Tạo tâm lý thoải mái cho học sinh
Khi học sinh quay trở lại trường, nhiều giáo viên tiểu học không vào bài ngay mà trò chuyện, cùng các em kể về quãng thời gian ở nhà tránh dịch. Nhiều giáo viên tìm cách khơi gợi kỷ niệm của học kỳ 1 như bài đã học bài hát, bài múa nào. Nếu lỡ học sinh quên bài thì giáo viên cũng động viên các em cố gắng hơn.
Cô Nguyễn Phạm Ngọc Hà - Khối trưởng khối 1, Trường tiểu học Lý Cảnh Hớn, Quận 5, TP HCM - chia sẻ: "Các em nghỉ ở nhà quá lâu, tâm lý không muốn đi học là điều đương nhiên. Thường trong những trường hợp này, tôi sẽ phối hợp với phụ huynh, nhờ họ nhắc các con rằng cô giáo nhắn đến ngày đó sẽ quay lại trường, cô rất nhớ các con. Ngoài ra, tôi cũng trò chuyện với các con về thời gian ở nhà đã làm gì, làm việc tốt ra sao”.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Long Quân, Quận 11, TP HCM thông tin: "Khi họp giáo viên để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, chúng tôi luôn nhắc các thầy cô phải linh động và hiểu tâm lý học sinh. Có thể vài ngày đầu đến trường sẽ có một số bé đi học trễ hoặc vô lớp thì mệt mỏi, ngáp ngắn ngáp dài do tối hôm trước đi ngủ trễ. Thấy vậy giáo viên cũng đừng la mắng các em mà cần hỏi han, gần gũi và nhắc nhở để các em đi ngủ sớm hơn.
Tôi cũng lưu ý các giáo viên không tạo áp lực học tập cho học sinh trong những buổi học đầu tiên mà chỉ ôn tập kiến thức và rèn nề nếp sinh hoạt để học sinh cảm thấy yêu trường, yêu lớp trở lại".
“Làm đẹp” cho học sinh
Với cô Nguyễn Thị Thu Ba - Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) giờ đây bận rộn hơn với công việc “làm đẹp” cho các em học sinh.
Cô Thu Ba cho biết, sau kì nghỉ dài, các em học sinh ở các thôn, nóc xa trở lại trường em nào móng tay, tóc cũng dài ra. Thấy vậy nên cô “trổ nghề”, cắt tóc và móng tay cho các em gọn gàng. Cắt xong, cô lại dẫn các em đi tắm gội cho sạch sẽ.
Cô giáo "làm đẹp" cho học sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập. |
Cô Thu Ba chia sẻ, do cha mẹ các em đi làm rẫy, không có thời gian, ít quan tâm đến con cái và nhất là không có chỗ cắt tóc nên tóc các em cứ thế dài ra. Còn móng tay chân, nếu dài quá thì bố mẹ dùng dao cắt cho con.
Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Trà Don (xã Trà Don, huyện Nam Trà My) cho biết, ở vùng cao, mỗi lần cắt tóc là phải xuống tới trung tâm huyện, phải đi bộ cả ngày đường vì ở các thôn, nóc hay trung tâm xã đều không có tiệm cắt tóc. “Đặc biệt mỗi lần cắt tóc là tốn 20 ngàn nên học sinh “nhác” cắt tóc, do đó giáo viên phải cắt cho các em”, thầy Chín nói.
Đi 20km mỗi ngày dạy cho 6 học sinh khu cách ly
Trường THPT Quốc Thái (huyện An Phú, An Giang) tổ chức "lớp học đặc biệt" cho 6 em học sinh từ Campuchia tình nguyện về Việt Nam cách ly để học tiếp chương trình lớp 12. Hằng ngày trường tổ chức cho giáo viên đi khoảng 20km từ trường đến trường thị trấn An Phú để dạy học buổi sáng cho các em.
Giáo viên trường THPT Quốc Thái đi 20km mỗi ngày đến khu cách ly dạy cho học sinh. Ảnh Tuổi trẻ. |
Theo ông Trương Phú Vĩnh - Hiệu trưởng Trường THPT Quốc Thái, trường có 69 em học sinh Việt kiều từ Campuchia theo học tại các khối lớp của trường. Riêng khối 12 có 21 em theo học nhưng chỉ có 6 em tự nguyện đăng ký về cách ly, đa số các em này là học sinh thuộc diện học lực trung bình, khá.
"Khi nào hết cách ly trường sẽ dạy bổ sung 2 buổi/ngày. Còn hiện tại giáo viên vừa dạy trực tuyến vừa dạy thêm ở trường nên các thầy cô cũng gặp khó khăn. Dù vậy, chúng tôi cũng vận động giáo viên cố gắng đi dạy trong khu các ly cho các em đủ kiến thức vì từ Trường THPT Quốc Thái xuống điểm cách ly hơn 20km", ông Vĩnh nói.