Tài liệu học tập gây tranh cãi
Đây không phải trường hợp hiếm gặp. Hơn một năm qua, không ít đề thi văn và tác phẩm văn học được một số nhà trường giới thiệu đã khiến phụ huynh “toát mồ hôi hột” khi xem. Nhiều trường đã sử dụng những tài liệu không rõ nguồn gốc trích dẫn trên mạng internet, tài liệu có chứa từ ngữ thô thiển, thiếu giá trị thẩm mỹ, đề thi phi logic, sai với định hướng thể loại văn học.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có sự thay đổi so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006, lấy người học làm trung tâm để phát triển phẩm chất và năng lực. Điểm đối mới trong môn Ngữ văn đó là sử dụng các ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để thi cử, đánh giá. Điều này một mặt giúp học sinh phát triển tư duy, cảm thụ văn học, tránh học vẹt, học thuộc lòng. Mặt khác, cũng đòi hỏi giáo viên phải thận trọng, xem xét kỹ càng khi lựa chọn tài liệu. Bởi việc lựa chọn những tác phẩm, tài liệu ngoài sách giáo khoa vừa là một “cánh cửa mở” để học sinh, giáo viên tiếp cận với sự đa dạng, phong phú của kiến thức, nhưng nếu lựa chọn sai ngữ liệu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người học và người dạy.
Cô giáo Trần Thị Hương Ly (cựu giáo viên Ngữ văn Trường THCS Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, học sinh đọc các tác phẩm văn học cũng giống như xem phim ảnh, nghe nhạc đều tác động đến tâm sinh lý của các em: “Trong độ tuổi dậy thì, khi đọc sách, xem phim các em có khuynh hướng bắt chước, hâm mộ, thích thú nhân vật, nội dung câu chuyện. Một tác phẩm hay, có ý nghĩa, giá trị nhân văn, ngôn từ đẹp đẽ có thể làm phong phú tâm hồn, trí tưởng tượng của các em. Ngược lại, những tác phẩm u ám, gợi dục, bạo lực có thể ảnh hưởng đến tâm tính, suy nghĩ của học sinh”.
Cô Ly nhấn mạnh, hiện tại, văn học phát triển rất đa dạng, phong phú, đặc biệt văn học nước ngoài. Vì vậy, cần lựa chọn tác phẩm gắn mác đúng theo lứa tuổi của học sinh, đây là điều các nhà xuất bản cần hỗ trợ nhà trường, giáo viên để tránh những “tai nạn” trong việc giảng dạy.
Cần hiểu rõ khả năng tiếp nhận của học sinh
Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Thu Huyền, giáo viên Ngữ văn, Hệ thống giáo dục Đa Trí Tuệ cho biết: “Một tác phẩm văn học hay được nhiều giải thưởng, các nhà phê bình trên thế giới đánh giá cao, không có nghĩa sẽ phù hợp hoàn toàn với tất cả các học sinh. Hầu hết, những tác phẩm này đều có ý nghĩa ở tầm vĩ mô, sâu sắc và nhiều tầng lớp ẩn dụ. Ở độ tuổi 12 - 18, rất ít em có kiến thức xã hội phong phú, suy nghĩ chín chắn để chiêm nghiệm cuộc đời, lý giải hình tượng mang ý nghĩa ẩn dụ lớn lao về thân phận, số phận con người”.
Cô Huyền cho biết, học sinh đang ở trong độ tuổi dậy thì, các em rất tò mò, đặc biệt về những vấn đề nhạy cảm. Vì vậy, khi dạy một tác phẩm văn học, nếu không cẩn thận trong việc lựa chọn ngữ liệu, thì dù tác phẩm có hay đến mấy, cũng sẽ bị học sinh hiểu sai lệch theo nghĩa dung tục. Thậm chí, nhiều em còn lấy đó làm lý do, ngụy biện cho những hành động thiếu chín chắn của mình.
Theo cô Huyền, giáo viên cần phải hiểu rõ tâm, sinh lý của học sinh và tầm tiếp nhận văn học của đại bộ phận học sinh trong lớp, để lựa chọn ngữ liệu phù hợp nhất: “Quan trọng nhất của việc học Ngữ văn ở phổ thông là giúp các em nhận diện được những thể loại cơ bản, cách sử dụng trau chuốt tiếng Việt và bồi dưỡng năng lực tự cảm thụ văn học. Cho nên, giáo viên nên tránh chọn những tác phẩm quá khó, quá dài, mà ưu tiên những truyện ngắn, trích đoạn đơn giản, dễ hiểu, đúng trọng tâm thể loại và rõ nguồn gốc, bản dịch để tránh cung cấp tư liệu sai lệch. Chỉ cần học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản, các em hoàn toàn có khả năng sáng tạo và tự tìm hiểu thêm, bởi vì học tập là một con đường lâu dài”.