Agribank “tạo đà” phát triển các mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp

Agribank “tạo đà” phát triển các mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp
(PLO) - Đối với nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới, liên kết trong sản xuất kinh doanh luôn được khuyến khích và nhân rộng. Với đặc thù của nền nông nghiệp nhỏ, manh mún, hoạt động liên kết trong ngành nông nghiệp Việt Nam càng cần thiết hơn bao giờ hết. 
Mới đây, thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT và các ngành có liên quan triển khai chương trình cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn theo các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất. 
Với vai trò là Tổ chức tín dụng giữ vai trò chủ lực trong đầu tư nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã tiên phong trong thực hiện cho vay thí điểm với kỳ vọng góp phần tạo nên thành công của chương trình và “tạo đà” giúp nền sản xuất nông nghiệp ở nước ta giải quyết được những mâu thuẫn vốn tồn tại bấy lâu nay.
Về chuỗi liên kết trong nông nghiệp
Mục tiêu của liên kết là phân bổ lợi ích lẫn rủi ro giữa các bên tham gia để cùng phát triển. Có hai hình thức liên kết đặc trưng, đó là liên kết theo đường đi của sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng (gọi là liên kết dọc), và liên kết các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất kinh doanh (gọi là liên kết ngang). 
Trong mô hình liên kết dọc, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo thị trường tiêu thụ. Còn người nông dân nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất đai của họ. 
Ở nước ta, điển hình của mô hình liên kết này có mô hình tổ chức chăn nuôi lợn và gia cầm ở Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, mô hình tổ chức vùng nguyên liệu sản xuất chế biến cá tra thuộc Công ty cổ phần thuỷ sản Hùng Vương, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản An Giang.... 
Trong mô hình liên kết ngang, người sản xuất và đơn vị kinh doanh (điển hình là các hợp tác xã, tổ hợp tác…) liên kết lại nhằm hỗ trợ nhau đưa hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ gia đình xã viên phát triển. 
Trong mô hình liên kết này, các đơn vị kinh doanh đảm nhận cung cấp các dịch vụ sản xuất bao gồm ở cả đầu vào, đầu ra cho các hộ xã viên như vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi… đồng thời đóng vai trò là “cầu nối” giữa bà con xã viên với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản. 
Điển hình trong liên kết này là mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ cá tra ở Cần Thơ của Hợp tác xã thủy sản Thới An, Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Evergrowth ở Sóc Trăng, HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Tân Cường ở Đồng Tháp, HTX hoa cây cảnh Văn Giang ở Hưng Yên, Hợp tác xã Đại Phong ở Quảng Bình… 
Thực tế ở nước ta, mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp đã được thực hiện khá lâu. Tuy nhiên, mô hình liên kết này thiếu tính bền vững khi các đối tác cùng tham gia chuỗi liên kết không thực hiện đầy đủ các cam kết do chạy theo các lợi ích ngắn hạn trước mắt, chẳng hạn khi giá thành sản phẩm trên thị trường cao, người nông dân không tuân thủ các hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã ký kết trước đó với doanh nghiệp liên kết, mà bán sản phẩm với giá thành cao hơn cho doanh nghiệp ngoài liên kết; còn khi nông sản bị rớt giá, doanh nghiệp không tuân thủ các ký kết trước đó với người nông dân, mà đòi mua sản phẩm theo giá sàn chung của thị trường… 
Cứ như vậy, người nông dân ở nước ta thường xuyên bị rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa - mất giá”, “được giá – mất mùa”, còn doanh nghiệp luôn phải đối mặt với bài toán thiếu nguyên liệu, xuất hàng thô với giá trị sản phẩm không cao… 
Do đó, để giải quyết những tồn tại bấy lâu nay trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta, việc gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông dân trong chuỗi liên kết là vô cùng cần thiết. Chỉ khi nào giải quyết được vấn đề này thì sản xuất nông nghiệp mới đạt hiệu quả, giá trị hàng hóa của nông sản Việt Nam mới có khả năng tăng sức cạnh tranh với hàng hóa của các nước trong khu vực và trên thế giới. 
Đặc biệt, xây dựng thành công mô hình liên kết là một trong những giải pháp quan trọng cho sự phát triển đi lên của ngành nông nghiệp Việt Nam, khi mà ở nước ta hiện nay nông dân vẫn là lực lượng lao động xã hội đông đảo, chiếm hơn 70% dân số và trên 50% lực lượng lao động xã hội và thường là đối tượng chịu thiệt thòi trong chuỗi sản xuất, phân phối sản phẩm nông nghiệp.
“Tạo đà” cho mô hình liên kết trong nông nghiệp phát triển
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp cũng như những tồn tại, khó khăn của mô hình này khi triển khai trên thực tế, mới đây, thực hiện Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 về phiên họp thường kỳ tháng 2/2014 của Chính phủ, trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát thực tế một số mô hình tại một số địa phương trên cả nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN quy định về việc cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. 
Theo đó, đối tượng được vay vốn gồm: doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hộ nông dân, hợp tác xã ký kết hợp đồng liên kết theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các doanh nghiệp. 
Lãi suất cho vay tối đa đối với các dự án vay thuộc chương trình thí điểm là 7%/năm với khoản vay ngắn hạn, 10%/năm cho khoản vay trung hạn và 10,5%/năm cho khoản vay dài hạn. Ngân hàng thương mại cho vay ngắn hạn nhằm đáp ứng vốn cho các chi phí về giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, cho vay trung và dài hạn để đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị phục vụ cho các mô hình sản xuất…
Với bề dày hơn 26 năm gắn bó, đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn, Agribank hiểu rõ vấn đề này, mà theo như Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh đã khẳng định: “Triển khai tốt các chương trình thí điểm theo các phương thức cho vay mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là lối thoát tốt nhất cho tín dụng tam nông hiện nay và tương lai”. 
Và trên thực tế, Agribank đang triển khai thí điểm mô hình cho vay theo chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm, như: Mô hình chăn nuôi lợn (Hà Nam), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), trồng hoa (Lâm Đồng), mía (Khánh Hoà), ngô (Sơn La)… 
Cũng theo như đánh giá của Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh, bước đầu các mô hình này đã tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân. Mô hình cho vay liên kết theo chuỗi sản xuất là mô hình mới, được Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần tham gia nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, cung ứng cho thị trường sản phẩm sạch, chất lượng cao, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới… 
Trong khuôn khổ Chương trình Lễ ký kết Hợp đồng tín dụng của chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh An Giang tổ chức mới đây vào ngày 29/5/2014, Agribank (Chi nhánh An Giang và Chi nhánh Nhà Bè) đã ký kết hợp đồng nguyên tắc cấp tín dụng trị giá hơn 331 tỷ đồng cho 3 doanh nghiệp gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An (Tafishco) (thực hiện Dự án chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco sản xuất – chế biến – xuất khẩu có 08 hộ nông dân tham gia được vay 234 tỷ đồng), Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại đầu tư Tín Thương (thực hiện Dự án xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa nếp đặc sản ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, có hơn 300 hộ nông dân tham gia, được vay 25 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) (thực hiện Dự án đầu tư chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu Antesco tại huyện Châu Phú và Châu Thành, tỉnh An Giang, với sự tham gia của gần 10.000 hộ dân, được vay 72 tỷ đồng). 
Đây là 03 trong 04  doanh nghiệp được UBND tỉnh An Giang lựa chọn tham gia dự án thí điểm chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ trên địa bàn tỉnh An Giang, theo chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 05/03/2014 của Chính phủ, với sự tham gia của gần 11.000 hộ nông dân.
Thông qua ký kết các hợp đồng tín dụng với các doanh nghiệp có mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Agribank thể hiện quyết tâm trong việc “tạo đà” góp phần xây dựng thành công mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta, tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai nhằm đem đến lợi ích lâu dài cho tất cả các bên tham gia, đồng thời làm gia tăng giá trị hàng hóa, xây dựng được thương hiệu cho hàng nông sản của Việt Nam trên toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục

Các sản phẩm mới được ra mắt tại Lễ ra mắt sản phẩm phân bón chuyên dùng cho cây cà phê, cây lâm nghiệp và phân bón nông nghiệp đô thị vào đầu năm 2024.

Supe Lâm Thao tự tin với sản phẩm mới trợ lực cho cây cà phê Tây Nguyên

(PLVN) - Giúp sức cho cây cà phê nâng tầm vị thế cả về chất lượng và giá cả, các chuyên gia thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hoá kết hợp với đội ngũ kỹ sư của Công ty CP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao đã dày công nghiên cứu, cho ra mắt các sản phẩm phân bón chuyên dùng phù hợp với đặc tính của cây trồng, đặc biệt là cây cà phê vùng đất Tây Nguyên.

Đọc thêm

Vinhomes ghi nhận tổng doanh thu quý I/2024 đạt 8.211 tỷ đồng

Vinhomes ghi nhận tổng doanh thu quý I/2024 đạt 8.211 tỷ đồng

(PLVN) -  Công ty Cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán “VHM”) công bố Báo cáo tài chính hợp nhất Quý I năm 2024 theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Theo đó, Vinhomes tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh ổn định, sẵn sàng đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới trong bối cảnh thị trường bất động sản có nhiều tín hiệu khả quan hơn.

Gameshow: Kilowatt? Phát sóng vào lúc 15 giờ, Chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV9

Gameshow: Kilowatt? Phát sóng vào lúc 15 giờ, Chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV9
(PLVN) -  Từ ngày 28/4/2024, Chương trình Truyền hình: Học sinh chung tay sử dụng điện an toàn, tiết kiệm (tên truyền thông là Gameshow “Kilowatt”?) do Tổng công ty Điện lực TP HCM phối hợp với Đài truyền hình TP HCM thực hiện sẽ được phát sóng vào lúc 15 giờ, Chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV9 và phát lại vào sáng thứ 2, tuần tiếp theo trên kênh HTV7.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

Phía sau những ly sữa tươi sạch
(PLVN) -  Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH, công ty đang vận hành Cụm trang trại bò sữa TH thuộc Tập đoàn TH có 20 phòng, ban và một Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn. Mười năm nay Đảng bộ công ty liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ đây, chúng tôi nghĩ đến những nhân tố căn bản phía sau đã làm nên thương hiệu sữa tươi sạch TH trên thị trường toàn quốc.

Abipha đồng hành cùng Hội Chữ thập đỏ trong chương trình 'Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương'

Abipha đồng hành cùng Hội Chữ thập đỏ trong chương trình 'Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương'
(PLVN) - Tiếp tục thực hiện sứ mệnh “Tâm lớn trước sức khỏe cộng đồng” cũng như mong muốn mang đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe chất lượng đến gần hơn với người dân Việt, đặc biệt là những trường hợp khó khăn, ngày 20/4/2024, Dược Phẩm Quốc Tế Abipha đồng hành cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong chương trình “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương” với các hoạt động hỗ trợ cộng đồng tại huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên.

MSB công bố kết quả Kinh doanh Quý 1

MSB công bố kết quả Kinh doanh Quý 1
(PLVN) -  Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) công bố kết quả kinh doanh quý 1 ghi nhận sự củng cố ở một số chỉ tiêu nền tảng. Lợi nhuận trước thuế đạt 22,5% kế hoạch năm.

Điện lực Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng mùa nắng nóng

Kiểm tra hệ thống đo đếm
(PLVN) - Với mục tiêu đảm bảo cung điện ổn định trong dịp cao điểm hè 2024, bên cạnh công tác quản lý vận hành, đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống lưới điện, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong mùa nắng nóng.

Dalatmilk - 'Di sản từ cao nguyên' chinh phục những khách hàng kỹ tính nhất

Dalatmilk - 'Di sản từ cao nguyên' chinh phục những khách hàng kỹ tính nhất
(PLVN) -  Dalatmilk - thương hiệu sữa tươi sạch ghi dấu ấn một “Di sản từ cao nguyên” đã và đang chinh phục ngày càng nhiều khách hàng khó tính, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn tinh tế ở cấu trúc, hương vị, độ béo, và các yếu tố vi lượng chuẩn mực của sữa cho pha chế và thưởng thức. Hiện Dalatmilk được nhiều hệ thống khách sạn 5 sao cùng các chuỗi nhà hàng đẳng cấp quốc tế, các “ông lớn” trong ngành thực phẩm, đồ uống Việt Nam và thế giới lựa chọn, tin dùng.