Kiến nghị xử lý 269 tập thể và cá nhân vi phạm
Quý I/2021, toàn ngành thanh tra đã tiến hành 1.644 cuộc thanh tra hành chính và 35.614 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã chấn chỉnh sai phạm trong quản lý, kiến nghị việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế số tiền 95.984 tỷ đồng (thanh tra chuyên ngành phát hiện 92.851 tỷ đồng) và 772 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước số tiền 5.002 tỷ đồng. Ban hành 18.911 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 992 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 269 tập thể; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 10 vụ việc, 5 đối tượng.
Cụ thể, tổng hợp kết quả từ 673 cuộc thanh tra đã kết luận, phát hiện sai phạm về kinh tế số tiền 3.133 tỷ đồng và 772 ha đất; trong đó, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 2.040 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 269 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 10 vụ việc, 5 đối tượng.
Lực lượng thanh tra chuyên ngành tiến hành 35.614 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của 80.581 tổ chức, cá nhân, phát hiện 23.168 tổ chức, cá nhân có vi phạm với tổng số tiền 92.851 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 2.962 tỷ đồng; đã ban hành 18.911 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 992 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 1.542 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, đã thu hồi số tiền là 1.698 tỷ đồng, đạt 63%. Qua đôn đốc, kiểm tra, các cơ quan có thẩm quyền đã xử lý hành chính 211 tổ chức, 592 cá nhân.
Các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã giải quyết 4.831 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền. Qua đó, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân 23 tỷ đồng, 1 ha đất; trả lại quyền lợi cho 189 người, kiến nghị xử lý 83 người.
Trong công tác PCTN, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, lãng phí, đã mở 6.651 lớp cho 284.412 lượt cán bộ, nhân dân; xuất bản 60.953 đầu sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật về PCTN.
Ngành thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đôc các ngành, các cấp thực hiện giải pháp phòng ngừa tham nhũng; kiểm tra tại 1.084 cơ quan, tổ chức, đơn vị về thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động. Công bố, công khai theo quy định của pháp luật kết quả kiểm tra, thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN.
Đặc biệt, có 7 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, đã xử lý 5 người, tiến hành chuyến đổi vị trí công tác 1.118 cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng. Qua tự kiểm tra nội bộ và hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo phát hiện 9 vụ, 12 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.
Ban hành 3.063 văn bản, sửa đối, bổ sung 402 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành trên 400 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 38 vụ việc vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường gần 25 tỷ đồng.
Thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm
Về phương hướng quý II/2021, Thanh tra Chính phủ cho biết, toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2021; tập trung ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp.
Chú trọng thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm và khi đuợc giao; trong quá trình thanh tra nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì đề xuất chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình thanh tra mới chuyển. Thanh tra lại theo quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tăng cường phối hợp để hạn chế và xử lý kịp thời chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch thanh tra năm 2021; tăng cường công tác giám sát, thấm định và xử lý sau thanh tra...
Về công tác tiếp công dân, phối hợp thực hiện các kế hoạch về tiếp công dân, giải quyết KNTC, nhất là phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; đảm bảo an ninh trật tự tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và TPHCM.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 363 của Thanh tra Chính phủ, trước mắt, tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm nhũng vụ việc phức tạp, kéo dài đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tập trung thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2021 và các cuộc thanh tra đột xuất (nếu có) do Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và Thủ tướng Chính phủ giao; tăng cường mối quan hệ phối họp giữa Thanh tra Chính phủ với các cơ quan liên quan trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về các vụ việc tham nhũng…
Thanh tra quản lý đất đai toàn diện 26 tỉnh, thành
Tổng cục Quản lý Đất đai cũng đã lập kế hoạch kiểm tra vấn đề quản lý đất đai tại 26 tỉnh thành. Trong đó tại 13 tỉnh gồm Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bình Định, Kon Tum, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An sẽ kiểm tra trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép; việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa; việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện các dự án tại địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ trước 1/7/2014.
Tại Hà Nội, Tổng cục này sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; kiểm tra việc quản lý sử dụng đất tại một số dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Tại TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ kiểm tra các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép; việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa; việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện các dự án tại địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ trước 1/7/2014. Ngoài ra, kiểm tra việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại một số dự án phát triển nhà.
Tại Bình Thuận, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra việc thực hiện công tác định giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phát triển quỹ đất. Tại Hải Phòng sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo đại diện Bộ TN-MT, Bộ cũng đã yêu cầu Tổng cục Quản lý Đất đai phải kiểm soát chặt chẽ các vấn đề liên quan đến tình trạng sốt đất.