Tăng nhận diện “vải thiều có nguồn gốc Việt Nam”
Ngày 12/6, lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại (XTTM - Bộ Công Thương) phát triển đã được nhập khẩu (NK) chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không.
Với tem truy xuất nguồn gốc itrace247, người tiêu dùng tại Pháp vừa tiếp cận được thông tin sơ bộ về nhà xuất khẩu (XK), quy trình chế biến hay các chứng nhận chất lượng của nhà XK vừa nắm được toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình nuôi trồng, chăm sóc thu hoạch hay đóng gói sản phẩm.
Điều này không chỉ đáp ứng được xu thế tiêu dùng mới trong việc minh bạch thông tin, thiết lập mối liên kết từ trang trại tới bàn ăn, mà còn mang lại hình ảnh về chính sách quản lý có chiến lược và trách nhiệm của Việt Nam.
Trước đó, vải U hồng Thanh Hà có dán tem truy xuất nguồn gốc đã có mặt ở 230 siêu thị của Singapore. Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Singapore, việc dán tem truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý Thanh Hà trên bao bì XK năm nay là nỗ lực lớn của Bộ Công Thương và tỉnh Hải Dương để tăng cường sự nhận diện thương hiệu vải Việt Nam và bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở thị trường nước ngoài.
Đáng chú ý, hàng năm Singapore NK khoảng 2000 tấn vải từ Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và các nước Nam bán cầu như Úc, Nam Phi, Madagascar, Mauritius… Trong đó sẽ XK gần 400 tấn vải, cả vải tươi lẫn vải đóng hộp. Vải tươi được Singapore tái xuất chủ yếu sang Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines; Vải đóng hộp sang hàng chục thị trường, bao gồm các nước ASEAN, Nam Á (Srilanka, Bangladesh, Pakistan), Maldives, Papua New Guinea, Kenya, các nước vùng Vịnh… Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore, đây là một cơ hội lớn cho vải Việt Nam khi được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM - cho biết, khi quả vải Việt Nam được dán tem truy xuất nguồn gốc thì dù các nước NK mang vải này xuất đi bất cứ quốc gia nào khác thì nguồn gốc quả vải vẫn sẽ từ Việt Nam. Bởi các nước NK không “dại gì” mà giấu đi nguồn gốc Việt Nam của quả vải vì vải Việt Nam được đánh giá là ngon hàng đầu thế giới. Thêm nữa, việc sản phẩm có truy xuất nguồn gốc xuất xứ bao giờ cũng được đánh giá cao hơn các sản phẩm khác.
Cơ hội thị trường rất lớn…
Ông Vũ Anh Sơn - Thương vụ Việt Nam tại Pháp - cho biết, quá trình đưa vải thiều Việt Nam sang Pháp gặp khá nhiều khó khăn do dịch COVID-19 như không có hàng mẫu để chào hàng tới nhà NK, khách hàng Pháp không trực tiếp sang được Việt Nam để kiểm tra vùng trồng và chất lượng quả vải…
Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực của các bên liên quan, đơn hàng đầu tiên XK quả vải thiều Việt Nam, xuất xứ từ vùng trồng Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã được Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ đưa sang Pháp thành công và sẽ có mặt trên kệ hàng của hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris.
Ước tính, tổng dung lượng thị trường Châu Âu đối với quả vải vào khoảng 20.000 -25.000 tấn mỗi năm, trong đó thị trường Hà Lan và Pháp có nhu cầu lớn nhất, lên đến hơn 10.000 tấn mỗi năm.
“Số liệu nêu trên cho thấy tiềm năng cho quả vải Việt Nam tại thị trường Pháp rất lớn” - ông Vũ Bá Phú nhận định. Do đó, lô hàng gần 1 tấn vải thiều đầu tiên có gắn tem truy xuất nguồn gốc được NK chính ngạch qua đường hàng không vào Paris có ý nghĩa “khai thông” cho quả vải nói riêng và nông sản Việt chất lượng cao nói chung.
Dự kiến, trong vụ vải này, mỗi tuần sẽ có đơn hàng tương tự được NK vào Pháp để thăm dò thị trường và hướng tới kế hoạch NK hơn 10 tấn qua đường hàng không và đường biển cho năm 2022, nếu DN XK Việt Nam có thể đảm bảo được chất lượng.
Thị trường Singapore cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng khi nhà NK khẳng định, mỗi tuần Singapore sẽ tiêu thụ ít nhất 1 container 40ft, dự kiến đến cuối tháng 7/2021, khối lượng NK vải vào Singapore có thể lên đến 100 tấn.
Đây chính là tín hiệu cho thấy sự thành công vượt bậc của nỗ lực dán tem truy xuất nguồn gốc cho quả vải nói riêng, cho nông sản Việt Nam nói chung, đồng thời đánh dấu Việt Nam đã có “giấy thông hành” XK vải và các sản phẩm nông sản khác vào các thị trường khó tính.
Ông Vũ Bá Phú chia sẻ, thành công trong dán tem truy xuất cho quả vải ở thị trường Pháp và Singapore chứng tỏ những nỗ lực trong nâng cao giá trị cho nông sản Việt. Bởi khi có tem QR code, vải hoặc bất kỳ sản phẩm nào, dù được mang tên thương hiệu của DN ở Pháp, ở Singapore thì vẫn là sản phẩm mang nguồn gốc Việt Nam. Đó chính là cơ sở để mở rộng hơn thị trường cho quả vải nói riêng, cho nông sản Việt Nam nói chung.