Giá cước vận tải: Vẫn đang thanh, kiểm tra
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Tài chính cho biết trong 9 tháng đầu năm 2015 đã phối hợp với Bộ Công Thương ban hành 17 văn bản điều hành giá xăng dầu, chủ yếu điều chỉnh giảm (xăng giảm 7 lần, tăng 4 lần; dầu hỏa giảm 12 lần, tăng 2 lần; dầu điêzen giảm 9 lần, tăng 3 lần; dầu Madut giảm 9 lần, tăng 3 lần). Tính chung đến ngày 18/9 so với thời điểm cuối năm 2014, giá bán lẻ xăng RON 92 vẫn tăng 70 đồng/lít, dầu điêzen giảm 3.110 đồng/lít, dầu hỏa giảm 4.610 đồng/lít; mazut giảm 3.490 đồng/lít.
Trả lời câu hỏi của PLVN về tình hình giảm giá cước vận tải theo diễn biến của giá xăng dầu cho đến thời điểm hiện nay, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết, ngay sau khi theo dõi diễn biến giá xăng dầu trên thế giới giảm, Bộ Tài chính đã có 2 văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, UBND, Sở Tài chính, Sở GTVT các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương đôn đốc việc kê khai giá các loại hình cước vận tải. “Bộ GTVT đã thành lập các đoàn đang kiểm tra và dự kiến kết thúc trước 20/10. Sau khi kết thúc sẽ có kết quả cụ thể hơn…”- ông Tuấn cho biết.
Yếu tố đầu vào của giá sữa và giá xăng không giống nhau?
Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 28/9/2015 đã có 768 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương.
“Giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được thiết lập mặt bằng giá tối đa, về cơ bản giá được kiểm soát. Giá bán lẻ các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi hiện đã giảm khoảng từ 0,1-34% so với thời điểm trước khi Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá...”- Báo cáo nêu.
Trước diễn biến giá sữa nguyên liệu giảm song giá sữa trong nước vẫn không giảm, trước đó Bộ Tài chính đã có văn bản dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan khẳng định giá nhập khẩu thành phẩm về Việt Nam của các doanh nghiệp là ổn định.
Ngoài giá nguyên liệu sữa, cơ quan này cũng dẫn ra một loạt yếu tố cấu thành giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sản xuất trong nước đều có xu hướng tăng, đó là các yếu tố: lương tối thiểu vùng, tỷ giá, chi phí quảng cáo, khuyến mại, giá điện.
“Sữa đang thực hiện bình ổn giá bằng kê khai giá. Cục Quản lý giá vẫn thường xuyên theo dõi để xác định giá tối đa từ nguồn hải quan. Vừa qua giá sữa thành phẩm ổn định khi nhập. Giá nguyên liệu có giảm nhưng khi rà soát các yếu tố giảm, tăng cho thấy yếu tố tăng gây áp lực giá tối đa. Cục đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh sữa phải tiết giảm chi phí theo tinh thần Nghị quyết của Chính phủ…”- Cục trưởng Tuấn chia sẻ.
Trả lời PLVN liệu có công bằng không khi các doanh nghiệp vận tải cũng vin vào một loạt yếu tố cấu thành giá tăng để trì hoãn việc giảm cước, ông Tuấn cho biết: “Cước vận tải cũng xác định yếu tố đầu vào, cơ cấu chi phí có khác nhau và từ tính toán đó kiến nghị biện pháp quản lý giá phù hợp…”.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, 9 tháng đầu năm đã thanh, kiểm tra gần 52 nghìn doanh nghiệp, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2014; số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra khoảng 8,4 nghìn tỷ đồng, đã nộp ngân sách nhà nước trên 6 nghìn tỷ đồng; giảm khấu trừ và giảm lỗ gần 16,2 nghìn tỷ đồng; đã thu được trên 24,5 nghìn tỷ đồng số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2014. Cơ quan Hải quan đã thực hiện 1.835 cuộc thanh tra sau thông quan, bằng 57% kế hoạch; xử lý truy thu vào ngân sách nhà nước khoảng 1.189 tỷ đồng, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2014.
Liên quan đến 600 doanh nghiệp nợ thuế, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong tổng số thuế nợ phải thu hồi 11.200 tỷ đồng, Tổng cục đặt mục tiêu thu hồi nhanh nhất, tuy nhiên hiện mới thu được 2.200 tỷ đồng. Tổng cục đang chỉ đạo 2 Cục Thuế Hà Nội, TP.HCM quyết liệt áp dụng biện pháp đúng quy định của Luật Quản lý thuế.