Từ đám cưới đến chuyện phạt vạ
Ánh mắt già Ama Ghi (SN 1940, ngụ Bản Đôn, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) như sáng lên khi chúng tôi hỏi những chuyện liên quan đến con voi, ông không nhớ Bản Đôn thời thịnh vượng nhất có bao nhiêu con voi nhưng những nghi lễ, tục lệ về voi thì ông kể rành mạch từng câu.
Ông kể, nghi lễ văn hóa “cưới chồng cho voi” của người M’Nông được khởi nguồn từ một truyền thuyết xa xưa.
Chuyện kể rằng: “Ngày xưa, vào lúc hạn hán có hai cha con người M’Nông đi săn bắn để kiếm cái ăn. Đến một chiếc hồ trong khu rừng nọ, cha con họ liền xuống mò cá. Cá ở đây nhiều quá, hai cha con bắt ăn không biết bao nhiêu cho hết. Thật kỳ lạ, họ ăn không biết no, ăn xong lại thấy bụng ngày càng to ra, mũi càng dài hơn.
Dù hoảng sợ nhưng nghĩ tới dân làng ở buôn đang bị đói, hai cha con lại mang cá về cho mọi người cùng ăn. Kỳ lạ thay, cả buôn ăn cá xong cũng có biểu hiện giống như hai cha con nhà nọ. Ăn bao nhiêu cũng không biết no là gì thậm chí càng thấy đói hơn. Họ ăn hết lúa gạo vẫn không thỏa mãn cơn đói, cả buôn vào rừng ăn lá cây, rồi cả làng đã biến thành voi lúc nào không hay”.
Từ câu chuyện đó, người M’Nông cho rằng, voi cũng chính là người, cũng cần có những sinh hoạt như con người. Cũng từ đó, vào tháng Mười hàng năm khi đến mùa động dục của voi. Những chú voi nhà sẽ được chủ thả vào rừng tìm bạn tình. Sau khi tìm được bạn tình, voi cái sẽ dẫn voi đực về nhà ra mắt. Chủ voi tiến hành mời thầy cúng tổ chức lễ cưới cho đôi vợ chồng mới này thay cho lời chúc trăm năm hạnh phúc.
Trước khi cưới, vợ chồng voi sẽ được tắm rửa sạch sẽ. Voi “cô dâu” được tắm trước rồi mặc áo cưới đi một vòng quanh làng. Trong lễ cưới, chủ voi đực mang một con lợn, một ché rượu đến chủ nhà voi cái, cùng một tô gạo trắng, một cây đèn sáp và cây dùi kreo.
Tại đây, người ta giết lợn, lấy tiết hòa với rượu quết lên bàn thờ, lên hòn đá bếp, lên cột nhà… vừa quết vừa khấn vái báo với các thần biết hôm nay gia đình làm lễ cưới cho voi nhà, xin các thần phù hộ, bảo vệ cho gia chủ.
Sau lời cúng giàng, thầy cúng đưa đầu heo cho voi “cô dâu” và chúc cho đôi vợ chồng voi sinh ra những chú voi con khỏe mạnh, sống hạnh phúc, vợ chồng chăm chỉ làm ăn. Sau đó, đầu heo được chuyển cho voi “chú rể” và chúc lời chúc tương tự.
Ngày cưới voi phải mời cả dân làng đến ăn thịt, uống rượu, nếu không có điều kiện ít nhất cũng phải mời đại diện gia đình, vì thế ché rượu và con lợn cũng phải to. Cũng trong lễ cưới voi, chủ nhà voi đực tặng gia đình có voi cái một chiếc váy mới, chủ voi cái tặng chủ voi đực một chiếc khố mới.
Thủ tục cuối cùng là cho vợ chồng voi mặc áo cưới để chào dân làng. Lễ cưới kết thúc, dân làng uống rượu cần chung vui với vợ chồng để chứng kiến cho chúng biết từ nay chúng đã thành vợ chồng, được thả chung thoải mái và không phải kiêng cữ bất cứ điều gì nữa. Sau đó, vợ chồng voi sẽ rủ nhau vào rừng hưởng “tuần trăng mật” vào khoảng 1 đến 2 tháng mới về nhà.
Ở Bản Đôn chuyện về nàng voi H’panh đi lấy chồng khiến người trong buôn nhớ mãi. Lúc bấy giờ trong buôn có chú voi đực tên Y Khăm. Y Khăm trẻ, khỏe, hoạt bát đã hút hồn voi H’panh. Voi H’panh và Y Khăm “yêu nhau” trong sự chứng kiến của những người trong buôn làng. Rất nhiều lần mọi người được chứng kiến cảnh H’panh và Y Khăm “hôn nhau” rất tình tứ.
Vào mùa động dục, voi H’panh và Y Khăm rủ nhau vào rừng 2 tháng rưỡi. Ngày cưới, “cô dâu” H’panh và “chú rể” Y Khăm được “mặc” áo mới đứng bên cạnh nhau. Lễ cưới voi H’panh diễn ra kéo dài cả ngày trong tiếng kèn trống lừng vang trong niềm vui của của người dân Bản Đôn.
Theo phong tục của người M’Nông, những con voi nuôi trong nhà không được giao phối với nhau, không được có con. Người đồng bào Tây Nguyên quan niệm, hai con voi chưa có “danh phận” nhưng “yêu nhau” lỡ có bầu thì bị phạt nhiều trâu bò. Phong tục này nhằm khắc phục tình trạng thoái hóa nòi giống của voi một khi chúng giao phối đồng huyết.
Vì thế, một khi voi nhà có chửa, gia chủ voi coi như gặp phải điều xui nên bằng mọi cách phải tìm cho được con voi đực nào đã gây ra chuyện động trời này. Theo đó, chủ của con voi cái sẽ bắt chủ của con voi đực phải tiến hành lễ chịu phạt…
Và đám ma dành cho voi
Ở Bản Đôn, bất cứ người dân nào cũng phẫn nộ vì sự dã man của kẻ đã gây ra cái chết cho voi Păk Kú. Người dân phát hiện ra nó chết trong tình trạng bê bết máu, trên người có 217 vết chém. Sự ra đi của Păk Kú khiến nhiều người dân xót xa. Lũ trẻ trong buôn, đứa nào đứa nấy khóc sướt mướt nha bị cha mẹ đánh.
Sau khi voi Păk Kú qua đời, người dân trong buôn đã tổ chức tang lễ theo đúng tập tục của người M’Nông. Chủ voi chuẩn bị rượu cần, gà, heo theo đúng tập tục của người đồng bào để tổ chức tang lễ cho voi. Thầy cúng đọc lời khấn để cầu cho linh hồ Păk Kú được siêu thoát. Hai ngày sau, xác Păk Kú được đem chôn cất.
Mộ voi |
Người từng sở hữu số lượng voi lớn nhất ở Tây Nguyên là Đàn Năng Long đã hai lần làm đám ma cho hai chú voi của mình. Ông quan niệm, đó không phải là đám tang một con vật, nó là lễ đưa tiễn một người thân về với đại ngàn của gia đình mình.
Vào năm 2005, con voi Trút đầu đàn của gia đình ông Long chết vì tuổi già, thọ 89 tuổi. Hôm đó, Trút vừa chở khách lội hồ Lắk (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) sau một vòng đưa khách đi thăm buôn làng. Vừa lên tới bờ, con voi già đuối sức, nó bỗng rùng mình cảm lạnh, rồi hai chân trước khuỵu xuống. Nó rống lên thảm thiết rồi ngã lăn xuống đất.
Con voi già nằm im trên mặt đất. Dường như nó biết trước số mệnh của mình đã kiệt, nó chỉ nằm thở khó nhọc, nước mắt trào ra từ khóe mắt. Thuốc không cứu được Trút. Thầy cúng được mời tới để cúng cầu xin thần rừng ban sức khỏe và sự sống cho Trút.
Lễ cúng đơn giản theo phong tục chỉ có cháo hoa ngay tại bãi đất trống của khu du lịch. Hơn 1 giờ đồng hồ sau, Trút ngừng thở. Cả buôn làng không cầm được nước mắt khi voi Bách Khăm (chú voi đực mới làm lễ cưới với Trút 2 năm trước đó) quỳ bên bạn tình cả tiếng đồng hồ.
Đám tang voi Trút được cử hành dưới sự chứng kiến của cả buôn. Những nài voi, thợ voi mặc trang phục truyền thống của người M’nông. Thầy cúng thực hiện các nghi lễ của đám ma voi, đọc những câu thần chú để voi ra đi được an lành, cầu xin sự bình yên cho những con voi còn sống. Xác voi Trút được đưa ra chôn tại bìa rừng.
Hai năm sau, lại đến lượt con voi đực Bách Khăm bị rơi xuống vực chết. Cả buôn làng lại buồn rầu nhiều tháng liền khi đưa xác về nơi an nghỉ cuối cùng.
Từ xa xưa, Bản Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) đã nổi danh tứ phương là xứ sở voi của Việt Nam. Đến nay, nhiều mùa rẫy, nhiều con trăng đã đi qua, Bản Đôn đã đổi thay ít nhiều, nhưng những chuyện kỳ bí ở “vương quốc voi” này vẫn khiến nhiều cảm thấy lạ lẫm.