Các Star-up thiết thực, sát với thực tiễn hơn
Năm 2019 là năm tăng trưởng mạnh mẽ của khởi nghiệp Việt Nam với các thương vụ đầu tư công nghệ lớn đạt giá trị hơn 800 triệu USD. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, tình hình dịch bệnh đã thay đổi hoàn toàn bức tranh của đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại dịch cũng làm bộc lộ ra những hạn chế của nhiều DN, kể cả những DN đã lớn mạnh trên thế giới. Nhưng DN khởi nghiệp dường như có khả năng chống chịu ít hơn khi kinh tế trở nên bất ổn.
Đặc biệt, trong khi nhiều mô hình kinh doanh gặp bất lợi, thì một số mô hình kinh doanh và công nghệ lại trở nên hấp dẫn và tăng trưởng vượt bậc như: ứng dụng họp trực tuyến, ứng dụng giảng dạy từ xa, các mô hình kinh doanh thương mại, giao vận trực tuyến…
Phát biểu tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, năm nay, số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư cam kết tăng gấp rưỡi, số tiền cam kết tăng gần gấp đôi.
“Điều này cho thấy chúng ta có những thành công và tin rằng mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng “trong cái khó ló cái khôn”...” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, Việt Nam không có công nghệ tiên tiến nhất hay hệ thống y tế tốt như nhiều nước nhưng đã chống dịch hiệu quả bằng những giải pháp thiết thực.
“Các DN Start-up của Việt Nam đã thiết thực hơn, sát với thực tiễn hơn, dựa vào thị trường lớn ở trong nước, nhu cầu đa dạng, cụ thể của người dân để phát triển”- Phó Thủ tướng đánh giá.
Sẵn sàng cho chuyển đổi số
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai nhiều dự án, chương trình để đón bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp mới, tạo sân chơi, thị trường cho cộng đồng Start-up lớn mạnh. Từ phát triển hạ tầng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin đến mục tiêu mỗi người dân đều có điện thoại thông minh bằng cách phát huy sức mạnh của DN và cộng đồng để cung cấp điện thoại thông minh giá rẻ. Gần đây, nhiều nền tảng y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch,… đã ra đời.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, với cam kết của Trung tâm Đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia đồng hành cùng các Quỹ đầu tư, dự kiến trong giai đoạn tới sẽ hỗ trợ, đưa vào thị trường hàng tỷ USD đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, Trung tâm ĐMST Quốc gia trực thuộc Bộ này được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập để thực hiện vai trò chủ thể trong kết nối và thu hút các nguồn lực cho ĐMST. Bước sang năm 2020, Bộ tiếp tục đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định 94/2020/NĐ-CP về các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù cho Trung tâm nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động kết nối, thúc đẩy ĐMST của Trung tâm.
Tại Hoà Lạc (Hà Nội), Trung tâm dự kiến xây dựng cơ sở với tổng diện tích sử dụng 35.000m2 là nơi quy tụ các DN, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các phòng lab nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm theo chuẩn mực quốc tế nhằm đem đến điều kiện hạ tầng tốt nhất cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ.
Bộ KH&ĐT cũng đã giới thiệu một sáng kiến hợp tác cụ thể với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước nhằm tối ưu hoá các nguồn lực đưa vào ĐMST. Đó là cam kết của Trung tâm ĐMST Quốc gia đồng hành cùng các Quỹ đầu tư.
Cụ thể, những DN khởi nghiệp được các Quỹ đầu tư rót vốn sẽ là các DN được Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ và hưởng các ưu đãi theo quy định tại Nghị định 94/2020/NĐ-CP. “Với việc triển khai sáng kiến này, Trung tâm dự kiến trong giai đoạn tới sẽ hỗ trợ, đưa vào thị trường hàng tỷ USD đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo”- Bộ trưởng khẳng định.
Song song với việc triển khai về cơ chế chính sách, Bộ này cũng tiếp tục chuẩn bị nguồn nhân lực chuyên gia tham gia vào các hoạt động ĐMST. Cho đến nay, Mạng lưới ĐMST Việt Nam đã mở rộng các Mạng lưới thành phần tại các nước Đức, Nhật Bản, Australia và tiếp tục thành lập tại Mỹ, Canada với hàng nghìn thành viên nhằm quy tụ những người Việt Nam xuất sắc để sẵn sàng tham gia các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và ứng dụng tại Việt Nam.
Bộ trưởng cũng khẳng định yêu cầu phải chuyển đổi số ngay cho các DN Việt Nam và cho biết, hiện Bộ đã xây dựng chương trình với giúp 800.000 DN Việt Nam có thể áp dụng được chuyển đổi số, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, dù DN lớn, nhỏ hay vừa. Khi triển khai chương trình chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, DN, toàn xã hội thì chắc chắn sẽ tạo ra xung lực mới cho cộng đồng DN Start-up.