Đề thi trên không chỉ khiến cho các thí sinh dự thi cảm thấy hẫng hụt, thất vọng mà ngay cả các thầy cô giáo bộ môn Văn cũng như những người có trình độ chuyên môn, quan tâm đến kỳ thi tuyển chọn đều "đau đầu", "bó tay" với cách ra đề khó hiểu trên.
Và sau đây là đáp án cho đề thi kiểu "đánh đố" để chọn thí sinh HSGQG môn Văn Lớp 12 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên:
1. Yêu cầu về kỹ năng: Thí sinh nắm vững kỹ năng làm bài nghị luận xã hội có sử dụng hình ảnh gợi ý, vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác lập luận để làm sáng tỏ các yêu cầu của đề bài và nêu suy nghĩ của bản thân.
Bố cục mạch lạc, kết cấu chặt chẽ, thuyết phục.
Hành văn ngắn gọn, khúc triết, có sức truyền cảm. Không mắc lỗi chính tả, chữ viết sạch đẹp
2. Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, song cần phải đáp ứng được những yêu cầu sau:
Về giải thích: Bức tranh gợi ra vấn đề cần nghị luận là quan điểm về sự đúng giờ. Có hai cách nhìn nhận trong trường hợp này:
Đúng giờ tuyệt đối: Bức ảnh thể hiện kim giờ, kim phút, kim giây trùng nhau tại 12 giờ. Người đúng giờ tuyệt đối thể hiện sự tôn trọng với người mà mình giao tiếp, đó là người tiết kiệm thời gian, ứng xử văn hóa có nguyên tắc.
Đúng giờ có tính xê dịch: 12h có thể giao động ở 4 điểm khác nhau (11h55, 12h00, 12h05, 12h10…) Người không đúng giờ tuyệt đối là người có thể do thói quen, có thể căn cứ theo mức độ, tầm quan trọng và tính chất của cuộc giao tiếp mới quyết định đi sớm hay muộn. Đối với cách ứng xử này thì việc đúng giờ không phải là việc lưu tâm hàng đầu, quan niệm về thời gian mang tính linh hoạt.
Đáp án đề thi chọn đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia tỉnh Thái Nguyên năm 2021-2022 |
Tóm lại: Bức tranh gợi mở cho chúng ta hai ý niệm khác nhau về thời gian. Đây cũng là sự khác biệt trong quan điểm về sự đúng giờ của văn hóa phương Đông và phương Tây. Dù theo quan điểm nào cũng sẽ có những ưu điểm và nhược điểm, tùy theo hệ tư tưởng và văn hóa được tiếp nhận mà con người có những vận dụng trong cuộc sống.
Phân tích và bình luận: Trong cuộc sống có nhiều cách để giải quyết một vấn đề tùy thuộc vào cách lập luận của mỗi thí sinh để thấy quan điểm nào là đúng đắn phù hợp.
Nếu chọn đúng giờ tuyệt đối sẽ hình thành nên lối sống kỷ luật, coi trọng thời gian, tôn trọng đối với người giao tiếp; nhưng điều kiện là phải luôn ép mình vào một khuôn khổ rèn luyện tính kỷ luật, sự nghiêm túc, trách nhiệm với lời hẹn, không chấp nhận sự “sai số”.
Nếu chọn cách thứ hai, chọn sự linh hoạt trong giờ giấc thì phải đối mặt với những điều tích cực và tiêu cực có thể xảy ra:
Tích cực: Đến sớm có nhiều thời gian chuẩn bị sẵn sàng cho công việc, cho buổi hẹn, linh hoạt trong các tình huống.
Tiêu cực: Công việc thường bị trì hoãn, đình trệ, đối tác phải chờ đợi, làm việc thiếu chuyên nghiệm vì tư duy “giờ cao su”, gây ra sự khó chịu vì chờ đợi, tốn kém thời gian, công sức.
Đáp án đề thi |
Bài học nhận thức và hành động:
- Cần biết quý trọng thời gian: “Mọi sự tiết kiệm suy cho cùng là sự tiết kiệm thời gian” (Mác).
- Cần lựa chọn quan điểm sống đúng đắn, phù hợp với bản thân.
- Thể hiện phần nào sự khác biệt trong quan niệm về thời gian giữa các nền văn hóa. Cách ứng xử của một người sẽ ảnh hưởng đến công việc, thời gian của cá nhân và cộng đồng.
Lưu ý: Học sinh có thể có nhiều cách nhìn nhận và thể hiện khác nhau về ý kiến trên miễn là bài viết đủ sức thuyết phục, chặt chẽ, logic; Giám khảo linh hoạt chấm điểm trân trọng những phát hiện của thí sinh, căn cứ trên bài làm thực tế của thí sinh để đánh giá, cho điểm.
Trước việc ra đề thi và đáp án trên của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, dư luận tại Thái Nguyên về nhiều tỉnh thành khác đánh giá đây là một đề thi “tối nghĩa”, khó hình dung, đáp án trả lời mang tính chất áp đặt, tiêu cực...
Để thông tin được khách quan và làm rõ hình ảnh trong đề thi là chiếc đồng hồ xem giờ, đồng hồ bơm xe hay là mặt trước của chiếc đèn pin... Phóng viên Báo PLVN đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên về vấn đề nêu trên.
Báo PLVN sẽ đăng tải những bài viết phân tích chi tiết, những ý kiến sâu sắc của các chuyên gia, dư luận về "chiếc đồng hồ kỳ quặc” trong đề thi của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên vào các kỳ tiếp theo.