Thay đổi chiến lược của IS như vậy sẽ gây nên sự leo thang nguy hiểm đối với người dân ở châu Âu và Mỹ, những quốc gia tham gia vào cuộc chiến chống lại IS. Không như al-Qaeda, IS cho rằng bất kể ai là người phương Tây đều là mục tiêu của nhóm.
IS giết người ngẫu nhiên khi thực hiện khủng bố
Theo WSJ, vụ thảm sát Paris xảy ra khi IS đang thất bại trên mặt trận quân sự tại Syria và Iraq, mất lãnh thổ vào tay người Kurd ở cả hai quốc gia này và vì phải chịu chiến dịch không kích bởi cả liên minh do Mỹ dẫn đầu, và từ đầu năm nay là Nga.
“IS đang bị tấn công, vì thế nó chuyển hướng sang hoạt động khủng bố, đặc biệt là ở châu Âu, bởi vì đây là nơi mà chúng có thể thâm nhập vào dễ dàng. Đây là cách để IS nói với thế giới rằng chúng là một nhóm luôn có cách thực hiện những vụ khủng bố ở quy mô lớn", Camille Grand, giám đốc Fondation pour la Recherche Strategique, một viện nghiên cứu chính sách về vấn đề quân sự và an ninh.
Tuy vụ thảm sát Paris không phải là hành động khủng bố đầu tiên ở phương Tây do IS thực hiện, nó là vụ khủng bố có mức độ tinh vi và thiệt hại về con người lớn nhất. Vụ khủng bố xảy ra 2 tuần sau khi IStuyên bố đã bắn hạ máy bay chở khách Nga tại Ai Cập.
Cho đến nay, hầu hết các cuộc tấn công của IS ở phương Tây, chẳng hạn như các cuộc tấn công vào tháng 1 tại một siêu thị tại Paris và hồi tháng 12/2014 là vụ bắt cóc con tin tại một quán cà phê ở thành phố Sydney, được cho là do những kẻ thân IS thực hiện, chứ không phải là do những thành viên thuộc tổ chức này trực tiếp thực thi lệnh của những kẻ chóp bu.
"Nếu những vụ khủng bố trên được thực hiện bởi những kẻ đứng đầu IS ra lệnh, nó nói lên mục tiêu mới của IS: chúng sẽ trừng phạt bất cứ ai cản đường của sự mở rộng của nhà nước Hồi giáo", William McCants, một chuyên gia về Hồi giáo cực đoan tại Viện Brookings và là tác giả của một cuốn sách mới xuất bản có tên "The IS Apocalypse”.
Các tuyên bố nhận trách nhiệm mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tung ra không nêu tên những kẻ tấn công Paris hoặc cung cấp những đoạn video làm bằng chứng như cách chúng thường làm trong những vụ đánh bom ở Trung Đông. Tuy nhiên, các chuyên gia khủng bố tin rằng những kẻ gây ra vụ thảm sát hôm thứ 6 không phải là những “con sói đơn độc”.
“Mức độ phức tạp của các cuộc tấn công ở Paris cho thấy chúng ta đang phải đối mặt với một tổ chức, với những hành vi không chỉ bị dẫn dắt bởi sự kích động, mà được tổ chức hẳn hoi”, ông Grand nói.
Một khi Nhà nước Hồi giáo còn kiểm soát được một vùng rộng lớn ở Syria và Iraq, đồng thời duy trì tính chính danh trong mắt những kẻ Hồi giáo cực đoan, chừng đó các cuộc tấn công khủng bố sẽ còn tiếp diễn.
“Pháp và những quốc gia đi theo chân Pháp cần hiều rằng các ngươi là mục tiêu hàng đầu đối với Nhà nước Hồi giáo, và rằng mùi của thần chết sẽ không rời lỗ mũi của cac ngươi…. Thực ra, đây mới chỉ là bắt đầu”, IS đe dọa trong tuyên bố nhận trách nhiệm các vụ tấn công Paris.
Với thực tế là giết một ai đó bất kỳ trong một thành phố phương tây là điều không quá khó với IS, lời đe dọa trên không phải chỉ là dọa suông. Lời đe dọa đó cũng khiến giới quan sát đặt câu hỏi về chính sách của Mỹ, chỉ dùng một lực lượng giới hạn chứ không dùng tổng lực để nhổ tận gốc IS.
"Không nghi ngờ gì, đây là một mối đe dọa mới cho nhân loại, và thực sự khó để tưởng tượng làm thế nào có thể khống chế nó" Hassan Hassan, làm việc Viện Hoàng gia quan hệ quốc tế ở London và là tác giả của một cuốn sách nghiên cứu về IS cho biết. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể ngăn chặn khủng bố nếu không đánh bại chúng hoàn toàn ở hang ổ của chúng ở Iraq và Syria”.
Trong tương lai gần, Nhà nước Hồi giáo nguy hiểm hơn nhiều so với tổ chức al Qaeda, nhiều chuyên gia nhận xét. Không giống như Nhà nước Hồi giáo, al Qaeda có cương lĩnh chính trị, ví dụ, không kêu gọi diệt chủng hoàn toàn đối với người Shiite. Trong cuộc tấn công hồi tháng 1 nhắm vào tờ tạp chí Charlie Hebdo ở Paris của al-Qaeda, những kẻ thực hiện khủng bố không giết những người đi đường, điều này khác xa những gì đã xảy ra trong cuộc thảm sát hôm thứ sáu.
"Al Qaeda chọn mục tiêu mang tính biểu tượng," Stephane Lacroix, một chuyên gia nghiên cứu Hồi giáo cực đoan tại trường đại học Khoa học Po ở Paris, nói. "Nhưng IS cho rằng đang có một cuộc xung đột, chúng chọn mục tiêu một cách ngẫu nhiên, giết hại những người ngoài cuộc, và điều này làm cho việc ngăn chặn chúng trở nên vô cùng khó khăn”.
Pháp phát lệnh truy nã
Cảnh sát Pháp đã phát đi một cảnh báo và công bố ảnh của Abdeslam, miêu tả anh ta cao 1,75m. Cảnh báo nói rằng anh ta là đối tượng “nguy hiểm” và khuyên công chúng không nên cố gắng tự mình tóm hắn. Mặc dù cảnh báo nói anh ta sinh tại Brussels (Bỉ) nhưng giới chức Pháp cho biết anh ta là một công dân Pháp.
Nghi phạm Salah Abdeslam, 26 tuổi, được miêu tả là nguy hiểm. |
Giới chức Pháp cho hay Abdeslam là một trong 3 anh em tra có liên quan tới vụ khủng bố ở Paris. Một người trong số đó nằm trong 7 kẻ tấn công đã chết trong vụ khủng bố, còn một người mới bị bắt.
Trong ngày hôm qua 15/11, cảnh sát đã tìm thấy một chiếc xe được sử dụng trong vụ tấn công bị bỏ lại tại Montreuil, phía đông Paris, làm dấ lên nghi ngờ rằng ít nhất 1 nghi phạm đã trốn thoát.
Chiếc xe Seat được tìm thấy tại Montreuil được tin là đã được các tay súng sử dụng khi chúng chĩa súng vào các thực khách tại các nhà hàng vào tối thứ 6. Một số khẩu AK-47 cũng được tìm thấy trên xe.
Chiếc xe Seat và một chiếc xe khác mà các tay súng sử dụng - Volkswagen Polo - được thuê tại Bỉ. Chiếc Polo được tìm thấy gần rạp hát Bataclan, nơi 89 người bị sát hại.
Giới chức Bỉ cũng bắt giữ 7 người liên quan tới các vụ tấn công tại Paris, trong đó 4 người bị bắt ngày Chủ nhật và 3 người bị bắt một ngày trước đó.
Trong khi đó, giới chức Pháp cho biết 2 trong số 7 tên khủng bố đã thiệt mạng tại Paris tối 13/11 là người Pháp, nhưng sống tại Brussels, Bỉ.
Cho tới nay, chỉ có một tay súng đã chết bị nêu tên là Ismail Omar Mostefai, một công dân Pháp 29 tuổi. Tên này từng có lý lịch hình sự và đã bị tình báo Pháp coi là một phần tử cực đoan Hồi giáo tiềm tàng.