Ngại thừa nhận thương hiệu bị nhái
“Chống hàng giả là nhiệm vụ chính, là ưu tiên hàng đầu của Tổng cục QLTT, nhưng hiện nay công cuộc chống hàng giả đang gặp rất nhiều khó khăn, không nhận được sự hợp tác từ nhiều phía, từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng, thậm chí cả công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với nhau”, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh chia sẻ.
Điều này thực ra cũng đã được nhiều cơ quan, ban ngành lên tiếng. Bắt đầu từ việc doanh nghiệp rất ngại thừa nhận thương hiệu của mình bị làm giả đến việc người tiêu dùng vẫn… xuống tiền mua hàng dù biết đó là hàng nhái.
Đây chính là “đất sống” của hàng giả, khiến cho khó khăn trong công tác phòng chống hàng giả thêm bội phần khó khăn. Thậm chí, một cựu lãnh đạo ngành Công Thương còn khẳng định, hàng giả hiện nay đã trở thành vấn nạn, từ chính sách, từ ý thức của người dân đến ý thức của cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, gần đây, các chủ thể sở hữu thương hiệu đã nhận ra vấn nạn hàng giả gây ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu như thế nào. Dần dần, các cuộc hợp tác với các cơ quan chức năng trong hoạt động kiểm soát thị trường ngày càng mở rộng. Nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới đã tìm đến Tổng cục QLTT đề nghị hợp tác trong lĩnh vực phòng chống hàng giả, hàng nhái trên phạm vi thị trường Việt Nam.
Không chỉ thế, nhiều hiệp hội ngành hàng của Việt Nam cũng nhận ra được việc cùng phối hợp, kiểm soát tình hình hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận xuất xứ có ý nghĩa như thế nào đối với các hội viên của mình. Đây chính là động lực khiến các hiệp hội ngành hàng cũng tìm đến Tổng cục QLTT để ký kết các biên bản ghi nhớ về công tác phối hợp kiểm soát thị trường.
3 mấu chốt đẩy lùi hàng giả
Trước đó, Tổng cục QLTT cũng đã có nhiều kế hoạch liên quan đến công tác chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Nhiều vụ việc triển khai và bước đầu đã mang lại thành công, điển hình như vụ lực lượng QLTT đã bắt giữ tận xưởng đơn vị làm giả mặt hàng thời trang The North Face, một thương hiệu thời trang nổi tiếng của Mỹ. Hoặc truy quét các mặt hàng giả thương hiệu tầm cỡ, có giá lên đến vài trăm triệu một đơn vị sản phẩm ở trung tâm thương mại lớn ở Quảng Ninh…
Từ kết quả đã đạt được trong những chiến dịch lớn, ông Linh cho rằng, muốn đẩy lùi nạn hàng giả cần tập trung vào 3 điểm chính, gồm thể chế, chế tài; tuyên truyền, phổ biến, tăng cường công tác vận động bởi hàng giả hiện nay ở cả hai chiều cung và cầu. Và đặc biệt là đẩy mạnh công tác thông tin, nguồn tin vì muốn chống hàng giả phải tạo ra cơ sở thông tin tốt từ cơ sở báo tin, tổ chức hệ thống thông tin.
Cùng với đó, doanh nghiệp nên là đối tượng chủ động trong việc công khai các mặt hàng bị làm giả của đơn vị mình với các cơ quan chức năng. Do đó, việc ký kết hợp tác trong công tác phối hợp phòng chống hàng giả, hàng gian lận thương mại với Hiệp hội Thông tin Tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam (Viceta) hay Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Hà Nội (Hatap) sẽ giống như việc Tổng cục QLTT có thêm những “cánh tay” nối dài để có thể nhận được nhiều hơn các thông tin liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại…
Tổng cục QLTT kỳ vọng, với hơn 300 doanh nghiệp hội viên của Hatap, Tổng cục sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp chung tay phối hợp trong công tác kiểm soát thị trường. Với Viceta, Tổng cục mong muốn sẽ xây dựng được một cơ sở dữ liệu hàng thật, hàng giả phục vụ cho công tác chuyên môn.
Không chỉ dừng lại ở mặt hình thức, Tổng cục QLTT mong muốn các nội dung ký kết sẽ được hiện thực hoá bằng những hoạt động cụ thể và thiết thực. Ví như có thể hợp tác thiết lập Trung tâm tư vấn giải đáp pháp luật cho DN hoặc thành lập một tổ lựa chọn nội dung chính để phối hợp hoạt động cho hiệu quả.