Là 2 trong những dự án luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục cho ý kiến tại Phiên họp thứ 29 khai mạc sáng qua - 14/7, Dự án Luật Hộ tịch và Luật CCCD còn nhiều vấn đề chưa thống nhất, chồng chéo, “lấn sân” nhau vì chưa làm rõ được tính khả thi, nhất là đối với mô hình vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, mối quan hệ với các CSDL ngành, trong đó có CSDL về hộ tịch (do Bộ Tư pháp xây dựng) và CSDL về CCCD (do Bộ Công an xây dựng), cũng như trách nhiệm chính trong việc “nắm giữ” CSDLQG này. Thậm chí, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn cảnh báo: “Không qui định rõ ràng, rành mạch thì chỉ chết dân”.
Để không còn “chỗ nào cũng yêu cầu rồi đặt thêm giấy tờ”
Đó là đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về ưu điểm của Dự án Luật CCCD, trong đó có việc cấp thẻ CCCD thay thế cho chứng minh nhân dân và nhiều loại giấy tờ cá nhân khác. Không chỉ tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về dân cư, theo Chủ tịch Quốc hội, thẻ CCCD còn là cách thể hiện sự “tôn trọng quyền tự do, dân chủ của người dân” khi chấm dứt cảnh “chỗ nào cũng yêu cầu rồi đặt thêm giấy tờ” cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Đưa ra nhiều tình huống có thể phát sinh trong thực tiễn nếu áp dụng Luật CCCD, UBTVQH không khỏi lo ngại các qui định này sẽ làm “rối xã hội”, gây phiền hà cho người dân nếu không giải quyết được những tình huống phát sinh do song hành cả chứng minh nhân dân và thẻ CCCD trong giai đoạn chuyển tiếp, hay việc các địa phương có thời điểm áp dụng thẻ CCCD khác nhau do điều kiện kinh tế - xã hội không đồng đều, cũng như chưa cơ quan nào biết thẻ CCCD sẽ “đại diện” được chính xác bao nhiêu loại giấy tờ cho công dân trong các hoạt động đời sống... Theo ông Kiều Đình Thụ - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: “Thẻ CCCD chỉ có thể thay thế một số loại giấy tờ phổ biến của công dân, còn những giấy tờ đặc thù của từng ngành thì không thể bỏ”.
Chính vì thế, mối quan hệ giữa giấy khai sinh và thẻ CCCD tiếp tục là mối quan tâm lớn về hai Dự thảo Luật này. Theo ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, không quá chú trọng đến việc cấp “giấy khai sinh hay thẻ CCCD cho trẻ em khi được sinh ra” vì cho rằng, đó chỉ là hình thức Nhà nước công nhận việc đăng ký khai sinh của một công dân, trong khi đa số tán thành “tích hợp” giấy khai sinh vào thẻ CCCD vì sự tiện ích cho người dân.
Ngược lại, ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - lại cương quyết “bảo vệ” sự tồn tại của “các loại giấy tờ đặc thù như giấy khai sinh vì quyền của người dân là được cấp giấy khai sinh, chứ không thể bảo có thẻ CCCD là không cấp giấy khai sinh”. Còn ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó Trưởng ban Nội chính TƯ - nhấn mạnh: “Việc cấp thẻ CCCD không thể thay thế việc đăng ký khai sinh trong sổ hộ tịch do ngành Tư pháp quản lý”.
Chấp nhận một qui trình “ngược”
Qui trình này được Chủ tịch Quốc hội chỉ ra từ qui định của hai Dự thảo Luật là việc người dân phải đi đăng ký khai sinh, song mới đi xin cấp số định danh và làm thẻ CCCD, trong khi theo chiều thuận thì người dân chỉ cần có giấy chứng sinh, đến cơ quan có thẩm quyền lấy số định danh là được cấp thẻ CCCD và cập nhật thông tin đăng ký khai sinh. Nhưng trong điều kiện hiện nay “buộc phải chấp nhận” - lãnh đạo Quốc hội thừa nhận.
Song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt lưu ý, đây là bước đổi mới về thể chế quản lý dân cư nên quan trọng phải làm rõ các vấn đề, tính khả thi và mối quan hệ giữa các yếu tố liên quan để “đổi mới phải chắc chắn, nếu trục trặc thì không phải là đổi mới”, tránh tình trạng có Luật mà không thi hành được.
Trước những tranh luận trong UBTVQH về việc cơ quan nào “nắm giữ” CSDLQG về dân cư, về nguồn thông tin của CSDLQG này..., ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - cho rằng, nếu qui định để các cán bộ như cán bộ hộ tịch trực tiếp cập nhật thông tin lên CSDLQG về dân cư thì “sẽ không còn tình trạng nặng nề Bộ nào làm, Bộ nào cấp, quản lý CSDLQG về dân cư”.
Tán thành cách tiếp cận này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, quan trọng nhất là các thông tin của người dân phải được cập nhật trực tiếp kịp thời lên CSDLQG về dân cư và các cơ quan nhà nước phải dựa vào đó để chuẩn bị sẵn, khi dân có yêu cầu là đáp ứng như việc cấp thẻ CCCD. “Phục vụ dân phải thế, không được qui định phức tạp lên” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Làm rõ thêm về mối quan hệ giữa CSDL về hộ tịch và CSDLQG về dân cư, trong đó có việc bảo mật thông tin cá nhân, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, CSDL về hộ tịch chứa khoảng 85 trường thông tin, được cập nhật trong suốt cuộc đời từ khoảng 10 trường thông tin ban đầu. CSDL về hộ tịch sẽ chia sẻ khoảng 20 trường thông tin có thể công khai trong CSDLQG về dân cư, các thông tin khác chỉ được cấp cho người có thẩm quyền. Hiện 1/3 tỉnh, thành phố đã xây dựng CSDL về hộ tịch nên cần tiếp tục xây dựng CSDL này để không lãng phí.
Tại Phiên họp thứ 29 diễn ra trong 3 ngày (14-16/7), UBTVQH cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến về một số nội dung cơ bản định hướng việc xây dựng Dự án Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân, một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của các Dự án Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; giải thích Khoản 4 Điều 7 Luật Quảng cáo (qui định về sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo).