KH&CN hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Giai đoạn 2016 – 2020 hoạt động Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Thông qua báo cáo tổng kết, được biết: Ngân sách tỉnh đã đầu tư cho hoạt động KH&CN gần 166 tỷ đồng, chiếm 0,27% tổng chi ngân sách địa phương.
Trong công tác quản lý nhà nước, Sở KH&CN đã tham mưu cho Bộ KH&CN, UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt, triển khai thực hiện gần 120 đề tài, dự án KH&CN các cấp, trong đó có 88 đề tài, dự án cấp tỉnh; đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển thị trường, doanh nghiệp KH&CN.
Đặc biệt, trong hoạt động nghiên cứu ứng dụng, Chương trình hợp tác về nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ KH&CN giữa UBND tỉnh và Đại học Thái Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực, với 7 nhiệm vụ được phê duyệt, triển khai hiệu quả; đáng chú ý là đề tài “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện SARS CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR”. Các đề tài, dự án đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tỷ trọng tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, giai đoạn 2016 - 2019 đạt 53,24%, cao hơn mức bình quân giai đoạn 2011 - 2019 (đạt 36,94%). Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh trong giai đoạn này đã tập trung và ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ có tính mới, có quy mô rộng, mang lại nhiều giá trị về kinh tế - xã hội.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác KH&CN vẫn còn một số hạn chế như: Mặc dù kinh phí đầu tư cho KH&CN từ ngân sách có tăng nhưng còn thấp so với mục tiêu đặt ra, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu và theo kịp tiến trình phát triển của KH&CN;
Sự phối hợp giữa cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học và doanh nghiệp chưa thật sự chặt chẽ; chưa thực sự phát huy được vai trò của các tổ chức trung gian trong việc kết nối cung - cầu công nghệ; trình độ công nghệ của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh còn ở mức trung bình; quá trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp diễn ra chậm; khả năng hấp thụ công nghệ, tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu còn hạn chế.
Đưa KH&CN trở thành động lực, là giải pháp đột phá cho sự phát triển
Để hoạt động KH&CN của tỉnh Thái Nguyên đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển chung của địa phương và đất nước, tại Hội nghị Tổng kết hoạt động KH&CN giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Thái Nguyên, bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, trong thời gian tới, hoạt động KH&CN cần tập trung đổi mới cơ chế chính sách, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhiệm vụ KH&CN, tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung vào công nghệ mới, cốt lõi, tạo cơ sở dữ liệu lớn làm nền tảng cho chuyển đổi số, thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh, qua đó đưa KH&CN trở thành động lực, là giải pháp đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Nhấn mạnh mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị các ngành, các địa phương phát huy tối đa vai trò của KH&CN làm động lực cho tăng trưởng kinh tế, biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội, tận dụng những thời cơ thuận lợi mới để tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững.
Trong đó tập trung vào một số nội dung: Xác định ứng dụng và phát triển KH&CN là một nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển ngành và địa phương; tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước về KH&CN; tập trung nghiên cứu các vấn đề thực tiễn của địa phương, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới; đẩy mạnh hợp tác, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động KH&CN với Đại học Thái Nguyên và các tỉnh, thành phố, các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước./.