Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ
Có thể nói, việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Thừa Thiên Huế từng bước đem lại hiệu quả thiết thực cũng nhờ công tác tuyên truyền trong suốt thời gian qua. Kết quả là người dân nơi đây đã ưu tiên mua sắm hàng hoá Việt; doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư, cải tiến mẫu mã, giá cả hợp lý. Qua đó, hình thành một nét văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam tiếp tục phát triển trên địa bàn.
Những năm gần đây, triển khai kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương trên địa bàn đã tập trung tích cực đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tới người dân, người tiêu dùng của tỉnh và thực hiện nhiều hoạt động triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước.
Hội nghị kết nối cung cầu giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành được tổ chức vào tháng 9/2024 |
Trong năm 2021 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện hơn 50 bản tin tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên báo, đài. Đăng hơn 300 tin, bài viết có nội dung liên quan đến Cuộc vận động, cũng như giới thiệu quảng bá các sản phẩm của địa phương gắn với xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, các hoạt động cung ứng và tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh của địa phương phát trên Đài Truyền thanh cấp huyện, đăng trên Cổng thông tin điện tử của huyện và các trang thông tin điện tử, Fanpage Facebook, zalo của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.
Hàng năm, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đều giao Sở công thương xây dựng kế hoạch và triển khai hỗ trợ kinh phí xây dựng Điểm bán hàng Việt rồi điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; đồng thời, tổ chức các chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ thương mại, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3 hàng năm, Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 hàng năm, chương trình phát động Tháng bán hàng khuyến mãi tập trung hàng năm.
Ngoài ra, hàng năm Sở công thương đều tổ chức tập huấn xúc tiến thương mại điện tử cho hàng chục đơn vị với nội dung “Giải pháp xúc tiến thương mại từ truyền thống đến thương mại điện tử”; tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng bán hàng Việt cho các hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh.
Trong 3 năm qua, tỉnh này đã phối hợp thị xã Hương Thủy và các huyện Nam Đông tổ chức 6 lớp tập huấn kỹ năng bán hàng Việt và thương mại điện tử cho các hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh. Rồi tập huấn về công tác quản lý chợ và kỹ năng bán hàng cho các thương nhân, nhân viên ban quản lý chợ trên địa bàn tỉnh với 200 học viên.
Ông Nguyễn Thanh tại lễ phát động chương trình bán hàng khuyến mãi tỉnh Thừa Thiên Huế |
Theo ông Nguyễn Thanh (Giám đốc Sở công thương tỉnh Thừa Thiên Huế), trên địa bàn tỉnh nhà, hàng Việt Nam đang ngày càng được ưa chuộng, nhất là người tiêu dùng ở khu vực nông thôn. Gần đây, hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối không chỉ của doanh nghiệp vốn trong nước mà của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tỷ trọng hàng Việt Nam bán tại các cơ sở này chiếm trên 80%; ngoài ra một số siêu thị trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ hàng Việt đạt đến 90% như: Siêu thị Coop Mart Huế, Siêu thị Thái Đông Anh.
Đồng hành cùng hàng Việt
Các cơ quan chức năng ở Thừa Thiên Huế luôn hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Hướng đến tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm lợi thế, sản phẩm OCOP của địa phương đến người tiêu dùng.
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, vào ngày 17/9/2024, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung cầu giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành; đây là nơi kết nối giao thương giữa nhà cung cấp và nhà phân phối trong và ngoài tỉnh.
Sản phẩm nông sản Thừa Thiên Huế được trưng bày ở nhiều Hội nghị trong và ngoài tỉnh |
Hội nghị với sự tham dự của hơn 70 đại biểu của các nhà cung cấp địa phương các tỉnh, đại diện các nhà phân phối: tập đoàn Central Retail, siêu thị Coopmart, Công ty CP Đặc sản Kinh Đô, Sàn Kinh tế hợp tác, hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi AUMINIMART, Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP huyện Quảng Điền và một số nhà phân phối trong tỉnh.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo của các địa phương đã cùng nhau chia sẻ về kết quả hoạt động kết nối đưa hàng vào các hệ thống phân phối của mỗi địa phương, về giải pháp, kinh nghiệm trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường… Các doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi, thảo luận trực tiếp về chất lượng sản phẩm, qui cách đóng gói, chia sẻ thông tin thị trường, tín hiệu thị trường, kinh nghiệm phát triển thị trường, quy chuẩn đưa sản phẩm vào các kênh phối … nhằm tìm ra giải pháp tối ưu kết nối tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của các tỉnh.
Bên lề Hội nghị, Trung tâm đã tổ chức khu vực trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm với sự tham gia của gần 60 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm tham gia trưng bày bao gồm các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản, đặc trưng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong cả nước… Khu vực trưng bày sản phẩm được tổ chức đã giúp các đơn vị quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu tới đối tác và trao đổi giao thương giữa các địa phương; tăng thêm sự lựa chọn phù hợp cho người tiêu dùng, đồng thời nắm bắt thị hiếu để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh thích hợp, đón đầu xu thế thị trường. Kết quả, tại Hội nghị, 40 cặp biên bản ghi nhớ đã được ký kết, trong đó có 29 cặp là các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông Phan Quý Phương (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế): "Thời gian gần đây, đã có nhiều chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất hàng Việt để kích cầu tiêu dùng nội địa tại tỉnh nhà" |
Ngoài ra, Thừa Thiên Huế còn tham gia Hội nghị kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp với doanh nghiệp xuất khẩu của 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ diễn ra từ ngày 15/6 - 17/6/2023 theo Đề án cấp Bộ, diễn ra cùng thời điểm Hội nghị giao ban khu vực 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Hay tham gia hội chợ thương mại diễn ra từ ngày 5/4 - 08/4/2023 tại Hà Nội, đã hỗ trợ 6 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trực tiếp tham gia. Các mặt hàng chủ yếu gồm hạt sen, trà sen, các thành phẩm sen Huế, bánh ép, bánh in Huế, mứt thanh trà, mứt gừng sấy lạnh, các loại kẹo, mè xửng, sản phẩm từ sâm bố chính, tinh dầu các loại, nhạc cụ mỹ nghệ, chè Truồi, Hay từ 26 đến 29/9/2024, Thừa Thiên Huế cũng tham gia chương trình, chuỗi hoạt động kết nối cung – cầu giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố…
Theo ông Nguyễn Thanh (Giám đốc Sở công thương tỉnh Thừa Thiên Huế), thời gian tới, sở sẽ tham mưu để UBND tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương để nâng cao năng lực cạnh tranh với nhiều hoạt động như khảo sát thị trường, tổ chức hoạt động xúc tiến về thị trường nông thôn, khu công nghiệp; xây dựng kế hoạch mở rộng mạng lưới phân phối hàng Việt trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua hệ thống chợ truyền thống và các hợp tác xã bán hàng Việt.
“Đồng thời, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, công bố công khai chất lượng hàng hóa Việt Nam. Trên cơ sở đó, tiếp tục từng bước nâng cao tỷ lệ người dân ưu tiên lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước khi mua sắm, tiêu dùng. Một điều không thể bỏ qua là lực lượng chức năng sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, áp dụng các chế tài đủ sức răn đe để từng bước đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và các gian lận thương mại khác”. Ông Thanh nói.