Trong văn bản vừa được gửi các bên liên quan trong vụ chuyển nhượng hệ thống siêu thị Big C VN, Tổng cục Thuế yêu cầu kê khai và nộp thuế chuyển nhượng vốn, đồng thời khuyến cáo không cho chuyển đổi chủ mới nếu chậm nộp thuế.
Tính đến ngày 20-6, sau gần hai tháng kể từ khi Tập đoàn Casino (Pháp) chuyển nhượng Big C VN cho Tập đoàn Central Group (Thái Lan), cơ quan thuế vẫn chưa nhận được hồ sơ kê khai và nộp thuế của thương vụ chuyển nhượng.
Trong khi theo quy định của VN, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là ngày thứ 10 kể từ ngày các bên thỏa thuận chuyển nhượng vốn. Theo cơ quan thuế, ước tính số tiền thuế thu được từ thương vụ chuyển nhượng Big C vào khoảng 3.600 tỉ đồng.
Có thể cưỡng chế thu thuế
Trước đó, trong văn bản gửi Bộ Công thương, Central Group và Nguyễn Kim Group đã thông báo nhận chuyển nhượng hệ thống Big C VN từ Tập đoàn Casino vào ngày 29-4, với giá trị chuyển nhượng là 1,04 tỉ USD.
Như vậy tính đến ngày 20-6, vụ chuyển nhượng này đã hoàn tất gần hai tháng, quá hạn kê khai nộp thuế chuyển nhượng vốn theo quy định hơn 40 ngày nhưng cơ quan thuế VN chưa nhận được hồ sơ kê khai và nộp thuế.
Trong văn bản vừa gửi cho các đơn vị liên quan, Tổng cục Thuế yêu cầu các bên phối hợp kê khai, nộp thuế chuyển nhượng vốn hệ thống Big C VN. “Trường hợp các bên kê khai và nộp thuế muộn, cơ quan thuế VN sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Siêu thị Big C trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Trước mắt là các công ty thuộc hệ thống siêu thị Big C VN sẽ bị dừng việc thay đổi người đại diện pháp luật từ Tập đoàn Casino sang Tập đoàn Central Group”, công văn khẳng định.
Một lãnh đạo ngành thuế cho biết theo pháp luật VN và quy định của hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa VN và Pháp, mức thuế chuyển nhượng Big C là 20%, trong đó quyền đánh thuế của thương vụ này thuộc về cơ quan thuế VN.
Trước đó, Tập đoàn Central Group (bên nhận chuyển nhượng hệ thống Big C VN) cho rằng không có nghĩa vụ phải kê khai và nộp thuế thương vụ này. Riêng Tập đoàn Casino và lãnh đạo Big C VN vẫn chưa có ý kiến gì về yêu cầu kê khai và nộp thuế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Savior Mwambwa - giám đốc thuế quốc tế của Tổ chức ActionAid quốc tế - cho rằng Tập đoàn Casino (bên chuyển nhượng) sẽ phải nộp thuế cho Chính phủ VN.
“Căn cứ buộc doanh nghiệp (DN) nộp thuế chuyển nhượng là Big C đăng ký kinh doanh tại VN nên phải thực hiện theo luật pháp của VN, nghĩa là khi chuyển nhượng phải nộp thuế”, ông Savior Mwambwa khẳng định.
Theo ông Savior Mwambwa, cơ quan thuế VN có thể ủy nhiệm thu cho Tập đoàn Central Group (bên nhận chuyển nhượng) bởi đây là thương vụ có giá trị chuyển nhượng lớn, bên mua sẽ trả tiền cho bên bán làm nhiều đợt.
“Tại Uganda cũng từng xảy ra trường hợp DN chuyển nhượng tài sản không chấp nhận nộp thuế chuyển nhượng tài sản và đã kiện Chính phủ Uganda ra tòa nhưng bị xử thua, buộc phải nộp thuế. Khi được Chính phủ Uganda ủy nhiệm thu, DN mua tài sản không những từ chối mà còn kiện Chính phủ Uganda ra tòa án Anh, nhưng một lần nữa Chính phủ Uganda lại thắng”, ông Savior Mwambwa khẳng định.
Xem xét dấu hiệu
lách luật của Big C
Kể từ ngày 1-1-2009, theo cam kết tại nghị định thư gia nhập WTO của VN, thị trường bán lẻ VN bắt đầu được mở cửa cho các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tuy nhiên, các DN FDI không thể mở bao nhiêu điểm bán lẻ tại VN cũng được mà phải tuân thủ theo quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế.
Theo đó, để mở địa điểm thứ 2 trở lên, các DN này phải xin phép và sau khi kiểm tra, xem xét nhu cầu và khả năng của thị trường trong nước, cơ quan quản lý quyết định có cấp phép hay không.
Tuy nhiên, phía cơ quan thuế nhận định Big C VN có dấu hiệu né quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các DN bán lẻ trong nước.
Cụ thể, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ (ngày 18-5), Bộ Công thương cho biết các công ty thuộc hệ thống Big C VN đều hoạt động dưới hình thức công ty độc lập, hạch toán kế toán xác định lãi lỗ theo từng đơn vị, tức là xác định doanh thu, chi phí và kê khai, nộp thuế riêng.
Thậm chí tại một số địa phương, các công ty này hoạt động theo mô hình công ty độc lập, quản lý chi nhánh hạch toán phụ thuộc như Big C Hải Phòng quản lý một số chi nhánh phụ thuộc tại Đà Nẵng, Phú Thọ, Ninh Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang; hoặc Công ty CP bất động sản Việt Nhật quản lý 17 chi nhánh phụ thuộc tại 17 tỉnh, thành phố khác nhau...
Cũng theo báo cáo của Bộ Công thương, hàng hóa mua vào của hệ thống siêu thị Big C chủ yếu được cung cấp từ Công ty TNHH dịch vụ EB có trụ sở tại TP.HCM. Hoạt động kinh doanh của hệ thống siêu thị Big C VN chủ yếu do Công ty TNHH dịch vụ EB điều hành.
Người đại diện pháp luật của hệ thống siêu thị Big C tại VN là ông Guillaume Gerard Marie Sénéclauze, quốc tịch Pháp, và cũng là người đại diện pháp luật một số công ty thuộc hệ thống Big C VN.
Thực tế trên cho thấy các đơn vị thuộc hệ thống Big C VN đã có dấu hiệu né tránh quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế liên quan đến việc thực hiện thủ tục cấp giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ bằng cách lập nhiều pháp nhân kinh doanh dưới cùng một thương hiệu Big C, trong khi thực tế các cơ sở kinh doanh bán lẻ này được vận hành theo hệ thống.
Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương có biện pháp xử lý kịp thời để phòng chống việc thành lập, phát triển cơ sở bán lẻ trái phép, đồng thời Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính để buộc các bên phải nộp thuế chuyển nhượng vốn trong thương vụ này.
“Theo quy định, để hệ thống Big C VN được chuyển sang chủ mới, các bên phải giải quyết dứt điểm những tồn tại, trong đó có việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế, đặc biệt là việc kê khai, nộp thuế đối với hoạt động chuyển nhượng hệ thống Big C VN”, một lãnh đạo ngành thuế khẳng định.
Liên tục vi phạm về thuế
Theo Tổng cục Thuế, từ khi có mặt ở VN vào năm 2007 đến nay, các công ty thuộc hệ thống siêu thị Big C VN đã nộp tổng số tiền thuế gần 2.672 tỉ đồng.
Tuy nhiên qua thanh tra, kiểm tra tại các công ty thuộc hệ thống siêu thị Big C, cơ quan thuế phát hiện hàng loạt sai phạm về thuế như sai thuế suất thuế GTGT, khai thiếu thuế GTGT, khấu hao không đúng quy định... Kết quả thanh tra, kiểm tra, Big C VN đã bị truy thu và phạt 25,5 tỉ đồng.
Trước đó, như Tuổi Trẻ từng thông tin, cơ quan thuế đang thanh tra tại hệ thống siêu thị Big C và theo thông tin từ các đoàn thanh tra, hệ thống siêu thị này vẫn tồn tại nhiều dấu hiệu vi phạm.
Cụ thể, các sai phạm như kê khai, nộp thuế GTGT chưa đầy đủ đối với khoản thu hỗ trợ quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi từ nhà cung cấp; khoản phí hỗ trợ quản lý trả Casino; một số khoản chi phí tư vấn không chứng minh được là đã thực hiện; chưa kê khai nộp thuế TNCN, chưa kê khai nộp thuế chuyển nhượng vốn các năm trước...
Các nhà bán lẻ nước ngoài
thường xuyên
khai lỗ
Theo Bộ Công thương, các DN vốn nước ngoài hiện có khoảng 90 cơ sở bán lẻ có quy mô 500m2 trở lên thuộc loại hình siêu thị, trung tâm thương mại, chiếm khoảng 9,3% tổng số 800 siêu thị và 168 trung tâm thương mại ở VN.
Ngoài ra, một số nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường thông qua việc mua cổ phần trong các doanh nghiệp bán lẻ VN (Aeon - Nhật Bản mua cổ phần của Fivimart và Citimart; Central Group - Thái Lan mua cổ phần của Công ty đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT - chủ sở hữu Công ty CP thương mại Nguyễn Kim...).
Một số DN có vốn nước ngoài nắm hệ thống phân phối thường hạch toán lỗ kéo dài, gây thất thu cho ngân sách nhà nước như Metro Cash & Carry, Lotte...
Riêng Aeon và các doanh nghiệp mới đầu tư đang trong giai đoạn khấu hao tài sản cố định và chuyển lỗ, chưa phải nộp thuế thu nhập DN.