Bởi thế, rất cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật THADS năm 2008 mà các doanh nghiệp cũng là đối tượng chịu sự tác động để đảm bảo cho công tác này
“Giải phóng” trách nhiệm cho người được thi hành án
Luật THADS năm 2008 quy định người được thi hành án (THA) đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành của người phải THA thì có thể yêu cầu chấp hành viên tiến hành xác minh.
Đây là quy định mới so với Pháp lệnh THADS năm 2004 nhằm nâng cao hơn sự chủ động và tăng trách nhiệm của người được THA tham gia vào quá trình THA, giảm gánh nặng về nhân lực và kinh phí cho cơ quan THADS.
Tuy nhiên, với truyền thống văn hóa pháp lý, ý thức chấp hành pháp luật cũng như điều kiện kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, quy định này đã không phát huy được hiệu quả. Trên thực tế, người được THA rất khó khăn trong việc xác minh điều kiện THA của người phải THA, nhất là việc xác minh tại các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức tín dụng…
Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 (Tổng cục THADS) Lê Anh Tuấn cho biết, tại Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2008, quy định nêu trên được sửa đổi theo hướng người được THA có quyền cung cấp thông tin về điều kiện THA của người phải THA nếu có, mà không bắt buộc phải xác minh. Sau khi ra quyết định THA, cơ quan THADS có trách nhiệm tiến hành xác minh điều kiện THA của người phải THA, đặc biệt là người được THA cũng không phải chịu chi phí xác minh.
Một số đại biểu bày tỏ, yêu cầu cung cấp các thông tin về điều kiện THA là một bước “tiến lùi” của Luật THADS năm 2008, gây bất lợi cho người yêu cầu THA vì đây là việc làm thiếu tính thực tế, bởi các cơ quan Nhà nước, ngân hàng, cá nhân, các tổ chức không dễ dàng cung cấp các thông tin về tài sản cho người yêu cầu.
Không những thế, có ý kiến e ngại quy định này có thể là “cái cớ” để những người thực thi lạm dụng gây nhũng nhiễu, phiền hà, phát sinh tiêu cực, đồng thời kéo dài thời gian THA, tạo điều kiện cho bên phải THA có thêm thời gian để tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ phải THA.
Do đó, nhiều ý kiến tán thành việc bỏ quy định này và quy định trách nhiệm xác minh điều kiện THA thuộc về cơ quan THADS như Pháp lệnh THADS năm 2004.
Bớt thủ tục này, thêm thủ tục khác
Còn để tăng cường vai trò, trách nhiệm của Tòa án, theo Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 Lê Anh Tuấn, Dự thảo Luật sẽ giao cho Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, còn các quyết định khác về THADS do cơ quan THADS thực hiện.
Bên cạnh đó, Tòa án vẫn ra quyết định miễn, giảm THA, đình chỉ THA trong trường hợp đã kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm như hiện nay.
Chia sẻ kết quả khảo sát của VCCI về thực tiễn hoạt động THADS, ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế - VCCI) “điểm mặt” các giai đoạn, thủ tục THA theo Luật hiện hành bao gồm Tòa án ra bản án, yêu cầu THA tự nguyện, bên nguyên tự xác minh tài sản, chấp hành viên xác minh tài sản, thông báo kê biên, định giá tài sản kê biên, thông báo mời bán đấu giá, bán đấu giá, công nhận kết quả đấu giá, phân chia tài sản và chi trả.
Trong khi đó, nếu theo Dự thảo Luật Sửa đổi thì sẽ bớt khâu bên nguyên tự xác minh tài sản, song lại thêm công đoạn Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành. “Vậy thủ tục này cụ thể là như thế nào?” – ông Đức đặt câu hỏi.
Không đồng tình với thay đổi trên, Luật sư Trần Xuân Tiền (Văn phòng Luật sư Đồng Đội) thẳng thắn phân tích, nếu thực hiện theo Dự thảo sửa đổi sẽ tạo nên nhiều sự xáo trộn về tổ chức của các ngành, có thể làm thay đổi bộ máy của Tòa án và cơ quan THADS.
Đối với hoạt động THADS sẽ gia tăng nhiều thủ tục hành chính, sửa quá nhiều điều luật. Việc giao nhiệm vụ ban hành các quyết định THA cho Tòa án sẽ tạo sự chồng chéo trong việc thực hiện chức năng, công tác THA không hiệu quả, thủ tục hành chính rườm rà, gây bất lợi cho đương sự.
Mặt khác, chuyển giao nhiệm vụ cho Tòa án sẽ tạo tâm lý đùn đẩy trách nhiệm của cán bộ và cơ quan THADS. “Không nên quy định Tòa án ra các quyết định THA mà chỉ nên quy định siết chặt hơn trách nhiệm của Tòa án trong việc giải thích bản án và trả lời kiến nghị của cơ quan THA; đồng thời cần quy định có sự tham gia của cán bộ Tòa án trong suốt quá trình THA để thực hiện chức năng giải thích bản án” – ông Tiền kiến nghị.