Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO xung quanh vấn đề này.
Rất nhiều người dân cho rằng việc mất phí dịch vụ tiền mặt là vô lý, chỉ làm giàu cho ngân hàng. Ông bình luận gì về quy định này?
- Quy định này liên quan đến cả bên thu tiền và chi tiền. Nếu xét ở phía người tiêu dùng, “tự dưng” phải nộp thêm một khoản phí thì quả là vô lý. Vì từ trước đến nay, giao dịch tài khoản hay giao dịch tiền mặt của mình thì cũng được ngân hàng khuyến khích và góp phần làm lợi cho ngân hàng . Ngân hàng “sống khỏe” với các giao dịch nói chung, giao dịch nộp, rút tiền mặt nói riêng của khách hàng. Nay phải nộp thêm phí thì đúng là làm giàu cho ngân hàng. Việc thu phí rút tiền mặt, gồm cả rút tiền từ ATM, đã được quy định ít nhất là từ năm 2007. Điều mới là Dự thảo quy định thêm ba trường hợp thu phí: nộp tiền vào ngân hàng thương mại, nộp tiền vào và rút tiền ra khỏi Ngân hàng Nhà nước.
Luật sư Trương Thanh Đức |
Có người nói đó là chính sách tận thu, ngân hàng sẽ được lợi trong ngắn hạn nhưng về lâu dài sẽ là tác dụng ngược khi khách hàng chán dịch vụ ngân hàng và quay lại sử dụng tiền mặt. Quan điểm của ông thế nào?
- Việc giao dịch tiền mặt là một khâu rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Để duy trì việc đó, ngân hàng đã phải bỏ ra rất nhiều chi phí cho việc kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản, rồi thậm chí là làm chậm đáng kể tốc độ quay vòng đồng vốn. Công bằng mà nói, ở đây không có chuyện phí chồng lên phí, nếu chưa thu phí thì chẳng qua là ngân hàng đã cung cấp miễn phí một loại dịch vụ gia tăng cho khách hàng. Nếu thu phí một cách hợp lý thì sẽ tạo ra sự công bằng hơn giữa khách hàng sử dụng ít và nhiều tiền mặt. Việc này cũng tạo cho khách hàng phải cân nhắc lựa chọn giữa giao dịch tiền mặt và phi tiền mặt sao cho có lợi nhất cho mình.
Ngân hàng vẫn luôn là trung tâm thanh toán và trung tâm tiền mặt. Nếu khách hàng thấy bất lợi khi phải trả phí nộp và rút tiền mặt thì sẽ chuyển sang hình thức thanh toán không bằng tiền mặt và đương nhiên là vẫn phải sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Việc thu phí dịch vụ tiền mặt cũng như thu phí rút tiền từ ATM sẽ không tác động nhiều đến việc giảm nhu cầu sử dụng tiền mặt, vì còn phụ thuộc vào các giải pháp thay thế và cả hệ thống dịch vụ thanh toán. Cụ thể, muốn giảm việc sử dụng tiền mặt thì phải tạo được một hệ thống dịch vụ cung ứng và chấp nhận thanh toán phi tiền mặt một cách rộng khắp, thuận tiện, an toàn, ít tốn kém hơn tiền mặt.
Theo ông, cách nào khuyến khích người dân sử dụng ngân hàng, thẻ tín dụng, hạn chế được người dân dùng tiền mặt để giao dịch, mà không nhất thiết cứ thu phí?
- Một số nước không thu hoặc chỉ thu rất ít phí nộp và rút tiền bởi họ đã có thói quen sử dụng các hình thức thanh toán phi tiền mặt, nên ngân hàng cũng rất nhẹ gánh đối với chi phí liên quan đến tiền mặt. Còn thói quen ít dùng tiền mặt thì chủ yếu bắt nguồn từ lợi ích. Khi mà việc sử dụng tiền mặt bất tiện và bất lợi hơn sử dụng thẻ, séc, chuyển khoản…, người ta sẽ nhanh chóng hạn chế tối đa tiền mặt.
Cũng cần phải nói thêm rằng, Ngân hàng Nhà nước xây dựng Dự thảo Thông tư quy định phí dịch vụ tiền mặt, trong bối cảnh các ngân hàng Việt Nam đang đứng trước một khó khăn lớn là phải xử lý một lượng tiền mặt khổng lồ, vì hai lý do, tỷ lệ sử dụng tiền mặt lớn và số lượng tiền mặt lớn do giá trị đồng tiền rất thấp so với các nước phát triển.
Trân trọng cảm ơn Luật sư!
Theo Dự thảo Thông tư quy định phí dịch vụ tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước, đối tượng áp dụng là Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến dịch vụ tiền mặt. Mức phí nộp, rút tiền mặt tại Ngân hàng Nhà nước: Khi nộp, rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước, khách hàng phải chịu mức phí là 0,005% trên tổng giá trị tiền mặt nộp hoặc rút. Mức phí nộp, rút tiền mặt tại tổ chức tín dụng: Tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức phí nộp tiền mặt khách hàng của mình nhưng không vượt quá 0,03% tổng giá trị tiền mặt nộp và phải niêm yết công khai; tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức phí rút tiền mặt đối với khách hàng của mình nhưng không vượt quá 0,05% tổng giá trị tiền mặt rút và phải niêm yết công khai.