Mấy hôm nay đọc nhiều chuyện liên quan đến chi phí tiền cưới đắt rẻ nhiều ít, khiến tôi nhớ lại kỉ niệm nhớ đời trong ngày cưới của mình. Chỉ vì thùng tiền mừng cưới mà mẹ tôi và mẹ chồng lao vào khẩu chiến dữ dội, sau đó quyết từ mặt nhau.
Ngày tôi nhập học đại học, bố mẹ cũng bán nhà ở quê cộng thêm vốn liếng tích cóp theo tôi lên thành phố sống. Nhà chồng và nhà tôi ở cùng khu phố nên tôi có dịp quen và yêu anh. Vì là con một lại được bố mẹ chiều chuộng nên tâm lý tôi luôn nghĩ mình chẳng kém gì tiểu thư lá ngọc cành vàng. Thời gian yêu nhau tôi luôn bắt người yêu mình phải chạy theo và đáp ứng rất nhiều yêu cầu vô lý.
Mọi hành động khi ấy tôi đều nghĩ nó làm mình có giá hơn. Kể cả khi đã nhận lời cùng anh làm đám cưới, tôi vẫn không dừng lại. Giống một số bạn trẻ bây giờ, cũng vắt óc liệt kê ra đủ thứ chi phí sắm sanh vào một cái tờ giấy sau đó đưa cho chồng và đòi đáp ứng. Tờ giấy của bạn HN nào đó với chi phí có 50 triệu đã bị ném đá, nếu không may tờ giấy của tôi bị lộ ra (hơn 100 triệu cách đây 5 năm) thì chắc tôi đủ gạch xây nhà.
Cứ nghĩ cưới cả đời có một lần tội gì phải bo bo tiết kiệm. Bất kể thứ gì tôi liệt kê ra cũng thuộc loại đắt tiền. Phù phiếm như tân trang nhan sắc tôi cũng bắt chồng phải bỏ tiền ra.
Tôi huênh hoang lắm, vì được chồng tương lai đáp ứng mọi thứ không mảy may tính toán gì mà. Cầm tờ giấy tôi liệt kê ra, anh cứ thế làm theo răm rắp. Đến khi bàn bạc tổ chức tiệc cưới, tôi còn chủ động yêu cầu anh đề nghị với bố mẹ để hai nhà làm chung ở một nhà hàng. Chẳng có mưu đồ gì đâu, tôi chỉ nghĩ đơn giản bố mẹ có mình tôi là con. Bao công chăm sóc nay lại về nhà khác ở, nếu bắt ông bà phải bỏ tiền ra làm cỗ thì bất công quá.
Tôi sung sướng thấy mình có giá trị, việc gì yêu cầu cũng đạt được. Vậy nhưng chữ ngờ chẳng ai biết trước, tôi phải trả giá cho việc coi trọng đồng tiền và ảo tưởng bản thân ngay trong ngày cưới.
Khi khách khứa đã xong xuôi, tới lúc chuẩn bị về thì cả mẹ tôi và mẹ chồng đứng xung quanh hộp tiền mừng và… nhìn nhau. Mẹ chồng nói với mẹ tôi rằng “chị cứ về đi, tiền mừng để tôi kiểm rồi sẽ có lời với chị”. Mẹ tôi vốn thẳng tính, thấy thông gia vô lý quá nên cũng đốp chát ngay “tiền mừng có phải nguyên khách nhà chị đâu mà đòi giữ rịt như thế, để đó hai nhà cùng kiểm đếm rồi tính sau” nhưng mẹ chồng tôi không nghe.
Lý do bà đưa ra là tiền cỗ bàn do nhà trai trả thì tiền mừng cưới đương nhiên là của họ. Còn mẹ tôi lý luận “tiền cỗ tự nhà bà bỏ ra chứ chúng tôi đâu có yêu cầu”. Đỉnh điểm cuộc tranh cãi, hai bà lao vào giằng xé khiến cái hộp tiền mừng rách tan, phong bì rơi lả tả.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Sau phút tròn mắt, tôi định lao vào nói vài lời bênh vực mẹ. Chưa kịp làm thì mẹ chồng đã đập toẹt tờ giấy liệt kê các khoản tôi đòi hỏi chồng mình trước đó cho mẹ tôi xem. Giọng bà hùng hổ: “Đây, đến cái lông chân cũng đòi con trai tôi bỏ ra đống tiền để tẩy. Nào là tắm trắng, giảm cân… đi lấy chồng chứ đâu phải đi thi hoa hậu mà vẽ ra lắm thứ thế này? Cả trăm triệu của con trai tôi đắp vào nó, với số tiền ấy nó thừa sức cưới được mấy vợ. Mấy đồng tiền mừng cưới nhà bà có bù lại một nửa số đó không?”.
Thật ra những khoản tôi bắt chồng làm mẹ tôi không hề biết. Đến lúc đó cả mẹ con tôi đều chỉ biết im lặng nhìn nhau, còn mẹ chồng tôi vẫn cứ xa xả “khách nhà bà toàn khách nhà quê lên ăn chực…”.
Nhiều câu quá đáng nhưng tôi trách mẹ chồng một thì trách bản thân tôi mười, tự nhiên mang tiền ra để làm giá cho mình. Cuối cùng khiến cả mẹ tôi cũng muối mặt, hai vợ chồng sau đó cũng lục đục mất một thời gian.
Các bạn ạ! Suy cho cùng đám cưới cũng chỉ là hình thức. Cưới rồi sống với nhau ra sao mới là điều quan trọng, nên đừng mang tiền ra để làm thước đo mà tự hạ thấp mình các cô dâu tương lai nhé!