Xưa rồi quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương”
Năm 2008, Việt Nam từng được A.T Kearney, một công ty tư vấn bán lẻ hàng đầu đánh giá là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, xếp trên cả Hồng Kong, Malaysia. Tuy nhiên, sau mỗi năm, thứ hạng này tụt dần, và đến nay Việt Nam chỉ còn nằm trong top 20 thị trường bán lẻ tiềm năng.
Sự tụt hạng không còn là nguy cơ mà đã là thực tế đang diễn ra, điều này buộc doanh nghiệp Việt Nam phải có những động thái khắc phục để phát triển. Những giải pháp bước đầu để doanh nghiệp bán lẻ tìm ra con đường sáng sủa hơn đã được đem ra mổ xẻ, đối thoại tại tọa đàm “Giải pháp giúp doanh nghiệp có thị trường bán lẻ” tại TP.HCM do Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn và Trung tâm Xúc tiến thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp tổ chức với 200 doanh nghiệp tham dự.
Tại tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp lớn, dẫn đầu thị trường như Vissan, Sài Gòn Co.op, Sài Gòn Food, Vina Sun, Bibica… đã có những chia sẻ hết sức thực tế những kinh nghiệm phát triển kênh bán lẻ. Đồng thời, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã cất lên tiếng nói nhằm tìm ra một giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp bán lẻ có chỗ đứng.
Xây dựng tốt kênh phân phối, đó là bí quyết mà hầu hết các doanh nghiệp lớn nhấn mạnh. Theo ông Văn Đức Mười – Tổng Giám đốc Công ty Vissan, xuất phát điểm của Việt Nam là nền kinh tế kế hoạch. Doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt vẫn có quan niệm cứ sản phẩm chất lượng tốt là có thể bán được sản phẩm.
Tuy nhiên, trước thực tế thị trường bán lẻ trong giai đoạn hội nhập thế giới và cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay, quan điểm “hữu xạ tự nhiên hương” không còn phù hợp. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp lớn và có tầm nhìn thường đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối. Theo ông Mười, kênh phân phối cần được hiểu đúng “giá trị” đối với sự tồn tại của một doanh nghiệp, bởi giờ đây, với sự phát triển của công nghệ, doanh nghiệp có thể ứng dụng để quản lý kênh phân phối một cách dễ dàng.
Một ví dụ, với 116 nhà phân phối, 130.000 điểm bán trên toàn quốc, nhờ phần mềm quản lý kênh phân phối, Tổng Giám đốc Vissan có thể lên mạng kiểm tra được lượng hàng hóa bán ra trong ngày.
Các doanh nghiệp lớn đều rất chú trọng kênh phân phối của mình. Hiện Bibica có đến 120 nhà phân phối và trên 100 ngàn điểm bán lẻ trên toàn quốc. Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức cho biết, hiện Sài Gòn Co.op có 82 Co.opMart, khoảng 100 Co.op food, 2 đại siêu thị Co.op Extra, một số kênh phân phối khác. Ngoài ra, còn có kênh Tivi Home Shoping chuyên bán hàng Việt phát liên tục 24 giờ.
Hỗ trợ nhau để cùng “vượt khó”
Ngoài việc tự nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc phát triển kênh phân phối, một yếu tố quan trọng được nhấn mạnh tại tọa đàm, đó là doanh nghiệp Việt phải bắt tay, hỗ trợ nhau để phát triển lành mạnh. Bên cạnh đó, rất cần thiết có sự giúp sức của các cơ quan quản lý nhà nước.
Về mặt chính sách thuế, bà Trần Thị Lệ Nga– Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM cho biết, năm 2014 có rất nhiều đạo luật được cải cách hỗ trợ cho người nộp thuế, thuế giá trị gia tăng và thuế doanh nghiệp “Cuối năm 2014, 2015 chúng tôi áp dụng tiếp một giải pháp là nộp thuế điện tử. Trước đây, doanh nghiệp phải ra kho bạc, đến ngân hàng để nộp thuế thì bây giờ cơ quan thuế kết nối với các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp đăng ký tại đây và đến kỳ nộp thuế, chỉ cần ở nhà chuyển giấy nộp tiền đến tài khoản của ngân hàng, số tiền đó tự động được chuyển vào tài khoản chuyên thu của cơ quan thuế. Hiện Cục Thuế TP đang thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế”- bà Nga nói.
Đối với Bộ Công Thương, ông Nguyễn Phú Hòa – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho rằng, hiện doanh nghiệp có thể làm được ngay là áp dụng quản trị điện tử điều hành trong doanh nghiệp.
“Làm sao tiết kiệm chi phí, thời gian, bỏ bớt giấy tờ, ngay cả Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh dịch vụ hành chính công trên mạng để giúp cho các doanh nghiệp. Về phía Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của thị trường thế giới, phổ biến các kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến hội nhập kinh tế, quốc tế. Trước đó, Bộ đã ký nhiều Hiệp định thương mại để các doanh nghiệp có đầu ra để xuất khẩu, đồng thời nhập khẩu nguyên phụ liệu rẻ hơn để nâng cao sản xuất”- ông Hòa cho biết.
Về phần mình, các doanh nghiệp lớn cũng chia sẻ, thời gian tới sẽ có thêm nhiều động thái ưu ái nhằm “giúp sức” doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Các hiệp hội, doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau thảo luận làm cách nào để các nhà bán lẻ hoạt động theo chuỗi, tạo sản phẩm mang tính khác biệt thì mới chi phối được thị trường và sẽ không bị các nhà phân phối chi phối chúng ta nữa, lúc này chúng ta mới phát triển được. Như vậy, muốn bán lẻ, không phải bán lẻ đơn thuần mà phải nghĩ đến việc từ sản xuất đến kinh doanh theo chuỗi”- Tổng Giám đốc Công ty Vissan Văn Đức Mười đề xuất.
Về phần mình, SaiGon Co.op sẽ hợp tác với các doanh nghiệp Việt để bảo hộ thị trường. “Chúng tôi lựa chọn một mức chiết khấu vừa phải, đảm bảo cho các doanh nghiệp, vận hành mạnh mẽ sử dụng những kiến thức, kinh nghiệm trong bán lẻ để có điều chỉnh cho phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, ông Nguyễn Anh Đức cho biết.
Cạnh tranh trong công bằng và lạnh mạnh, tự nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ nhau cùng phát triển, nếu có sự trang bị tốt những yếu tố này, doanh nghiệp Việt sẽ có thể đứng vững trước những nguy cơ tụt hậu, bị loại khỏi cuộc chơi bán lẻ đầy khốc liệt sắp tới.