Ngành nông nghiệp có nhiều điểm sáng
Tại Hội nghị trực tuyến bàn kế hoạch phát triển năm 2020 do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 23/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong bối cảnh nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp đã có nhiều điểm sáng, đạt nhiều mục tiêu xuất sắc, vượt 3/4 chỉ tiêu Chính phủ giao, chỉ có một chỉ tiêu không đạt là tăng trưởng GDP(2,2%-PV) do dịch tả lợn châu Phi bị thiệt hại nặng nề (giảm 1,1%).
Thủ tướng nhấn mạnh:""Ngành nông nghiệp đã coi trọng tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường, tạo động lực cho sản xuất. Một số vùng chuyên canh đã xuất hiện ở nhiều địa phương như Bắc Giang, Hưng Yên. Nhiều nhà máy chế biến được xây dựng, tiêu biểu như Sơn La có tới 40 nhà máy chế biến; ngành gỗ cũng phát triển vượt bậc, đóng góp kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD. Ngành sữa có thị trường mới, xuất khẩu sang Trung Quốc, ngành gạo thì được công nhận sản phẩm gạo ngon nhất thế giới; thị trường trái cây cũng rộng mở, tin vui nhất là Myanmar chấp nhận nhập khẩu thanh long từ Việt Nam, vải thiều đi Nhật".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng ngành nông nghiệp sẽ thu về 50 tỷ đô la trong tương lai gần. Ảnh:K.Lực |
"Trong bối cảnh khó khăn như vậy như thương mại ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu 41,3 tỷ USD, nông nghiệp cũng là ngành xuất siêu lớn. Có được kết quả này là do các đồng chí đã đồng hành, tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, doanh nghiệp trở thành động lực phát triển nông nghiệp; hình thành nhiều chuỗi liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ" - Thủ tướng nói.
Với tổng số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp là 12.581 doanh nghiệp, tăng 36,2%; năm 2019 có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khánh thành, đi vào hoạt động, Thủ tướng cho rằng, đây sẽ là động lực cho ngành nông nghiệp đạt được những bước tiến mới.
Xử lý nghiêm việc tung tin thất thiệt về thịt lợn
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường báo cáo về tình hình giá thịt lợn tăng, dịch tả lợn châu Phi gây ra thiệt hại khoảng hơn 342.000 tấn thịt lợn nhưng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng mạnh, như thịt gia cầm, gia súc lớn...Đến tháng 12/2019, đàn lợn vẫn duy trì ở mức 25 triệu con.
Về vấn đề này, Thủ tướng kiên quyết: "Thời gian qua, có thông tin giá lợn hơi lên rất nhanh, tôi phải nói lại, giá lên là không phải là chúng ta không có lợn, dịch có khiến đàn lợn giảm nhưng phải khẳng định chúng ta không thiếu nhiều, cần thiết nhập thêm mấy ngàn tấn thịt để bình ổn, hiện, giá lợn hơi đã chững lại. Nhân đây, tôi đề nghị, ai tung tin đồn nhảm thiếu thịt, giá tăng; ai găm hàng, tăng giá sẽ bị xử lý nghiêm".
Ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu 50 tỷ đô la trong tương lai gần
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ một số tồn tại, yếu kém ngành cần tập trung khắc phục, tháo gỡ trong thời gian tới.
Trước hết, việc cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chủ đạo. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển theo yêu cầu, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế sản xuất thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao.
Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm; tiến độ để giải quyết “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản còn chậm; sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, cháy rừng tiếp tục diễn ra; nguồn lực cho ngành còn rất hạn chế.
Năm 2019, vượt qua nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp vẫn thu về 41,3 tỷ đô la. Ảnh:IT |
Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch năm đề ra (đạt 86,1%), nhất là vốn ODA.
Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt dịch tả lợn châu phi đã lan rộng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành; và giá thịt lợn đang ở mức rất cao.
Về nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2020, Thủ tướng giao chỉ tiêu cho ngành nông nghiệp: Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 43 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng 42%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%.
Về mục tiêu đến năm 2025, có thêm 5 nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên, để đưa Việt Nam có 15 nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất 1 tỷ USD trở lên và tổng giá trị xuất khẩu là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và thứ 10 thế giới.