Đâu mới là sự thực?
Mấy ngày gần đây, chị Thảo (Giải Phóng, Hà Nội) vô cùng lo lắng khi nghe được thông tin máy tạo khí ozone dùng để làm sạch thực phẩm lại gây độc hại cho cơ thể và nếu thường xuyên hít phải khí này sẽ mắc bệnh mãn tính về tai, mũi, họng, viêm mũi, hen phế quản mãn tính, viêm kết giác mạc, viêm phổi mãn tính.
“Sau khi nghe được thông tin, chồng tôi đã đem vứt ngay máy tạo khí ozone của gia đình mới mua và rất giận giữ. Quá nhiều thông tin bất lợi như vậy thì người dân chúng tôi nên tin vào điều gì, nên dùng gì và ăn gì?”, chị Thảo lo lắng nói.
Giống như chị Thảo, chị Ngà (Đống Đa, Hà Nội) đang cảm thấy bức xúc khi nghe được thông tin “máy sục khí ozone lừa NTD”. Chị Ngà bày tỏ: “Gia đình tôi đã dùng máy này được hơn 2 năm nay, nếu như người ta nói hóa ra sức khỏe của chúng tôi đang bị hủy hoại dần bởi những thứ được khoa học chứng minh là an toàn hay sao? Tôi cần biết rõ đâu mới là sự thực và sản phẩm nào mới an toàn cho người dân”.
Không chỉ người dân hoang mang, lo lắng mà nhiều DN đang sản xuất và bán máy tạo khí ozone như “ngồi trên đống lửa”. Bà Trần Thị Lan Hường, Tổng Giám đốc Công ty HCT – công ty chuyên sản xuất và bán máy tạo khí ozone bức xúc: “Chúng tôi đã sản xuất máy ozone gia dụng đã gần 10 năm và sản phẩm của chúng tôi đã được Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam cấp chứng nhận chất lượng, được Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia xác nhận về khả năng khử khuẩn và khử hóa chất thì sao lại là sản phẩm gây hại và lừa NTD?”.
Cũng theo bà Hường, ở Mỹ, người ta cho phép con người làm việc liên tục 8 giờ với nồng độ ozone 0,1 ppm. Máy ozone dùng trong gia đình an toàn vì: công suất ozone rất nhỏ, khoảng 100mg trong 1 giờ và khí đó lại hoàn tan trong nước, lượng thoát ra không khí còn ít hơn nhiều, chưa kể khí sinh ra lại tái hợp thành oxy (O2). Dù hàm lượng ozone thấp vô hại với người, nhưng đủ để diệt khuẩn.
“Chúng tôi cũng sẵn lòng tham gia trả lời bất kỳ phản hồi và thắc mắc của NTD và các nhà khoa học về máy tạo khí ozone này. Xin đừng giết người dân và DN bởi những thông tin thất thiệt”, bà Hường nói.
Trả lời của Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học TP Hà Nội
“Sử dụng máy tạo khí ozone là an toàn. Bản thân tôi và nhiều nhà khoa học vẫn đang dùng loại máy này này để làm sạch thực phẩm, nên thông tin sản phẩm này đang lừa người dân là không chính xác”. Đó là lời khẳng định của GS. TSKH. Trần Vĩnh Diệu, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học TP Hà Nội, Phó Tổng Biên tập Tập chí Hóa học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.
Theo vị chuyên gia này, Ozone giống clo là chất oxi hóa mạnh, dùng để khử khuẩn trong nước và trong không khí, nhưng clo thì có thể có tồn đọng và tạo ra một số độc hại, còn ozone dùng trong 10-20 phút nó sẽ phân giải hết, không để lại dư lượng nào hết. Ozone là O3 nhưng khi phân hủy ra thành O2– khí chúng ta đang hít thở để sống hàng ngày sao lại thành độc hại.
“Chúng ta nên hiểu, ozone nếu sử dụng liều lượng cao có thể gây nguy hiểm nhưng nếu sử dụng đúng liều lượng, ngưỡng (10-20 phút) lại an toàn và có tác dụng tốt. Như trong thuốc chữa bệnh cũng vậy, có nhiều loại thuốc có những thành phần độc hại, nhưng dùng đúng liều lượng lại có tác dụng chữa bệnh. Với tư cách là người đang dùng sản phẩm này tôi thấy nó rất tiện lợi cho việc dùng cũng như khử bỏ những độc hại có trong thực phẩm, bảo vệ sức khỏe”, GS Diệu nói.
Cùng với ý kiến trên, GS. Nguyễn Hoàng Nghị, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý – Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, một trong những người tham gia chế tạo máy ozone ở Việt Nam đưa ra ý kiến, máy tạo khí ozone nên dùng và cần dùng đúng cách. Vì sao bom hóa học có khí clo, nhưng lại được dùng để khử khuẩn trong nước? Tương tự như clo, ozone cũng là chất diệt khuẩn trong nước theo cùng một cơ chế là oxi hóa, nhưng ozone có hai ưu thế là: khả năng oxi hóa mạnh hơn và ozone nhanh chóng phân rã để tạo ra oxy, không đọng lại lâu trong nước.
Máy ozone gia đình có công suất nhỏ, vài trăm miligam ozone/giờ. Lượng ozone này chủ yếu được sục vào nước để rửa thực phẩm trong thời gian ngắn, cho phép từ 10-20 phút. Một phần lớn ozone hòa tan vào nước và tự phân hủy sau 30 phút. Lượng khí này thoát ra từ nước vào trong không khí chỉ khoảng 10-20%. Nồng độ này không vượt quá 0,1 ppm, tức là trong mức an toàn. Ở Mỹ người ta chấp nhận nồng độ 01ppm ozone trong 8h, còn đây chỉ tồn tại chưa đến 30 phút, như vậy đang nhỏ hơn ngưỡng cho phép tới gần 20 lần. Nếu NTD cẩn thận có thể tắt máy ozone và mở cửa cho thoáng.
Cũng theo GS. Nghị, mọi người nói máy này tạo ra oxit nitơ gây độc hại cho cơ thể, nhưng thực tế máy ozone lại khác. Nguyên lý của máy ozone là người ta dùng cao áp không quá 1-4kv, cao áp này tạo ra điện trường đủ để phá hủy liên kết giữa hai nguyên tử O2 (có năng lượng liên kết nhỏ) để tạo ra ozone. Năng lượng liên kết của phân tử nitơ (N2) lớn gấp đôi so với phân tử oxi, với điện trường đó khó phá hủy phân tử N2, khó tạo ra các loại oxit nitơ.
Do đó, nồng độ các oxit nitơ đồng hành với ozone là ít. Trong khi đó, ngưỡng cho phép các loại oxit nitơ lớn khoảng 25-50pmm tức là hàng trăm lần cao hơn ngưỡng ozone (0,1pmm). Vì thế, vấn đề các oxit nitơ đồng hành sinh ra trong quá trình tạo ra ozone không đáng kể, thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép.
Theo khuyến cáo của GS. Diệu và GS. Nghị, thức ăn, nước uống, thuốc chữa bệnh hay các chất hóa học đều cần dùng đúng mức, trong giới hạn cho phép, dùng quá ít cũng không tốt. Tất nhiên, giới hạn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, với máy ozone để dùng làm sạch thực phẩm, diệt khuẩn, khử mùi trong thời gian 10-20 phút tốt nhất, nhưng phải rửa thực phẩm sạch rồi mới cho vào để sử dụng máy này mới tạo kết quả tốt nhất.