Theo tìm hiểu của PV, Dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn” với mục đích cải tạo khu du lịch Sầm Sơn theo hướng văn minh chuyên nghiệp với 13 khu chức năng bao gồm khu phục vụ tắm, 15 ki ốt dịch vụ, bar cafe, khu vui chơi giải trí kết hợp cây xanh, khuôn viên vườn hoa, lối xuống bãi tắm... Các công trình này chiếm 2,5% diện tích xây dựng bãi biển.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Đức Quyền, sau khi cải tạo bờ biển lớn hơn hiện trạng, diện tích bãi tắm sẽ tăng thêm 5%, giải quyết nhu cầu du lịch của du khách. Nguồn kinh phí theo dự toán là 315 tỷ. Sau khi thực hiện công tác đấu thầu theo đúng quy định của pháp luật, UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất làm theo hình thức BOT và giao cho tập đoàn FLC triển khai, kinh doanh ki ốt và các dịch vụ trên bãi biển. Toàn bộ các hạng mục của Dự án phải xong trước 1/4 để đưa vào phục vụ mùa du lịch Hè 2016.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho các hộ ngư dân |
Theo tính toán, sau khi Dự án hoàn thành, Sầm Sơn sẽ tăng 6 triệu lượt khách du lịch/năm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các loại hình dịch vụ du lịch cũng sẽ tăng lên. Tạo thêm công việc cho người dân cũng như tăng ngân sách cho địa phương.
Trao đổi về việc mấy ngày qua hàng trăm người dân đã tụ tập trước cổng trụ sở UBND tỉnh để phản đối, gây náo loạn mất trật tự trị an, ông Quyền cho hay: “Sở dĩ xảy ra việc này là do một số đối tượng xấu tung tin rằng UBND tỉnh giao toàn bộ khu vực bãi biển cho Tập đoàn FLC sử dụng. Tôi xin khẳng định rằng đây là thông tin hoàn toàn sai lệch. Tập đoàn FLC chỉ kinh doanh ki ốt và các dịch vụ du lịch…”.
Ngày 1/3/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 705/2016/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân trên địa bàn xã Quảng Cư và các phường Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn của thị xã Sầm Sơn bị ảnh hưởng bởi dự án.
Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ tháo dỡ, phá bỏ các loại tàu, bè nhỏ công suất dưới 20CV với mức 70 triệu đồng mỗi bè, 50 triệu đồng mỗi thuyền thúng. Ngư dân phải cam kết không đóng mới bè, mủng.
Các hộ có tàu, thuyền dưới 20 CV tháo dỡ, phá bỏ đồng thời được hỗ trợ 30kg gạo/khẩu/tháng (trong 6 tháng) để ổn định đời sống. Khi ngư dân tìm nghề mới, chính quyền sẽ hỗ trợ 12 triệu đồng mỗi hộ có bè và 8 triệu đồng mỗi hộ có mủng.
Hộ ngư dân nào tháo dỡ, phá bỏ tàu bè trước ngày 15/3 thì được thưởng thêm 10 triệu đồng mỗi bè hoặc mủng. Quyết định trên cũng nêu rõ, hộ nào muốn đóng mới tàu 30CV - 400CV sẽ được hỗ trợ một lần sau đầu tư 35% giá trị đóng tàu. Mức hỗ trợ thấp nhất là 125 triệu đồng, cao nhất 250 triệu đồng.
Cũng theo ông Quyền, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Sầm Sơn và các đơn vị có liên quan khẩn trương khảo sát, đề xuất quy hoạch bến neo đậu tàu thuyền cho ngư dân, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 3/3/2016. Đến thời điểm này có trên 50% số ngư dân đã đồng tình ủng hộ với quyết định trên của UBND tỉnh nhằm ổn định sinh kế của ngư dân xã Quảng Cư và phường Trung Sơn nói riêng và nhân dân thị xã Sầm Sơn nói chung./.