Trình bày tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, tội phạm có liên quan đến mại dâm, ma túy đang có chiều hướng gia tăng, biến tướng, hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp.
Thống kê của Bộ Công an, số người nghiện ma túy và sử dụng trái phép các chất ma túy trên toàn quốc có hồ sơ quản lý là hơn 204 ngàn người. Về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trong 8 tháng đầu năm 2015 đã phát hiện, bắt giữ 343 vụ với gần 2,5 ngàn đối tượng.
Bên cạnh những kết quả, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Nhiều bất cập trong các văn bản pháp luật lĩnh vực cai nghiện ma túy như: việc có áp dụng biện pháp đưa người dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy nữa hay không vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, gây khó khăn cho các địa phương.
Việc xác định tình trạng nghiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế còn gặp vướng mắc lớn khi áp dụng đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp. Theo quy định trên, người có thẩm quyền xác định nghiện phải đặt câu hỏi, trong khi hầu hết các đối tượng đều không hợp tác, trả lời không đúng tình trạng nghiện nên không đủ căn cứ xác định…
Chia sẻ về khó khăn của địa phương, ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Hiện TP đang gặp nhiều vướng mắc trong việc xác minh tình trạng cư trú của người nghiện. Do người nghiện ma túy đến từ nhiều địa phương khác nên khai không đúng sự thật, TP đã mất rất nhiều thời gian xác minh nơi cư trú nên chậm trễ, có trường hợp đã hết thời hiệu áp dụng phải hủy quyết định đưa vào cơ sở xã hội đối với người nghiện.
Đối với công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, ông Thuận cũng thừa nhận tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn TP.HCM đang diễn biến khá phức tạp. Sáu tháng đầu năm 2015, TP đã ra quân quyết liệt, phối hợp với các đoàn kiểm tra hơn 44 ngàn lượt và xử lý các vi phạm, đấu tranh triệt phá các đường dây mại dâm. Số tiền xử phạt đạt trên 17 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cái khó là ngay cả các chủ đường dây hoạt động mại dâm, người bán dâm lại có thái độ “thách thức” cơ quan chức năng, sẵn sàng đóng tiền phạt rồi vẫn lén lút hoạt động tinh vi hơn, chuyên nghiệp hơn.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung góp ý kiến đề xuất, kiến nghị các giải pháp thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đặt vấn đề: Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an cần sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn trình tự, thủ tục và thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định tại Nghị định số 111/2013 và Nghị định số 221/2013 của Chính phủ; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương hỗ trợ tích cực cho TP nhanh chóng xác minh nơi cư trú của người nghiện ma túy thuộc các địa phương khác xem xét.
Trước tình hình khó khăn tại các địa phương, ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đang đặt ra nhiều vấn đề, có khó khăn, thách thức. Nhưng với vai trò của mình, các chính quyền địa phương phải chủ động hơn, đổi mới và linh hoạt trong các giải pháp từ truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của tệ nạn ma túy, mại dâm đến xây dựng các chương trình hành động phòng, chống mại dâm và ma túy.