Thất nghiệp vì vào - ra như nhau
Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động quý III/2015, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn duy trì ở mức cao với 76,4%. Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ngày càng cao và khá ấn tượng, đặc biệt lần đầu tiên Việt Nam đã tham dự kỳ thi tay nghề thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tỷ lệ lao động thất nghiệp đã giảm nhưng vẫn đáng lo ngại. Quý III/2015, cả nước có 1.128,7 nghìn người trong độ tuổi lao động đang bị thất nghiệp, dù đã giảm 15,9 nghìn người so với quý II.
Nhóm người có trình độ cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) trở lên vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và có xu hướng tăng. Cụ thể, nhóm có trình độ CĐ nghề tăng từ 4,7% lên 7,9%, CĐ chuyên nghiệp tăng từ 6,7% lên 7,9%, ĐH trở lên tăng từ 4,6% lên 4,8%.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp cao ở nhóm có trình độ CĐ, ĐH trở lên cho thấy cung và cầu của nhóm này tiếp tục bất cập, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp cao và gia tăng nhanh chóng ở nhóm thanh niên cho thấy cần tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh niên đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng lỗi chủ yếu nằm ở người lao động (cử nhân ra trường) không căn cứ vào năng lực để chọn học ngành phù hợp, hoặc trong quá trình học tập thì không chuyên tâm, chuyên sâu để khi ra trường có đủ năng lực, phẩm chất.
TS Lâm nhấn mạnh, trong thời buổi cạnh tranh, muốn có việc làm thì bắt buộc phải có năng lực, chỉ có như vậy nhà tuyển dụng họ mới lựa chọn. Còn nếu cứ học theo kiểu phổ thông, học chỉ để lấy bằng thì thất nghiệp là điều dễ hiểu.
Đồng thời, do nền giáo dục của ta đi ngược so với thế giới vì hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm soát đầu vào rất chặt chẽ nhưng đầu ra lại không kiểm soát, thể hiện qua con số 100% đầu vào, qua 4 năm sẽ ra 100%. Vậy thì làm sao mà đảm bảo chất lượng.
Trong khi các nước trên thế giới họ không quan tâm việc học thế nào để vào trường nhưng khi muốn ra thì bắt buộc phải đảm bảo chất lượng thì mới cho ra.
Không phải kiếm được gì mà học được gì
Vừa qua, trên trang cá nhân, ông Nguyễn Bá Ngọc - Chủ tịch Công ty NBN Media chia sẻ: “Có câu đùa mà giờ ai cũng biết: “Hãy theo đuổi đam mê. Nợ nần sẽ đeo đuổi bạn”. Chuyện đơn giản thôi, các bạn hãy chịu khó chút, đi từ đáy tháp, tu tập, trang bị kinh nghiệm và kiến thức, tự lo được cho bản thân các nhu cầu thiết yếu hàng ngày như ăn, mặc, chỗ ở... đỡ cha mẹ đi rồi hẵng leo dần lên, đâu có muộn.
Còn đằng này chưa lo nổi ly cafe sáng mà đã đòi chễm chệ ngay trên đỉnh tháp Maslow thì quả là điều không tưởng... Hãy tỉnh lại và leo xuống đi, các bạn đang say sưa giấc nồng”.
Có thể nói, một trong những lý do thất nghiệp của người trẻ là bởi họ đều muốn có ngay một công việc ổn định, xứng tầm. Tuy nhiên, thực tế thì không hẳn như vậy. Từng là sinh viên, anh Đỗ Huy Hiệu - Giám đốc Công ty TNHH Bransons cho biết, cách đây 7 năm, anh đi phỏng vấn xin việc và bị đuổi “từ vòng gửi xe”, vì không biết công việc đó là gì.
Do đó, các bạn trẻ phải tìm hiểu kỹ về công việc muốn làm, công ty muốn gắn bó. Chìa khóa thành công của vị giám đốc trẻ là tập trung, mục tiêu (biết mình muốn gì), học hỏi, chuyên nghiệp, đam mê, hành động.
Theo anh Hiệu, 4 năm sinh viên là thời gian vàng nên các bạn trẻ ngủ ít thôi, dành nhiều thời gian để học. “7 năm trước, tôi ngủ 3 tiếng một ngày. Các bạn nên ngủ ít hơn để nghĩ đến tương lai của mình. Việc học mọi lúc, mọi nơi sẽ giúp người trẻ được nhiều thứ trong tương lai” - anh Hiệu khuyên.
Trong khi đó, anh Vũ Anh Long - Chủ tịch CLB Hãy cùng hát vang cho rằng, biết lắng nghe và học hỏi là một trong những điều giúp bạn trẻ thành công. Còn theo bà Nguyễn Thị Huế - Giám đốc Công ty EZ, cựu sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội, hãy khát khao, kiên nhẫn và “điên cuồng” tạo khác biệt, thành công sẽ đến với bạn.
Đứng ở vị trí nhà tuyển dụng, bà Nguyễn Thị Huế cho biết, ưu tiên tuyển dụng lao động theo tiêu chí sức trẻ, nhiệt huyết, khát vọng làm giàu.
“Câu hỏi tôi đặt ra với bạn trẻ là có mong muốn bán hàng, kiếm tiền và thành công không? Bạn có dám thức khuya, dậy sớm, làm cả chủ nhật không?”, nữ Giám đốc nói.
Còn anh Đỗ Huy Hiệu lại đánh giá cao những người cầu tiến. “Nếu có hai người, một có bằng xuất sắc nhưng chưa có kinh nghiệm, một giàu kinh nghiệm nhưng bằng không giỏi đến xin việc, tôi sẽ chọn người cầu tiến. Tôi không muốn tuyển những người mà phải giám sát, không biết tự tìm việc khi không được chỉ dẫn.
Bạn nào mang cái tôi quá cao, không có mục tiêu học hỏi thì dù có bằng tốt nghiệp loại giỏi, tôi cũng không nhận” - anh Hiệu nêu quan điểm.
Anh cũng khuyên sinh viên, nếu muốn ra trường có việc làm tốt thì ngay từ thời điểm này hãy xách ba lô lên và đi tìm việc. “Hãy làm bất cứ công việc gì ở nơi bạn muốn gắn bó sau khi ra trường. Có thể đó chỉ là lao công hay làm không lương.
Tôi từng làm lao công ở công ty sau này tôi làm việc. Các bạn hãy xác định không phải kiếm được gì mà học được gì từ công việc đó”, giám đốc này nói.
Mặt khác, anh Hiệu cũng khuyên các bạn trẻ hãy học ĐH cho giỏi vì doanh nghiệp nào cũng cần người giỏi. “Đừng vội bi quan mà hãy loại tư duy bỏ học để đi làm, chỉ nên làm thêm thôi”.
Về vấn đề đi làm khi còn là sinh viên, bà Nguyễn Thị Huế khẳng định, đây là thời gian vàng để thử mà chưa cần quan tâm nhiều đến thành công hay thất bại.