Những thành tựu xóa đói giảm nghèo
Vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên nước ta, là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 dân tộc anh em. Do địa hình hiểm trở nên vùng DTTS và miền núi thường xuyên chịu ảnh hưởng và tác động lớn của thiên tai, lũ lụt, môi trường sinh thái suy thoái, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao so với bình quân chung cả nước.
Khoảng cách chênh lệch về mức sống, trình độ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giữa các dân tộc, giữa các vùng ngày càng gia tăng, chất lượng hiệu quả về giáo dục đào tạo còn thấp, công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con gặp nhiều khó khăn, tình trạng du canh, du cư, di cư tự do vẫn còn diễn biến phức tạp, bản sắc văn hóa bị mai một. Các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, duyên hải miền Trung hạ tầng KT-XH thấp kém, kinh tế chậm phát triển, là “lõi nghèo” của cả nước.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, từng bước phát triển mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh cho vùng DTTS và miền núi. Trong đó, có Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc. Sau 5 năm thực hiện Nghị định, cả nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Cơ sở hạ tầng từng bước được tăng cường, cải thiện, đặc biệt là các công trình như đường giao thông nông thôn, cầu dân sinh, điện, thủy lợi, trạm y tế, nhà văn hóa, trường học… ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi.
Trong giai đoạn 2011-2015, ngân sách nhà nước đã đầu tư 135.879,5 tỷ đồng, chiếm 12,8% kinh phí đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, kinh phí bố trí thực hiện 9 chính sách, chương trình do Ủy ban Dân tộc quản lý là 27.144 tỷ đồng, chiếm 2,55% kinh phí đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 135, chính sách di dân, định canh, định cư, chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ chăm sóc, giao khoán bảo vệ rừng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Như Chương trình 135 giai đoạn 3: Năm 2012-2013 được thực hiện trên địa bàn 1.723 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và 2.701 thôn đặc biệt khó khăn của các xã khu vực II. Ngân sách trung ương đầu tư hỗ trợ thực hiện trong 2 năm là 4.984,2 tỷ đồng.
Giai đoạn 2014-2015 thực hiện trên địa bàn 2.331 xã và 3.059 thôn đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn 415 huyện, 52 tỉnh trong đó gồm 1.729 xã đặc biệt khó khăn, 412 xã biên giới và 190 xã an toàn khu. Ngân sách trung ương đầu tư hỗ trợ 12.100 tỷ đồng bằng 64,3% theo định mức được phê duyệt. Đầu tư gần 20.000 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu gồm đường giao thông, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng và chợ nông thôn, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng DTTS và miền núi. Đến hết năm 2015, có 80 xã đặc biệt khó khăn (của 23 tỉnh) và 366 thôn, bản (của 30 tỉnh) hoàn thành mục tiêu của Chương trình 135.
Qua đó, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới được nâng lên, ngày càng ổn định, diện mạo vùng DTTS và miền núi từng bước được thay đổi căn bản.
Vùng “lõi nghèo” nhiều khởi sắc
Giai đoạn 2011-2014, cả nước giải quyết việc làm trong nước cho 732.000 lao động, trong đó giải quyết việc làm cho khoảng 70.000 lao động là người DTTS. Hỗ trợ bảo hiểm y tế 100% cho người nghèo, đồng bào DTTS sinh sống vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo, người DTTS được thanh toán các khoản chi phí điều trị cao, được sử dụng nhiều dịch vụ y tế, chỉ định thuốc và xét nghiệm cận lâm sàng rộng hơn. Đến năm 2013, 80% số thôn bản đã có nhân viên y tế, 74,9% số xã có bác sỹ, từng bước củng cố và hoàn thiện mạng lưới cơ sở y tế, trang thiết bị kỹ thuật, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của đồng bào DTTS.
Hiện nay, 50 tỉnh, thành trong cả nước có 308 trường phổ thông dân tộc nội trú, với 88.247 học sinh, 26 tỉnh có 876 trường phổ thông dân tộc bán trú với 140.849 học sinh. Cả nước có 5 trường dự bị đại học và 4 khoa dự bị đại học dân tộc thuộc 4 trường đại học với quy mô hơn 3.000 học sinh/năm. Giai đoạn 2011-2014, các trường dự bị đại học tuyển sinh được 18.686 học sinh dự bị, đạt 99,1% chỉ tiêu được giao. Số lượng học sinh được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng là 8.681 em, đạt tỷ lệ hơn 90% chỉ tiêu được giao.
Từ năm 2011-2013, 29 trường phổ thông dân tộc nội trú được xây dựng mới với hơn 2.000 hạng mục công trình. 100% số xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, trong đó 84,6% trường, lớp học được xây dựng kiên cố, không còn tình trạng xã trắng về giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo duy trì dạy 7 thứ tiếng DTTS là Chăm, Khmer, Êđê, Bahnar, Jrai, Mông, Hoa, bồi dưỡng 19 thứ tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức các vùng DTTS, miền núi tại 28 tỉnh, góp phần thiết thực vào việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết: “5 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn các chương trình, đề án, dự án đảm bảo hệ thống chính sách dân tộc được triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả; từng bước thay đổi cách thức tiếp cận trong xây dựng cơ chế chính sách theo hướng: chuyển dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, hỗ trợ người dân tự vươn lên thoát nghèo, tích hợp dần các chính sách vào các chương trình mục tiêu quốc gia với cơ chế quản lý thống nhất, tập trung nguồn lực; phân cấp mạnh cho địa phương và thể hiện rõ tính công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện chính sách.
Những kết quả trên khẳng định sự đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả và tính khả thi của Nghị định 05/2011/NĐ-CP, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy nội lực của các DTTS, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh; cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên, diện mạo vùng DTTS và miền núi đã thay đổi căn bản theo hướng tích cực”.