Chuyển dự án nhóm A thành 9 dự án nhóm B trái quy định
Sau khi được Tỉnh ủy đồng ý chủ trương đầu tư dự án, ngày 12/8/2016, HĐND tỉnh Thái Nguyên ra Nghị quyết 17/NQ-HĐND thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị 2 bên bờ sông Cầu. Ngày 25/8/2016, UBND tỉnh có Quyết định (QĐ) 2190/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, thực hiện theo hình thức PPP –hợp đồng BT, có hỗ trợ của ngân sách nhà nước (NSNN).
Đến ngày 27/10/2017, HĐND tỉnh ra Nghị quyết 25/NQ-HĐND (thay thế Nghị quyết 17/NQ-NQHĐ) thông qua chủ trương đề xuất “chuyển dự án thành đề án xây dựng” gồm 9 dự án thành phần (thuộc dự án nhóm B), trong đó quy định thẩm quyền quyết định đầu tư là UBND tỉnh.
Theo các quyết định đã được phê duyệt, dự án có tổng mức đầu tư (TMĐT) dự kiến 18.211,61 tỷ đồng, gồm thực hiện dự án BT quy mô 150 ha, TMĐT 9.811,61 tỷ đồng và thực hiện dự án khác (giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng khu đô thị 2 bên bờ sông) có quy mô 700 ha với TMĐT là 8.400 tỷ.
Tại Kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010-2018 ngày 1/7/2021 (KLTT), Thanh tra Chính phủ (TTCP) đánh giá, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư, UBND tỉnh phê duyệt quyết định đầu tư khi dự án không nằm trong kế hoạch trung hạn 2016-2021 của tỉnh, chưa được bố trí nguồn vốn NSNN tham gia; Dự án quy mô và TMĐT trên 1.500 tỷ đồng (thuộc dự án nhóm A), thẩm quyền quyết định đầu tư thuộc Thủ tướng, nên việc ban hành các văn bản trên là không đúng thẩm quyền, không đúng quy định về đầu tư công và PPP.
Khi phê đề xuất dự án và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) thì các quy hoạch chung TP, quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều đều trong quá trình thực hiện điều chỉnh hoặc chưa thực hiện đầy đủ; và chưa được chấp thuận của các cấp có thẩm quyền phê duyệt; là không phù hợp với quy định.
Theo KLTT, quy định của Luật Đầu tư công, với dự án nhóm A, cơ quan lập đề xuất là UBND tỉnh, cơ quan thẩm định đề xuất là Bộ KH&ĐT và thẩm quyền quyết định đầu tư là Thủ tướng. Ở dự án này, UBND tỉnh ban hành QĐ phê duyệt chủ trương đề xuất đầu tư với dự án nhóm A là không đúng thẩm quyền.
Hơn nữa, theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Nghị định 15/2015/NĐ-CP… không có quy định về việc chuyển dự án PPP thành Đề án PPP; cũng như không có quy định về việc phê duyệt Đề án PPP gồm có các dự án PPP thành phần. “Việc thay đổi khái niệm trong đầu tư để phù hợp với thẩm quyền quyết định là mang tính chủ quan, thiếu căn cứ pháp luật, không phù hợp quy định…”, TTCP nhấn mạnh.
UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đề xuất đầu tư với dự án nhóm A là không đúng thẩm quyền. |
Nhiều sai sót trong BCNCKT đã bị bỏ qua khi phê duyệt
Theo TTCP, UBND tỉnh Thái Nguyên và một số sở, ngành địa phương này đã có dấu hiệu buông lỏng quản lý trong quá trình thẩm định, phê duyệt BCNCKT Dự án.
Tại văn bản thẩm định BCNCKT, dù các Sở NN&PTNT, Tài chính, Xây dựng, GTVT thể hiện nội dung BCNCKT và thiết kế cơ sở còn tồn tại như: Hướng tuyến thiết kế đê chưa phù hợp quy hoạch được duyệt, các vị trí cống dưới đê chưa phù hợp với hệ thống tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ… Tuy nhiên, Sở KH&ĐT là cơ quan chủ trì thẩm định BCNCKT, sau khi tập hợp các ý kiến thẩm định của các sở, ngành liên quan đã không yêu cầu nhà đầu tư lập BCNCKT bổ sung và hoàn thiện lại BCNCKT và thiết kế cơ sở của Dự án; mà vẫn tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt BCNCKT của 9 dự án; là thiếu cơ sở.
Sau đó, UBND tỉnh phê duyệt BCNCKT khi chưa có quy hoạch được duyệt của hệ thống đê, đường, cầu hai bên bờ sông Cầu và suối Mo Linh; là không đúng quy định.
Mặt khác khi thẩm định, phê duyệt BCNCKT thì cả 9 dự án đều chưa có QĐ phê duyệt ĐTM; là không phù hợp quy định.
TTCP kết luận việc UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt đề xuất dự án, BCNCKT khi chưa đủ điều kiện, chưa đủ cơ sở như: Quy hoạch, nguồn vốn chưa xác định và chưa thẩm định khả năng cân đối là trái quy định; báo cáo thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn NSNN tham gia dự án thẩm định không rõ ràng, thiếu chính xác. Nguồn vốn NSNN tham gia dự án hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng với dự án BT và dự án khác (đối ứng dự án BT) không phù hợp quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị định 15/2015/NĐ-CP. Trách nhiệm để xảy ra sai phạm này thuộc về Sở KH&ĐT, Sở Tài chính và UBND tỉnh Thái Nguyên.
TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Thái Nguyên rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án, có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật với các vi phạm được phát hiện qua thanh tra.
Theo TTCP, dự án sông Cầu là dự án đầu tư công đòi hỏi mức đầu tư lớn, trong khi nguồn lực nhà nước có hạn chỉ có thể đầu tư một phần. Do đó, UBND tỉnh Thái Nguyên cần nghiên cứu, có quy hoạch phù hợp, tạo quỹ đất phát triển, từ đó có biện pháp huy động các nguồn lực xã hội để có thể thực hiện được dự án theo phương thức đối tác công - tư hoặc đấu giá quyền sử dụng đất với quỹ đất được tạo ra để có kinh phí thực hiện dự án, đảm bảo đúng quy định Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Đất đai và các quy định pháp luật liên quan.