LTS: Từ góc nhìn của thiền nhân, thơ thiền cho chúng ta những trải nghiệm thú vị về tự nhiên, con người và xã hội cùng thế giới nội tâm của bậc giác ngộ. Thơ thiền như một cầu nối giữa bậc giác ngộ, đưa tâm ta trở về hướng thiện, nhận thức thực tại để trân trọng và để biết sống có ý nghĩa hơn trong từng giây phút.
Huyền tích về Giác Hải thiền sư
Thiền sư Giác Hải (1023 hoặc 1024 – 1138) tên húy là Nguyễn Viên Y (hay Nguyễn Quốc Y), sống dưới thời Lý, là người hương Hải Thanh, phủ Hải Thanh (nay là huyện Xuân Trường và huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định).
Theo sách “Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược”, trong mục chùa Keo thì: “Không Lộ tên chính là Nguyễn Chí Thành người xã Điềm Xá, huyện Gia Viễn cùng Nguyễn Viết Y người xã Loa Điền - Hải Thanh kết bạn với nhau, Chí Thành đạo hiệu là Không Lộ, Viết Y đạo hiệu là Giác Hải, sau gặp sư Từ Đạo Hạnh người Yên Lãng cùng sang Tây Trúc học đạo đều thành”.
Thiền sư Giác Hải là một trong ba vị thiền sư nổi tiếng và có sức ảnh hưởng triều Lý, cùng với thiền sư Từ Đạo Hạnh và Quốc sư Nguyễn Minh Không. Ba vị là đồng môn thuở còn học đạo, ở một số chùa theo cấu trúc “tiền Phật hậu Thánh” (chùa Thầy, chùa Phúc Long, chùa Lý Triều Quốc Sư) còn được thờ chung với nhau, gọi là Tam thánh.
Năm 25 tuổi, ông dứt bỏ cuộc sống thế nghiệp xuống tóc đi tu. Lúc đầu, ông với thiền sư Không Lộ theo học đạo với nhà sư Hà Trạch ở chùa Diên Phước, phủ Hải Thanh. Sau đó thiền sư Giác Hải kế thừa dòng pháp Vô Ngôn Thông và trở thành trụ trì chùa Diên Phước.
Thiền sư Giác Hải là một trong ba vị thiền sư nổi tiếng và có sức ảnh hưởng triều Lý (Ảnh minh họa) |
Những giai thoại về thiền sư Giác Hải được lưu truyền trong nhân gian rất nhiều, điển hình như trong sách “Thiền uyển tập anh” có ghi rằng: Ðời vua Lý Nhân Tông (1072-1128), sư Giác Hải thường cùng Thiền sư Không Lộ, được mời vào cung đàm đạo, bỗng có tiếng cắc kè kêu nhau chối tai, đáng ghét. Nhà vua khi đó đã yêu cầu Thiền sư Không Lộ làm cho nó đừng kêu. Thiền sư Không Lộ bèn lâm râm niệm chú, làm rơi trước một con.
Thiền sư Không Lộ cười nhìn Thiền sư Giác Hải, lúc này Giác Hải liền nói: “Đang còn một con, để đó cho Sa môn”. Thiền sư Giác Hải chú mục nhìn, trong giây lát, nó cũng rơi theo. Vua lấy làm lạ, làm một bài thơ khen:
“Giác Hải tâm như hải
Thông Huyền (Thiền sư Không Lộ) đạo lại huyền
Thần thông cùng biến hóa
Một Phật, một thần tiên”
Từ đó, tiếng tăm Thiền sư Giác Hải vang khắp thiên hạ, người dân, phật tử khắp nơi ngưỡng chuộng. Vua thường đối đãi với Thiền sư Giác Hải như bậc thầy. Mỗi lần ra chơi hành cung ở phủ Hải Thanh, vua đều đến chùa thăm sư trước. Một hôm, vua hỏi Thiền sư Giác Hải: “Phép ứng chân thần túc, có thể được nghe chăng?”. Thiền sư Giác Hải bèn làm tám phép thần biến rồi vung thân lên hư không, cách đất vài trượng rồi lại hạ xuống. Vua và các quan đều vỗ tay khen ngợi. Do đó, vua ban cho pháp hiệu Giác Hải tính chiếu đại sư và một kiệu vai để ra vào cung cấm.
Bài kệ trước lúc viên tịch
Đến đời vua Lý Thần Tông (1128-1137), Thiền sư Giác Hải nhiều lần được triệu vào cung, song ông đều viện cớ già yếu để từ chối. Lúc sắp viên tịch, Thiền sư Giác Hải làm bài kệ cho đệ tử:
“Xuân lai hoa điệp thiện tri thì
Hoa điệp ưng tu tiện ưng kỳ
Hoa điệp bán lai giai thị ảo
Mạc tương hoa điệp hướng tâm tri”
Ngô Tất Tố dịch thơ:
“Xuân sang hoa bướm khéo quen thì,
Bướm lượn hoa cười vẫn đúng kỳ.
Nên biết bướm hoa đều huyền ảo,
Thây hoa, mặc bướm, để lòng chi”.
Thượng tọa Thích Thanh Điện và TS. Phạm Thị Thanh Hương nhận định rằng, qua bài thơ, Thiền sư Giác Hải muốn gửi một thông điệp đến với chúng ta về lẽ vô thường của tình đời. Dù sâu sắc tri kỷ đến đâu cũng chỉ là lẽ thường tình của cuộc đời. Nếu không mặc tình mà tham đắm si mê thì không thể tập trung tu tập giải thoát được. Vì vậy, biết rõ tình đời là huyễn ảo vô thường thì mặc tình, đừng bận lòng nữa.
Thông điệp này được gửi gắm qua từng câu thơ của Thiền sư, người đã thông qua hiện tượng tự nhiên là mùa xuân, là hoa, là bướm để nói lên trí giác ngộ về lẽ vô thường của tình đời. Đặc biệt về một chân tâm không còn ưu phiền bận lòng về mọi vạn vật trong cuộc sống thường nhật của thiền sư.
Hình ảnh hoa và bướm được Thiền sư Giác Hải sử dụng thể hiện qua bài Thơ thiền “Dạy khi có bệnh” |
Ngay từ khi bắt đầu, câu thơ “Xuân sang hoa bướm khéo quen thì”, mang ý nghĩa xuân về hoa bướm rập rờn cùng nhau như tình tri kỷ. Với câu thơ giàu hình ảnh và đậm đà chất thơ về hiện thực tự nhiên mỗi khi mùa xuân về thì trăm hoa đua nở... bướm, ong tìm đến hoa rập rìu. Việc xuân về, hoa nở, bướm đến tìm hoa chính là sự hấp dẫn thuận theo tự nhiên và cũng là lẽ thường tình của đời sống...
Bằng sự cảm nhận tinh tế về sự vận động thường hằng của vạn vật, tác giả đã cho ta tiếp cận một hiện thực vốn thường có trong tự nhiên thông qua câu thơ “Bướm lượn hoa cười vẫn đúng kỳ”. Vạn vận trong tự nhiên luôn vận động không ngừng nghỉ, tuy nhiên mỗi sự kiện trong tự nhiên được diễn ra đều có sự liên hệ với thời vận nhất định và có chu kỳ nhất định. Việc bướm lượn hoa cười... Đó là quy luật tự nhiên của tạo hóa, là Vô thường.
Ở quy luật tự nhiên đó dù việc bướm tìm đến hoa mỗi kỳ hoa nở là thuận theo tự nhiên nhưng cũng chỉ như mộng ảo. Bởi theo Thiền sư Giác Hải, có đấy rồi lại không, hợp rồi lại tan, xuân cuối cùng cùng phải qua đi để đón nhận hè tới, hoa khi tàn cũng sẽ không còn bướm tới. “Nên biết bướm hoa đều huyền ảo”, tác giả muốn nói những gì mà chúng ta biết thấy trước mắt dù là tình tri kỷ, nhưng đó cũng như là ảo mộng, nếu tham đắm, si mê thì sẽ trôi mãi theo mộng ảo hư huyễn...
Là một Thiền sư, ngài đã thấu rõ bướm hoa chỉ là tình đời mộng ảo nên không còn tha thiết bận lòng về tình bướm hoa đó nữa. “Thây hoa, mặc bướm, để lòng chi”, nghĩa là mặc tình hoa bướm bận lòng làm gì khi biết rõ những điều đó là vô thường mộng ảo.
Nếu giác ngộ được điều đó thì các bậc chân tu sẽ không còn vướng bận, ưu phiền vì nó nữa. Đó là sự giác ngộ của tác giả về sự vận động vô thường của tình đời. Thượng tọa Thích Thanh Điện và TS. Phạm Thị Thanh Hương nhận định rằng, thông qua bài kệ của Thiền sư Giác Hải thì tình đời là cái không có sắc tướng, nó là sự hấp dẫn tinh thần nhưng đó cũng là lẽ vô thường có rồi mắt, hợp rồi tan...
Người ta nói rằng, vào cái đêm Thiền sư Giác Hải viên tịch có ngôi sao lớn rơi ở góc Tây nam phương trượng. Sáng hôm sau sư ngồi ngay thẳng mà tịch. Vua xuống chiếu cho 30 hộ phụng thờ hương khói, phong hai con trai của sư làm quan để thưởng công. Ngày 4 tháng Giêng hàng năm giỗ sư Giác Hải, làng Yên Vệ (Ninh Bình) nơi có chùa Phúc Long lại tổ chức lễ hội làng, sau khi tế thánh có thi đấu vật.