Tham gia Hội nghị có nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo trực tiếp phụ trách công tác xây dựng thể chế, pháp luật tại các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương.
Điều này cho thấy tính chất quan trọng của nội dung Hội nghị, cho thấy “điểm nghẽn” về thể chế vẫn là cản trở lớn đối với sự phát triển của đất nước. Từ Đại hội XI của Đảng đến nay xây dựng và hoàn thiện thể chế đã được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được coi là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Nhiệm kỳ Chính phủ khóa XII (2016 – 2021) có thành tích đặc biệt về cải cách thể chế, cắt giảm điều kiện kinh doanh như đánh giá của Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Ngay từ khi Chính phủ được kiện toàn (tháng 4/2021), Chính phủ đã tập trung, quan tâm công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế một cách trọng tâm, thực chất và có giải pháp cụ thể. Theo đó, Chính phủ giao người đứng đầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc công tác này; tạo điều kiện, tăng cường ưu tiên về tài chính, ngân sách, đội ngũ cán bộ cho xây dựng và hoàn thiện thể chế. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là xác định vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải giải quyết trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các cơ quan, địa phương, đơn vị, nhất là của địa phương trong quá trình thực thi các quy định gặp các vướng mắc.
Kế thừa thành quả các nhiệm kỳ trước đây, trong những tháng qua, các bộ, ngành, địa phương đã dành nhiều thời gian rà soát, tổng hợp và báo cáo các vấn đề thể chế còn vướng mắc cần giải quyết. Quốc hội rất ủng hộ và đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Chính phủ trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. Tuy nhiên, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế vẫn bộc lộ bất cập. Vì vậy, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ sắp tới ra sao là những câu hỏi cần có lời giải.
Hội nghị có thời gian ngắn, nội dung nhiều, yêu cầu cao, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, thảo luận về những định hướng cụ thể trong thời gian tới đây. Đó là cách tiếp cận rành mạch.
Không riêng Việt Nam, các quốc gia thành – bại cũng ở thể chế. Chính vì thế, hai nhà kinh tế hàng đầu của thế giới Daron Acemoglu, James A. Robinson đưa ra trong tác phẩm “Tại sao các quốc gia thất bại” là “thể chế, thể chế và thể chế”.