Tháng 7 về….

Chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ” được đoàn viên, thanh niên hưởng ứng nhiệt tình. (Nguồn: Đoàn Thanh niên.vn)
Chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ” được đoàn viên, thanh niên hưởng ứng nhiệt tình. (Nguồn: Đoàn Thanh niên.vn)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”, có những cuộc chia ly để trở về, cũng có cuộc chia ly là vĩnh viễn. Đó là người mẹ đau đáu đợi con về, những người con chưa bao giờ biết mặt bố, người em lặng lẽ lưu giữ các kỷ vật.

Chúng tôi chưa bao giờ quên

Bốn mươi tám năm sau khi cuộc chiến kháng chiến chống Mỹ kết thúc, nhưng gia đình của Nguyễn Thị Thủy Tiên chưa bao giờ quên nỗi đau mất đi người thân. Từ nhỏ, Thủy Tiên (sinh năm 1999), đã được ông nội kể về những ông trẻ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ: “Ông nội tôi là con trai út trong gia đình, trên ông còn một người chị gái và bốn anh trai. Cả bốn người đều đã mất trong cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngay cả cụ nội cũng hy sinh khi ông của tôi mới được ba tuổi, cả cuộc đời ông chưa bao giờ biết mặt bố của mình”.

Đối với Thủy Tiên, cô nhớ nhất là ông trẻ Nguyễn Ngọc Hoàn, ông sinh năm 1934, thuộc đơn vị C3 Tiểu đoàn 607, quân của Huyện đội tỉnh Ninh Thuận. Ông nhập ngũ từ rất sớm, khoảng mười bảy, mười tám tuổi, sau khi kháng chiến chống Pháp kết thúc, ông vẫn ở trong quân ngũ. Năm 1964, ông về quê nghỉ phép, lấy vợ và có một người con, sau đó lại tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ: “Năm 1965, ông tái ngũ, đó cũng là lần cuối cùng ông nội của tôi được nhìn thấy anh trai. Ông ra đi vào ngày 18 tháng 2 trong trận Mậu Thân năm 1968, thọ 33 tuổi, từ đó đến giờ, gia đình chúng tôi chưa bao giờ tìm được hài cốt của ông”.

Cũng giống như gia đình của Thủy Tiên, Nguyễn Thị Hồng (xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng), từ khi còn thơ ấu đã được bà nội kể lại câu chuyện về người bác đã hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước: “Bác tôi tên Nguyễn Viết Thắng, ông sinh vào năm 1950, nhập ngũ từ khi rất trẻ, lúc đó bố tôi còn quá bé để nhớ rõ mọi thứ. Gia đình chúng tôi không biết bác hy sinh ở đâu, chỉ nghe những người đồng đội cũ kể lại, ông mất ở trong chiến trường tại miền Trung, vào lúc quân địch tấn công đất nước Việt Nam ác liệt nhất”. Hiện nay, dù đã đi đến nhiều nơi để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, nhưng gia đình của Hồng vẫn chưa có tin tức về ông Nguyễn Viết Thắng.

Nguyễn Thị Hồng cho biết, dù hàng chục năm trôi qua, nhưng cô không bao giờ quên gương mặt của bà nội khi nhắc về người con trai đầu đã mãi mãi nằm lại chiến trường lạnh giá: “Tôi nghe kể, bác của tôi là một người hiền lành, tốt bụng. Ông mất cha từ sớm, rất thương và hiếu thảo với mẹ. Khi ở chiến trường, ông được đồng đội yêu mến, có nhiều người thân thiết với ông. Chính vì vậy, sau khi đất nước hòa bình, một số đồng đội cũ đã gặp gia đình và hỗ trợ chúng tôi tìm kiếm hài cốt của ông”. Tuy nhiên, khi đó gia đình không có đủ điều kiện cũng như thông tin chính xác để tìm kiếm di hài và đưa ông trở về, đây luôn là nỗi ân hận trong lòng bố và các chú, các bác của Hồng.

Dù chiến tranh đã qua đi, nhưng những câu chuyện vẫn được kể lại cho thế hệ sau. (Ảnh liệt sĩ Nguyễn Ngọc Hoàn, nguồn: NVCC)

Dù chiến tranh đã qua đi, nhưng những câu chuyện vẫn được kể lại cho thế hệ sau. (Ảnh liệt sĩ Nguyễn Ngọc Hoàn, nguồn: NVCC)

Không chỉ có cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, mà nhiều người con còn được cha mẹ kể lại về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 và chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978. Lê Long Vỹ (sinh năm 1998, Cầu Giấy, Hà Nội) kể lại câu chuyện của bố và người bác hàng xóm: “Bố tôi tên là Lê Mạnh Tăng, Sư đoàn 338, Quân đoàn 14, đóng quân ở Đình Lập, Lạng Sơn. Ông tham gia vào chiến tranh biên giới năm 1979, khi đó, ông mới mười tám, đôi mươi. Bố tôi ít khi nhắc về chiến tranh, ông chỉ nói rằng đó là một cuộc chiến ác liệt, rất nhiều người đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc”.

Bố Long Vỹ may mắn khi được chuyển về bộ phận Thông tin liên lạc, tại đây, công việc của ông chủ yếu là truyền thông tin, tín hiệu, phối hợp tác chiến chiến lược với những lực lượng trực tiếp đánh trận. Vỹ chia sẻ: “Bố tôi kể lại, năm đó, trong làng, có chín người nữa cùng tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc với ông, nhưng khi quay trở về chỉ còn hai người, trong đó có bố tôi. Ông lành lặn khi quay về, nhưng người đồng đội còn lại của bố thì hiện tại vẫn mắc bệnh tâm thần”.

Không chỉ có chiến tranh biên giới năm 1979, làng Duệ Tú (Hà Nội) của Nam còn có nhiều người đã tham gia chiến tranh Tây Nam năm 1978, chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot. Đó là cựu chiến binh Nguyễn Văn Kế, Long Vỹ nhớ nhất người hàng xóm này, bởi ông thường xuyên kể các câu chuyện xưa cũ trong chiến tranh cho những đứa trẻ hàng xóm nghe: “Ông Kế từ chiến trường quay về, nhìn rất bình thường, ông vẫn sinh hoạt như bất cứ ai trong làng. Tuy nhiên, ông Kế có một ký ức không bao giờ phai mờ, một nỗi ám ảnh theo ông suốt cả cuộc đời”.

Vỹ chia sẻ, ông Nguyễn Văn Kế may mắn khi có người bạn thân thiết trở thành đồng đội, hai người chung một đơn vị, cùng “vào sinh, ra tử” với nhau. Cho đến ngày, khi cả hai đang tham gia chiến đấu, ông Kế nghe thấy một tiếng súng nổ rất to, lúc quay lại thấy người bạn, người đồng đội ở bên cạnh đã hy sinh: “Tôi không bao giờ quên khuôn mặt của ông khi kể, đó là một nỗi đau, nỗi buồn vô tận sẽ đi theo ông Kế mãi mãi”, Long Vỹ nói.

Linh thiêng những ngày tháng 7

Đối với Nguyễn Thị Hồng, mặc dù chiến tranh chống Mỹ đã đi qua hàng chục năm, việc tìm được hài cốt của bác là vô cùng khó khăn, nhưng gia đình cô không bỏ cuộc, mà vẫn nỗ lực nhờ đồng đội cũ của bác và chính quyền hỗ trợ. Không chỉ có ngày 27/7 hàng năm, mà bất cứ lúc nào, gia đình của cô cũng nhớ tới người bác đã hy sinh: “Chúng tôi luôn hy vọng vào một ngày sớm nhất, sẽ có đủ cơ duyên để “đưa” bác quay về đoàn tụ với gia đình, an nghỉ bên bà nội”.

Bác của Hồng được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, vào ngày 22 tháng 7 năm 1987. Sau đó 33 năm, bà của cô là Đào Thị Cô được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” vào năm 2020. Có lẽ, nếu còn sống, bà sẽ rất mừng, vì đất nước và thế hệ đi sau không quên những hy sinh, mất mát mà các liệt sĩ đã dành cả mạng sống để dâng hiến. Nguyễn Thị Hồng tâm sự, dù chưa bao giờ được gặp bác Nguyễn Việt Thắng, nhưng cô vẫn luôn tự hào về bác của mình: “Qua những câu chuyện của bà nội và bố, bác đã gắn bó với tôi từ khi còn bé đến bây giờ. Có lẽ, bác Thắng là người giúp tôi hiểu được rằng cuộc sống không phải chỉ có nhận lại, mà đẹp hơn nữa là cho đi”.

Cứ đến ngày 27/7 hằng năm, Lê Long Vỹ lại thấy bố và người hàng xóm đi thăm đồng đội, để nhắc về các kỷ niệm xa xưa. Hôm nay, khi gặp ông Kế, anh lặng lẽ nhìn về phía người hàng xóm, ngậm ngùi chia sẻ, ông đang bị ung thư. Ông chiến thắng được kẻ địch, nhưng không bao giờ thắng được nỗi đau của mình. Cả cuộc đời ông luôn sống để tri ân cho người đồng đội đã hy sinh trong quá khứ, đến cuối đời ông tiếp tục chống chọi với căn bệnh ung thư do thể lực suy kiệt. Vỹ im lặng một hồi lâu, rồi nói: “Quá khứ luôn là một bài học cho hiện tại. Chiến tranh tàn khốc luôn để lại quá nhiều hậu quả đau lòng”.

Đối với người trẻ như Thủy Tiên, 27/7 là một ngày vô cùng ngày thiêng liêng. (Nguồn: NVCC)

Đối với người trẻ như Thủy Tiên, 27/7 là một ngày vô cùng ngày thiêng liêng. (Nguồn: NVCC)

Còn đối với gia đình Thủy Tiên, mỗi khi tháng 7 về, ông nội cô lại chìm trong trầm mặc nhớ về quá khứ, về bốn người anh đã ra đi mãi mãi trong chiến tranh: “Trên bàn thờ, chúng tôi chỉ có ảnh của ông Nguyễn Ngọc Hoàn, còn ba anh trai đầu của ông nội tôi đều được con cháu nhớ về bằng những cái tên, các ký ức mà ông thường kể lại cho mọi người”.

Ở nghĩa trang liệt sĩ xã Phú Cường, huyện Ba Vì, quê nhà của Thủy Tiên, cứ đến ngày 27/7 là mọi người lại thắp những nén hương, thay bó hoa tươi thắm cho các liệt sĩ. “Rất nhiều ngôi mộ liệt sĩ ở quê tôi là mộ gió, nhằm dịu đi phần nào nỗi đau của những gia đình đã mất đi thân nhân…”, Thủy Tiên cho biết, ở quê cô, người dân rất chú trọng ngày mất. Bởi ngày mất của mỗi người, không chỉ là dịp để thờ cúng, mà còn tưởng nhớ, làm sống lại những ký ức về một người từng hiện diện, hạnh phúc và đau buồn trong thế giới này.

Cô giở từng trang nhật ký của ông nội, mỗi trang đều ghi ngày sinh, tháng đẻ, những kỷ niệm mà ông cô cất giữ về mọi người trong gia đình: “Ông ghi rất chi tiết về cụ của tôi (tức bố ông nội) và các ông trẻ. Ông sợ rằng sau khi ông mất đi, con cháu trong nhà sẽ không còn ai nhớ về những anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, để đem lại cuộc sống bình an cho chúng tôi như hiện nay”. Vào ngày 27/7, cả gia đình cô lại ra nghĩa trang liệt sĩ, nơi họ sẽ dọn cỏ dại, lau mộ của những người ông, rồi cùng nhau đi trên con đường tràn ngập nắng và mùi cỏ tươi mát, để nhắc về câu chuyện ngày xưa - những ký ức vẫn còn nguyên ở đó...

Tin cùng chuyên mục

Trải qua gần 200 năm, Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn vẫn được gìn giữ, phát huy. (Ảnh: Alex Cao)

Đặc sắc Lễ hội đua thuyền tứ linh ở đảo Lý Sơn

(PLVN) - Lễ hội đua thuyền tứ linh là nét văn hóa truyền thống dân gian mang đậm bản sắc của cư dân huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Người dân Lý Sơn tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ cội nguồn tổ tiên, các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh đất đảo và đội hùng binh Hoàng Sa đã có công bảo vệ biên cương Tổ quốc cũng như cầu cho mưa thuận gió hòa, làng xóm yên bình, mùa màng tươi tốt.

Đọc thêm

Đình thần Đồng Nai – Lưu giữ những dấu chân mở cõi

Đình thần Đồng Nai – Lưu giữ những dấu chân mở cõi
(PLVN) -  Trong buổi đầu khẩn hoang, lập nghiệp tại phương Nam, những cư dân của đất Đồng Nai vẫn không quên tạo lập nên những cơ sở tín ngưỡng cộng đồng để đáp ứng nhu cầu tinh thần và tâm linh. Mỗi thôn, ấp đều có một ngôi đình, tọa lạc ở khu trung tâm, ở đầu làng - một dấu ấn xác định sự hình thành cộng đồng làng xã của người Việt từ hơn ba trăm năm trước.

Nghề gốm trang trí ở Biên Hòa – Dấu ấn trăm năm

Nghề gốm trang trí ở Biên Hòa – Dấu ấn trăm năm
(PLVN) - Sản phẩm gốm mỹ thuật Biên Hoà rất đa dạng và phong phú với góc độ nghệ thuật cao, đặc biệt là các tượng Phật hoặc hình tượng tranh Tứ Quý, Tứ Bình, Tứ Thời, Bát Tiên hoặc tranh dân gian. Hàng ra lò xuất cảng qua Pháp, Mỹ và không ít nước khác, bởi gốm mỹ nghệ Biên Hoà được nhiều nơi trên thế giới ưa chuộng, nhờ sắc thái men trầm lắng, đậm nét cổ kính phương Đông

Khát vọng vươn lên của Lâm Đồng qua lễ hội Festival Hoa lần thứ 10

Khát vọng vươn lên của Lâm Đồng qua lễ hội Festival Hoa lần thứ 10
(PLVN) - Không phụ lòng mong chờ, chương trình nghệ thuật đặc sắc đêm khai mạc lễ hội Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10- 2024 tối 5/12 đã mang đến cảm giác mãn nhãn cho của du khách, người dân xứ sở ngàn hoa. Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình, lễ hội là cơ hội để du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm những giá trị văn hóa - du lịch độc đáo, riêng có của Đà Lạt...

Nhà lầu ông Phủ hơn trăm năm bên dòng sông Đồng Nai

Nhà lầu ông Phủ hơn trăm năm bên dòng sông Đồng Nai
(PLVN) - Biệt thự cổ của đốc phủ Võ Thanh Hà được xây dựng cách đây hơn 102 năm là nơi lưu giữ những giá trị về lịch sử khẩn hoang của vùng đất Biên Hòa. Được coi là biệt thự cổ đẹp nhất Đồng Nai, đây không chỉ là di sản của dòng họ, căn nhà còn có giá trị văn hóa khi nằm trong cụm làng nghề truyền thống có tuổi đời trên 300 năm, đặc biệt là làng nghề đá Bửu Long.

Khai mạc Festival "Về miền ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản"

Chương trình nghệ thuật 'Đôi bờ Ví, Giặm' tái hiện không gian diễn xướng ví, giặm. Ảnh: PV
(PLVN) - Tối 27/11, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức Chương trình nghệ thuật cầu truyền hình trực tiếp "Đôi bờ ví, giặm" mở đầu chuỗi hoạt động Festival "Về miền ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản" nhân kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thừa Thiên Huế: Nhiều giải pháp bảo tồn nhà vườn, nhà rường cổ

Một số nhà vườn, nhà rường cổ ở Thừa Thiên Huế đang được trùng tu. (Ảnh: Thùy Nhung)
(PLVN) - Hệ thống nhà vườn, nhà rường cổ là tài sản quý giá góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa Huế. Trải qua hàng trăm năm chịu tác động từ thời tiết, thiên tai; kiến trúc một số nhà vườn, nhà rường cổ xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp bảo tồn đang được triển khai.

Khi bảo tàng, di tích “thổi hồn” vào lịch sử

Hiện nay, việc áp dụng công nghệ hiện đại, cách bài trí nghệ thuật đã và đang được nhiều bảo tàng, di tích áp dụng thành công. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Trong những năm gần đây, các bảo tàng, di tích lịch sử đã trở thành một điểm hẹn mới đầy hấp dẫn của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực sau các nỗ lực đổi mới, áp dụng công nghệ kỹ thuật của các bảo tàng, khu di tích.

Bữa cơm gia đình – thứ quý giá đang dần mất đi

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, có một điều tưởng chừng như đơn giản nhưng lại trở thành xa xỉ: một bữa cơm gia đình đúng nghĩa. Đó là lúc mọi người quây quần bên nhau, không công việc, không điện thoại, chỉ có sự chia sẻ, tiếng cười, và tình cảm chân thành.

Nghệ nhân dân gian Mã Văn Trực – Người giữ lửa truyền thống hát Then tại Bắc Kạn

Nghệ nhân dân gian Mã Văn Trực say sưa và tự hào khi chia sẻ về bộ môn nghệ thuật dân gian ông đã dành nhiều năm gắn bó (Ảnh: Thanh Tùng)
(PLVN) -  Giữa thăng trầm của cuộc sống, có một nghệ nhân vẫn lặng lẽ, bền bỉ giữ gìn và truyền lại những tinh hoa của loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này, đó là nghệ nhân dân gian Mã Văn Trực – người không chỉ đam mê hát Then, đàn Tính mà còn xem đây là sự nghiệp cả đời, là trách nhiệm và tình yêu với văn hóa dân tộc.