Theo báo cáo số 291/BC-SVHTTDL của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, tính đến hết tháng 9/2020 lượng khách đến Lào Cai đạt 1,39 triệu lượt, giảm 66% so với cùng lũy kế năm 2019, đạt 25,4% so với kế hoạch năm. Trong đó, lượng khách quốc tế đến Lào Cai sụt giảm mạnh, ước chỉ đạt 15% so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến thị trường khách quốc tế khó có khả năng được mở lại trong năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 234 tỷ đồng, lũy kế năm ước đạt 4700 tỷ đồng, giảm 69,6% so với lũy kế cùng kỳ năm 2019.
Quang cảnh hội nghị “Đánh giá tác động chính sách và giải pháp chuyển đổi số trong du lịch ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19” diễn ra tại Lào Cai. |
Tại Hội nghị, các ý kiến đều nhận định, thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 dẫn đến xu hướng và yêu cầu chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh càng trở nên rõ nét và cấp bách để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tiếp cận những thay đổi của thị trường khách du lịch, nâng cao hiệu quả kinh doanh với chi phí hợp lý nhất.
Chuyển đổi số đưa ra một hướng đi mới, giải pháp quan trọng để khôi phục và phát triển lại du lịch tỉnh theo hướng bền vững. Bởi chuyển đổi số chính là xu hướng phát triển tất yếu của du lịch và cần được đẩy nhanh hơn sau tác động nặng nề của dịch Covid-19.
Tại Hội nghị, ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chỉ rõ, thực tế cho thấy việc ứng dụng chuyển đổi số trong du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế như: Một số doanh nghiệp, thậm chí cả một số cơ quan quản lý nhà nước các cấp của tỉnh vẫn chưa nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng về chuyển đổi số trong du lịch; chưa tiếp cận được nhiều với các giải pháp chuyển đổi số; chưa dành nguồn lực tương xứng cho công tác này,…
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết, để thích ứng với xu thế trên, trong thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã chủ động đề ra nhiều chủ trương, chính sách và tích cực triển khai thực hiện các giải pháp để tận dụng những cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại, phục vụ phát triển kinh tế nói chung và phát triển du lịch thông minh nói riêng.
Cụ thể, tập trung triển khai phát triển các ứng dụng kết nối liên thông hệ thống thông tin phục vụ điều hành, quản lý nhà nước về du lịch đến các địa phương, doanh nghiệp; xây dựng Đề án Đô thị thông minh; xây dựng Cổng Du lịch thông minh; các phần mềm quản lý lưu trú; hình thành kho dữ liệu, các Trang thông tin điện tử để quảng bá, xúc tiến du lịch,...
Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch đã và đang tích cực chuyển đổi, phát triển du lịch thông minh trên nền tảng số để tạo ra những chuyển biến đột phá, nhằm tiết kiệm chi phí, tăng cường hiệu quả quản lý, tăng mức độ và phạm vi tương tác với khách hàng.
"Thực hiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp du lịch sẽ tăng hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí vận hành, tăng hiệu quả sử dụng lao dộng và chủ động với thay đổi của ngành. Đối với khách hàng, chuyển đổi số giúp tăng tính trải nghiệm, kết nối đa kênh và cũng giúp tăng tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng" - Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai khẳng định.
Quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch nước ta vẫn đang vận động, bên cạnh sự quyết liệt của các cấp, ngành còn phụ thuộc năng lực, ý thức trách nhiệm cũng như sự cố gắng, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền các địa phương.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có nội dung văn hóa sâu sắc và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều ngành khác như: an ninh, vận tải, y tế, thương mại... do đó, việc chuyển đổi số của ngành đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và lâu dài của nhiều thành phần dựa trên nền tảng công nghệ mạnh và thống nhất.
Chuyển đổi số không chỉ về mặt công nghệ, mà còn là chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá... Điều này đòi hỏi sự đổi mới trong cả tư duy lẫn hành động của toàn ngành du lịch, từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp.