Trước tình hình trên, ban giám đốc công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo lập chuyên án đấu tranh đối với ổ nhóm tội phạm này. Sau một thời gian tích cực điều tra, đêm ngày 18/6, Đội thương mại điện tử đã triển khai khám phá, bắt quả tang đối tượng Feng Hai Qiang (Phong Hải Cường) mang quốc tịch Trung Quốc đang sử dụng thẻ ATM giả rút tiền tại cây ATM thuộc địa bàn phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội).
Kiểm tra tư trang của Cường, tổ công tác phát hiện 14 chiếc thẻ giả của các ngân hàng khác nhau và 6,5 triệu đồng Cường vừa chiếm đoạt được cùng các thiết bị máy công nghệ cao để sản xuất chế tạo thẻ giả. Qua đấu tranh, Đội thương mại điện tử xác định đây là vụ án đầu tiên được khám phá trên địa bàn Thủ đô với tính chất các đối tượng lấy cắp thông tin của chủ thẻ ATM là người Việt Nam.
Ngày 3/7, Công an thành phố Hà Nội đã bắt giam 2 đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) là Chang Khai Yeu và Hsieh Ming Hsin, trú tại Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Hai người này đã móc ngoặc với một số đối tượng người Việt Nam, gọi điện thoại thông báo nợ tiền cước điện thoại hoặc giả danh là công an đang điều tra án để đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mới đây nhất, Ngày 4/7, Đội 3 thuộc phòng cảnh sát chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) cho biết vừa phối hợp cùng phòng 3 – C50 của Bộ công an triệt phá ổ nhóm chuyên rút trộm tiền của ngân hàng bằng thẻ giả.
Theo đó, sau một thời gian theo dõi, Lưc lượng công an đã bắt giữ kẻ kẻ phạm tội là Zeng Xiao Tian mang quốc tịch Trung Quốc về hành vi Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Năm 2013, Tian thuê Đinh Văn Chính và một số người Việt khác thành lập hàng loạt “công ty ma”. Sau đó, ổ nhóm này đã lựa chọn Ngân hàng có cung cấp dịch vụ thanh toán thẻ (các ngân hàng có cung cấp dịch vụ thanh toán quẹt thẻ qua máy POS) trên địa bàn thành phố Hà Nội như BIDV, Sacombank, Vietinbank, Vietcombank, Eximbank... mở tài khoản và hợp đồng dịch vụ thanh toán thẻ, sử dụng thẻ giả quẹt qua máy POS chuyển tiền vào tài khoản các công ty đã mở để rút trực tiếp tại các ngân hàng hoặc cây ATM.
Từ những vụ việc trên có thể thấy rõ kẽ hở thông tin, tội phạm đã sử dụng các thiết bị hiện đại kết nối vào mạng điện thoại trong nước. Sau đó, dùng thủ đoạn là dẫn dụ thuê bao vào mê cung kết nối đến các đầu số giả của các cơ quan chức năng nhằm mục đích đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đặc biệt, trong các vụ chiếm đoạt tiền của ngân hàng bằng các thẻ giả và giao dịch giả tại sao máy POS của ngân hàng lại không phân biệt được đâu là thẻ thật và đâu là thẻ giả và bộ phận rủi ro của các ngân hàng liệu có đảm bảo được 100% sẽ phát hiện được hết các giao dịch giả mạo. Bởi nếu làm được điều này, tội phạm đã không thể chiếm đoạt hàng tỉ đồng từ ngân hàng trong một thời gian dài.
Cho đến trước năm 2005, ở nước ta vẫn chưa có cơ quan, đơn vị nào tiến hành nghiên cứu về những phương pháp phát hiện tội phạm máy tính, các quy trình phát hiện điều tra và chưa có những định danh cụ thể, cũng như chưa có những điều luật cụ thể cho từng dạng của loại tội phạm này mà mới chỉ có 3 điều luật chung trong Bộ Luật Hình sự quy định về các hình thức sử dụng trái phép thông tin trên mạng hoặc lan truyền virus máy tính: "Tội tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình virus tin học" (Điều 224); "Tội vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử" (Điều 225); "Tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy vi tính" (Điều 226).