai làm nổi đâu...”
2. Với họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ, bà đặc biệt yêu thích vẽ hoa cúc. Cúc họa mi bé nhỏ, cánh trắng mong manh, cứ đến hẹn lại về mỗi độ đầu đông khắp phố phường Hà Nội. Bà kể rằng, mỗi sáng sớm, bà ra đầu ngõ chờ những gánh họa mi đi qua, bà chọn mấy bó còn đẫm sương sớm đem về cắm lọ, đặt bên khung cửa sổ và ngồi ngắm, uống trà. Buổi sáng trong lành, yên tĩnh và dịu dàng bên đóa họa mi đã gợi cho bà nhiều cảm xúc để nữ họa sĩ say mê vẽ. Họa mi cứ thế vào tranh của Nguyễn Thị Mỹ một cách đầy xúc cảm. Hàng trăm bức hoạ mi được vẽ bằng chất liệu phấn màu thực sự đem đến cho công chúng những ấn tượng tuyệt vời. Chiêm ngưỡng những bức tranh về họa mi, ta thực sự rung cảm và say mê bởi sự mỏng manh, mềm mại, dịu êm của tác phẩm mang lại. Thực sự người họa sĩ đã thổi hồn vào tác phẩm, để nó trở nên gần gũi, gắn kết và lan tỏa.
Thưởng thức những bức tranh hoa muôn sắc tại triển lãm lần này, nhà báo Nguyễn Thị Hồng Vân chia sẻ:“Những loài hoa gần gũi, thân thuộc, những nét vẽ không trau chuốt cầu kỳ nhưng lại tạo nên những loài hoa sống động. Mình thích tranh cúc họa mi, cúc sao băng nhìn như thật, rất có hồn..”
Với hàng ngàn bức tranh vẽ về hàng trăm loài hoa mà bản thân họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ cũng không nhớ hết, nhưng bà lại nhớ những xúc cảm trào dâng trước mỗi tác phẩm. Bởi đó là tình cảm và tình yêu, đam mê bà gửi gắm vào nét bút. Bà nói rằng có lẽ tại cái tên là Mỹ nên yêu cái đẹp, yêu hoa và hiểu về hoa. Hoa như một phần máu thịt của bà: “Bản thân hoa đã rất đẹp, mỗi loài hoa có một dáng vẻ của nó, có tính cách riêng của nó. Cô đã từng vẽ những loại hoa mạnh mẽ như hoa chuối và đã được sự đồng cảm của mọi người. Đặc biệt là sự mềm mại, dịu dàng của nó. Đấy là tính cách yếu đuối, dịu dàng, mềm mại..”
Hoa có tính cách có lẽ là phát hiện tuyệt vời mà không phải ai cũng cảm nhận được, hiểu được. Là một họa sĩ vẽ hoa bằng tất cả tình yêu và đam mê, họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ đã thổi hồn vào hoa, cho hoa một đời sống tinh thần tuyệt đẹp, có phẩm chất, có tâm hồn, có tính cách. Nếu ai đó chưa chiêm ngưỡng tranh hoa của Nguyễn Thị Mỹ có thể thử một lần. Bạn sẽ cảm nhận trước mắt mình sự tinh khiết, dịu dàng, mềm mại. Tất cả mọi phiền muộn, mỏi mệt sẽ tan hết để nhường chỗ cho sự nhẹ nhõm, ấm áp từ những bức tranh mang lại. Đó là thông điệp về tình yêu, đam mê cháy bỏng về cuộc đời mà họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ đã gửi gắm trong mỗi bức tranh. Người mà cả cuộc đời đã thổi hồn vào hoa, những hồn hoa bốn mùa dâng hiến.