Một phụ nữ trẻ ở miền rừng núi xã Phúc Thọ khóc, nói: “Nhà bố đẻ em, nhà bố chồng em đều nợ tương tự như nhà em, tức là vay hết tiêu chuẩn ở ngân hàng, quay sang vay con buôn với lãi suất “cắt cổ”. Đến khoản tiền vay tổ chức cưới vợ cho con (tức là cưới em về), bây giờ nhà chồng em vẫn chưa trả nổi. Hàng xóm nhiều người bị xiết nợ mất nhà, biệt xứ lang thang. Có anh T cùng vợ và 5 đứa con, bán hết nhà cửa, tuần trước có cái côngtơ điện cũng trèo lên cây cột ọp ẹp dỡ xuống bán để trả nợ rồi”.
“Chắc suốt đời tôi không trả được nợ, mà chỉ có vay thêm”
Trong chuyến công tác của mình, vô tình dừng lại bên một nương cà phê chín đỏ, giữa lồng lộng gió, phóng tầm mắt ra bốn phía núi non mênh mông của xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), chúng tôi đã gặp nhiều giọt nước mắt của bà con, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc Cơ Ho. Vẫn điệp khúc được mùa rớt giá, phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ đắt đỏ, cà phê vừa bán vừa cho.
Vẫn bài ca đồ ăn thức uống, thuốc chữa bệnh và học phí cho con cái cùng tăng, riêng giá cà phê… rớt từ 10.000 đồng/kg xuống còn 4.000 đồng/kg. Chị Minh khóc, cà phê chín mọng, tôi chẳng đủ sức mà hái, nhưng cũng chẳng có tiền mà thuê người hái. Bởi nếu thuê lao công hái cà phê xong, bán sản phẩm đi, chẳng đủ tiền trả người làm mướn.
Nhà “Bập” Luyn (người dân tộc Cơ Ho) ở tít trong xóm Thác Nếp (xã Phúc Thọ, Lâm Hà, Lâm Đồng). Đường đất gồ ghề, uốn lượn quanh các triền đồi mà rừng bị phá tan hoang, dưới suối thì các công ty đào vàng sa khoáng và khai thác cát bới lanh tanh bành. Tiếng máy nổ đinh tai nhức óc. Giữa rừng cà phê cằn cỗi, “Bập” cùng đàn con nheo nhóc tiếp chúng tôi. Nhà “Bập” ở ngoài xóm gần nhà “ông giáo Thành” (ông này làm trưởng xóm) phía trung tâm xã. Thế nhưng, vì “ăn quán”, nợ đủ thứ tiền, lãi mẹ đẻ lãi con nhà “con buôn”, nên phải bán nhà bán đất, chạy mãi vào trong rừng này.
“Vào đây rừng rậm lắm, thấy nhiều cây thì phá thôi, chúng tôi không biết gì cả, phá lấy đất làm nhà và trồng cà phê. Nhà cũ bán cho người ta để trừ nợ, được 4 triệu đồng. Giờ cần tiền, “chốt” nương cà phê từ lúc đang xanh với giá rẻ. Tôi bán cho họ 2 tấn từ lúc cà phê còn chưa… ra trái. Cộng thêm 10 triệu tiền mặt đang nợ nữa. Hằng ngày chồng “Bập” Luyn đi làm cho nhà người ta để trừ vào lãi suất tiền vay. Họ tính 40.000 đồng/tháng/1 triệu tiền vay. Không trả được, không có tiền, nhà đông con vẫn phải đi vay của họ để ăn (ăn quán rồi tính ra tiền, nợ và trả lãi hằng tháng). Nhà 5 đứa con, 2 đứa đầu phải bỏ học rồi, nhà báo ạ”.
“Mình không được học nhiều, giờ chỉ biết đọc vài chữ, không biết viết nữa đâu. Học hết lớp 1, sang lớp 2 học được đúng 1 tháng thì phải bỏ. Nhà có khu đất sổ đỏ thì bán cho người ta rồi, giờ đi làm thuê cho người ta để trả nợ chưa xong. Tôi chỉ cầu trời cho tôi trả được các khoản nợ vay của các chủ đại lý, lãi nặng quá, chắc suốt đời không trả được mất. Nhà tôi có sổ hộ nghèo. Cán bộ không cho vay tiền làm ăn, cũng không giúp cái gì bao giờ, càng ngày lãi càng lớn, tôi càng nghèo, thế mà năm ngoái cán bộ cắt mất tiêu chuẩn hộ nghèo của tôi. Tôi lên thôn kiến nghị thì họ bảo lên xã hỏi. Tôi chưa biết phải hỏi ai đây!”.
“Bập” Luyn đưa ra một đống giấy tờ buồn bã, cũ kỹ. Vẻ mặt cô còn buồn thảm hơn. Bên cạnh, nhà “Bập” Len cũng chẳng khấm khá hơn tí nào.
Theo lãnh đạo huyện Lâm Hà, có xã, có khu vực, đến 80-90% bà con phải đi vay ngân hàng, vay nặng lãi để lo đầu tư trồng cà phê, lo cho cuộc sống hằng ngày. Rồi cà phê bị rớt giá, rồi ốm đau, bệnh tật, rồi muốn mua sắm nhà cửa, xe máy, điện thoại “cho bằng anh bằng chị”, cho nên, bà con rơi vào chồng chất nợ nần. Khảo sát ở xã Phúc Thọ, chúng tôi thấy, bà con vẫn dường như sinh ra để gánh các khoản nợ. Ai có sổ đỏ đất đai thì “cắm” ngân hàng vay trả lãi. Ai “cắm” rồi hoặc không có sổ mà “cắm” thì buộc phải ra vay nặng lãi bên ngoài.
Ông già người Cơ Ho ở Lạc Dương, Lâm Đồng, nhà ông chồng chất nợ ngân hàng, nợ “con buôn”. Chúng tôi khảo sát cả khu vực, hiếm có nhà nào không mắc nợ chồng chất, hầu hết họ phải vay lãi ngày với giá “cắt cổ”. |
Hoặc đơn giản hơn, không trả thì lãi sẽ tăng cao, bên cạnh việc lãi mẹ đẻ lãi con và lãi con tiếp tục đẻ lãi cháu. Càng nợ lâu thì mức chịu lãi cho mỗi triệu đồng càng tăng cao. Không trả được thì xiết nhà, xiết ruộng vườn, không loại trừ cả việc đưa đầu gấu đến xử. Công an huyện Lâm Hà từng bắt các đối tượng đòi nợ thuê dạng này với hành động giết người vô cùng hung hãn, báo chí đăng tải nhiều khiến bà con càng sợ. Bà vợ ông Th (ông Th là cán bộ thôn) cũng từng đưa một lũ “con nuôi” (thực chất là bọn “đầu trâu mặt ngựa”, cánh tay nối dài của nạn vay nặng lãi), toàn đứa tù tội đến xiết đất xiết nhà của anh Trung, nên ai cũng “tự hiểu” cả.
Con buôn cho vay lãi kiểu gì nó cũng chơi. Có bà con người Cơ Ho còn ở Tây Nguyên nói một cách hồn nhiên, được ghi chép trong văn bản của một tổ chức điều tra xã hội học, đọc mà khiến chúng tôi hết sức chua chát: “Vay tiền của bà H thì dễ lắm, giống như xin tiền của bố mẹ mình thôi, bao nhiêu cũng có ngay. Không trả được bà cũng vui vẻ” (để mùa sau rồi lặng lẽ bà tính lãi thêm cao).
Hoặc người nghèo khó nào thích thì vay cà phê (gọi dân gian là “vay nhân”, với thuật ngữ là “chốt”, tức là “đóng đinh”, “chốt hạ” cái giá bán cà phê cho con buôn để nhận tiền của họ từ khi cà phê chưa chín. Thường thì bà con phải “chốt” với giá bằng ½ giá cà phê khi nó chín. Ví dụ, cà phê chín bán 42 triệu đồng/tấn, thì “bán lúa non” chỉ thu được 21 triệu đồng/tấn. Lúc cà phê chín, thu hoạch về nhà là họ đến lấy hết, để trừ vào số tiền đã vay nợ, khi tính thì chỉ được phép trừ với giá bằng ½ giá thị trường). Hoặc có thể vay phân bón quy ra tiền, vay gạo, thịt, các đồ gia dụng quy ra tiền.
Tóm lại bà con cứ thỏa sức mua hàng và cắm nợ. Chỉ có điều nợ ấy được con buôn tính lãi suất quy ra tiền: Cứ mỗi tháng cộng thêm 50.000 hoặc 30.000-40.000 đồng tiền lãi cho 1 triệu tiền vay. Vay nặng lãi, như cái vòi bạch tuộc len lỏi khắp các thôn buôn, khắp hầu hết các gia đình và nhiều phận người.
Nhiều người vay tiền cưới vợ gả chồng cho con rồi bị xiết nợ mất nhà
Một phụ nữ ở xã vùng cao huyện Lâm Hà thở dài: “Em cũng chưa có thời gian để tính toán xem các khoản “vay lãi ngoài” bây giờ nó đẻ ra bao nhiêu tiền rồi. Chắc cũng nhiều đấy. Chưa có tiền trả nên họ sẽ tính năm sau lãi nhiều hơn năm trước, ví dụ, lúc vay chỉ 3 phảy (30.000 đồng/tháng/1 triệu tiền vay), thì năm sau con số này sẽ là 35 hoặc 40”.
“Chồng em đi làm thuê, mỗi ngày được trả công 150.000 đồng, trả nợ lãi vay ngoài được đồng nào hay đồng đó, còn lại mua sữa cho con sau trị bệnh. Khoản lớn nhất là cà phê, thì năm ngoái thu được 7 tạ cà phê nhân, bán được có 20 triệu đồng. Số tiền ấy vừa với tiền phân bón, thuốc trừ sâu. Giá phân bón cao quá mà già cà phê thì thấp chưa từng thấy. Cà phê thu hái về, phơi chưa khô, người ta vào mang hết đi để trừ nợ phân bón!”.
Cũng ở Lâm Đồng, câu chuyện vay nặng lãi phân bón bao giờ cũng là thứ nóng nhất, gây tranh cãi nhất. Cách đây chưa lâu, ở huyện bên, chị Diệp Thị Sìn (35 tuổi, người huyện Bảo Lâm) nghe con gái Chí An Ngọc (9 tuổi) gọi bảo “Mẹ ơi, nhà mình có khách”. Chị mở cửa ra thì bị một thanh niên đâm hai nhát và chết gục tại chỗ. Cơ quan công an cho biết, đối tượng là kẻ đâm thuê chém mướn, chuyên đi đòi nợ thuê. Chị Sìn có nợ công ty phân bón Đức Lợi ở địa phương 200 triệu đồng. Chúng tôi càng thấm thía câu chuyện này khi vào với đồng bào Cơ Ho ở Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Chúng tôi khảo sát một xóm ở khu vực thị trấn Lạc Dương, buôn Bnơ C. Phỏng vấn theo phương pháp hoàn toàn ngẫu nhiên. Chúng tôi đến thưởng thức cà phê ở nhà Rolan - một cô gái Cơ Ho lấy chồng là anh chàng Joshua, người Mỹ, rồi cả hai sáng tạo ra thương hiệu “Cơ Ho coffee” ầm ĩ dư luận. Rolan nghe chúng tôi hỏi về chuyện tín dụng đen, cô buồn bã giới thiệu cho tôi gặp một loạt các nạn nhân đau khổ kiệt quệ vì vay nặng lãi. Có người mất nhà cửa.
Ngay gia đình Rolan với ông rể người Mỹ đang ở trong chính ngôi nhà họ giữa buôn, thì ông Mừng - bố Rolan - cũng cho biết: Họ nợ hàng trăm triệu “vay các khoản”. Nợ ngân hàng. Nợ lãi ngoài để trồng cà phê khoảng 30 triệu đồng, với mức “giá rẻ thê thảm” của cà phê nhân hiện nay, niên vụ tới chưa biết làm sao trả nợ nổi. Chúng tôi đi khoảng 20 bước chân sang bên kia đường, vào tình cờ một quán bán tạp hóa.
Tất cả các cụ ông, cụ bà ở đó đều xác nhận nhà mình nợ ngân hàng, nợ con buôn rất nhiều. Ông Ha Kim (52 tuổi) cùng các bô lão đang ngồi chơi đều cho biết: Khu vực này, bà con, nhà nào cũng nợ ngân hàng và nợ con buôn (từ ngữ nguyên văn). Ông Ha Tum bảo, ông đảo nợ ngân hàng vì đáo hạn sợ tịch thu mất nhà cửa, ông phải vay với mức lãi ngày: 1 triệu đồng thì trả 5.000 đồng/ngày, mỗi tháng mất 150.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay lãi. Ông vay 40 triệu thì một tháng phải trả 6 triệu đồng tiền lãi!!! Lý do họ buộc phải vay lãi, tất cả đều tương tự như sau, theo lời ông Ha Kim (người thiểu số) và các bô lão: “Một hộ vay tiền ngân hàng với sổ đỏ thế chấp và phải trả lãi suất theo quy định thì họ được vay 50 triệu đồng. Họ thường vay để trồng cà phê. Trồng cà phê, một vấn đề quá vất vả và bấp bênh. Công bỏ ra, phân tro, giống má, từ đó ba năm sau mới được thu hoạch thì thu hoạch lợi nhuận lại ít, hái bói được ít cà phê lắm, bán ra thì mấy năm nay giá chả ra gì, một ký được 3.000 đồng nên bà con bị lỗ. Lỗ không trả được nợ ngân hàng, đáo hạn sợ mất đất mất nhà nên phải vay lãi ngoài.
Trong quá trình thua lỗ, mất mùa, rớt giá đó, họ phải ăn, uống, đi viện, cho con học hành, cưới xin ma chay. Tiền lấy ở đâu? Vay lãi ngoài thôi. Người cho vay lãi ngoài là con buôn. Vay con buôn xong, trả cho ngân hàng, rồi chạy chọt làm thủ tục vay trở lại. Lấy tiền từ ngân hàng trả lại con buôn. Nếu không trả là thành quá hạn. Với con buôn, một ngày vay 1 triệu phải trả 5.000 đồng, lúc quá hạn thành 10.000 đồng ngay lập tức”.
Chúng tôi đến thăm nhà của Cil Mup Ringor, rồi ghé từng nhà, xem từng cuốn sổ nợ ngân hàng, phỏng vấn từng đứa con đang là “chủ gia đình” của các cụ, về lý do họ buộc phải đi vay nặng lãi đồng loạt. Càng đi sâu tìm hiểu, càng thấy hoang mang, thương xót. Kơ Liêng K’Hiếu tâm sự: “Buộc phải đi vay, chưa biết cách nào trả nổi, nhưng cứ phải đi vay để sống, để không bị mất nhà do nợ ngân hàng quá hạn không trả nổi”.
Rời mảnh đất đẹp và huyền bí Tây Nguyên, chúng tôi mang theo hình ảnh những buồn tê tái, những câu chuyện không thể ám ảnh hơn. Người phụ nữ trẻ ở xã Phúc Thọ, khi chứng kiến chồng bán đến cái côngtơ điện đang treo trên cột trước nhà để trả nợ “con buôn”, chấp nhận sống trong tù mù tăm tối, đã khóc, nói: Nhà bị xiết nợ mất, ra mảnh đất này ở gá, họ giải tỏa lúc nào thì mất nhà lúc đó.
Vợ chồng vào rừng đẵn gỗ, xẻ từng miếng mỏng ốp thành cái lều này. Kiểm lâm họ bắt, phải bỏ tiền ra chuộc người về, mất cả cưa. Nhà bây giờ mưa dột không ngủ được, mưa ướt bếp củi không nấu nướng được. Tháng trước, thằng cu nhà tôi nó ở trên gác gỗ giữa nhà nó thả xuống cái giấy báo đóng tiền đầu năm, nó bảo, mẹ cho con đi học tiếp thì mẹ ký vào giấy, bằng không thì con buộc phải nghỉ.
Đứa con gái sau thì không có xe đạp nên phải nghỉ học vì trường xa”. Người đàn bà khóc nức nở trong căn bếp mù mịt khói, lũ trẻ chạy loăng quăng kiếm rau và vài thứ thức ăn đồng rừng cho bữa trưa khổ sở. Vợ chồng anh chị có 5 đứa con. Bi kịch lại lặp lại ở nhiều gia đình nơi này, rất giống nhau. Cưới chồng cho cô con gái cả, anh chị vay nặng lãi để tổ chức ăn uống. “Nhiều nhà mình từng mừng họ, mình chờ họ mừng lại khi mình làm cỗ cưới. Nhưng họ không đến dự và cũng không mừng lại tiền. Thế là nợ tiền cưới con gái đến giờ vẫn chưa trả, hằng tháng nai lưng ra trả lãi” - anh chồng kể.
Với anh, khoản nợ 50 triệu đồng cứ treo ở đó, hành trình trả được nó, dài như những kiếp phận người buồn. Kể cả chấp nhận lên rừng xẻ gỗ thuê, phá rừng theo đúng nghĩa, bây giờ cũng chả có lối ra nữa, vì kiểm lâm làm rất gắt gao. Nhiều gia đình người thiểu số hết sức trớ trêu, chỉ vì gả chồng cho con gái mất nhiều sính lễ cho nhà trai (do mẫu hệ), mà phải mất nhà cửa vì vay nặng lãi rồi không tài nào trả nổi.