Ông Nguyễn Gia Côi, SN 1948, trú tại xóm Thượng, thôn Phúc Lý, xã Minh Khai huyện Từ Liêm, Hà Nội mới khởi kiện quyết định thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Từ Liêm vì cho rằng hai quyết định này trái pháp luật.
Sau nhiều thời gian chờ đợi, cuối cùng TAND huyện Từ Liêm cũng đưa vụ kiện hành chính này ra xét xử nhưng phần thắng lại thuộc về UBND.
Diện tích đất bị thu hồi sau gần 2 năm vẫn nằm “đắp chiếu”. |
Chính quyền bảo đúng, người dân nói sai
Gia đình ông Nguyễn Gia Côi có 2.578 m2 đất nông nghiệp theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số R454792 được UBND huyện Từ Liêm cấp ngày 30/11/2000. Để phục vụ dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa quốc tế VIETSING, trên cơ sở quyết định của UBND TP. Hà Nội, ngày 25 / 2/2011 UBND huyện Từ Liêm có quyết định số 1162 về việc thu hồi 727m2 đất nông nghiệp của gia đình ông Côi, bàn giao cho Công ty Cổ phần y học Rạng Đông để xây dựng Bệnh viện Đa khoa quốc tế VIETSING.
Ngày 4/11/2011, UBND huyện Từ Liêm ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất số 10437. Ngày 08/12/2011, UBND huyện có Thông báo số 615 về việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất. Chỉ 5 ngày sau khi có thông báo cưỡng chế, ngày 13/12/2011, UBND huyện đã tổ chức cưỡng chế, thu hồi diện tích đất nông nghiệp của gia đình ông Côi.
Về lý do khởi kiện vụ án hành chính, ông Côi lập luận: Quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình ông đã được UBND huyện Từ Liêm ban hành trước khi có phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm.
Đồng thời, Hội đồng căn cứ vào Quyết định thu hồi đất của UBND để dự thảo phương án, sau đó không thực hiện việc tổng hợp ý kiến để hoàn chỉnh phương án là trái với trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định 69 và Quyết định 108 của UBND TP. Do ban hành Quyết định thu hồi đất không đúng quy định, nên Quyết định đó không có hiệu lực để thi hành.
Do những vi phạm trên không được sửa chữa, khắc phục, nên việc UBND huyện Từ Liêm ban hành Quyết định cưỡng chế là trái với quy định tại Khoản 3 Điều 39 Luật Đất đai
UBND huyện Từ Liêm vẫn tiếp tục thực hiện hành vi cưỡng chế của mình là trái với quy định tại Điều 32 Nghị định 69. Theo đó, điều luật quy định việc việc cưỡng chế thu hồi đất chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện, trong đó phải “thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư….”
Với lập luận này, ông Côi khẳng định UBND huyện Từ Liêm đã không thực hiện đúng trình tự và thủ tục của việc thu hồi đất, do đó, việc ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với gia đình ông là trái pháp luật.
Chỉ là sai sót nhỏ?
Tại phiên tòa, đại diện UBND huyện Từ Liêm (bên bị kiện) liên tục cho rằng, UBND huyện đã làm đúng quy trình luật định. Chỉ có một “sơ suất” nhỏ được đại diện UBND huyện thừa nhận là việc ghi sai tên ông Côi trong giấy mời lên làm việc nhưng sau đó đã đính chính.
Về việc xử lý tài sản trên đất, vị này cho biết “chúng tôi đã đóng gói cẩn thận mời các hộ lên nhận nhưng các hộ không nhận”. Trong khi đó, ông Côi khẳng định, thời điểm cưỡng chế là ngày 19/11/2011 Âm lịch, đây là thời điểm sắp đến Tết, là mùa thu hoạch đặc sản bưởi Diễn. Ngày cưỡng chế, bưởi đã bị xe ủi đi, giập nát “cho không ai lấy” nên các ông không nhận mặc dù rất tiếc thành quả cả năm lao động của mình.
Quá trình tranh luận, Luật sư Nguyễn Hà Luân Văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long (Hà Nội) đã chỉ ra cái sai của UBND huyện trong quá trình thu hồi cũng như tổ chức cưỡng chế. “Dù các thủ tục có được thực hiện đủ đi chăng nữa thì cũng phải tuân thủ đúng quy trình của Nghị định 69/CP và quyết định 108. UB huyện đã thực hiện theo quy trình mà đến nay đã bị hủy bỏ, như vậy là trái luật”, Luật sư Luân khẳng định.
Dù qua tranh luận tại phiên tòa, đã “bật” ra nhiều vấn đề, tuy nhiên, cuối phiên xử, HĐXX vẫn tuyên bác đơn kiện của ông Côi khiến dư luận bức xúc. Ông Côi cho biết sẽ theo đến cùng vụ kiện để “mong chân lý sớm được làm sáng tỏ”.
Huy Hoàng