Người dân Paris xếp hàng dài ở một bệnh viện chờ hiến máu cho các nạn nhân - Ảnh: AP |
Khủng bố gây đổ máu, người Paris đi hiến máu
Sáng ngày 14-11, cư dân thành phố Paris và cả nước Pháp thức dậy trong nỗi đau và sự bàng hoàng. Cơn ác mộng đêm trước dường như vẫn hằn sâu trong tâm trí từng người dân, lan đến cả từng cánh cửa đóng im ỉm trước nhiều cửa hàng và doanh nghiệp trong thành phố.
Kinh đô ánh sáng, thành phố của tình yêu nay đã biến thành một thành phố đầy đau thương và tang tóc.
Trái với sự hoang vắng ở các con đường vốn đông đúc, hàng dài người xếp hàng trước cổng bệnh viện để hiến máu cho các nạn nhân, mặc dù chính quyền trước đó đã kêu gọi họ nên ở nhà để đảm bảo an toàn.
Bên ngoài bệnh viện Saint Louis, dòng người xếp hàng đầy kiên nhẫn chờ đến lượt hiến máu. “Đây là cách duy nhất tôi nghĩ ra được để phản ứng (cuộc khủng bố). Đó là giúp đỡ người khác một cách thiết thực nhất” - Telegraph dẫn lời cô Camille Ruiz, 26 tuổi.
Những đóa hoa tưởng niệm đặt quanh nhà hát Bataclan - Ảnh: Reuters |
Trong tiết trời chớm lạnh đầu đông, hàng nghìn người vẫn kiên nhẫn chờ đợi trong lặng lẽ, bởi họ biết rằng, những ngôn từ chia sẻ hay nước mắt tiếc thương, giờ đây đã trở nên quá thừa thãi.
“Đây là cách duy nhất tôi nghĩ ra được để phản ứng trước cuộc khủng bố. Đó là giúp đỡ người khác một cách thiết thực nhất” - Telegraph dẫn lời cô Camille Ruiz, 26 tuổi.
Nhà báo về hưu 68 tuổi Babey khẳng định: “Bọn khủng bố gây đổ máu còn chúng tôi hiến máu. Đây là tình đoàn kết của người dân Pháp. Đây là phản ứng của chúng tôi”.
Còn anh William Haddad sống ở Le Carillon cho biết: “Tôi khỏe mạnh nên phải đi hiến máu. Chúng tôi phải giúp đỡ các nạn nhân”.
Ở bệnh viện Georges Pompidou, bác sĩ Philippe Juvin, trưởng khoa cấp cứu xúc động kể rằng người dân Paris đến hiến máu mà không cần ai kêu gọi. “Họ phải chờ đợi cả ba giờ để hiến máu, nhưng vẫn rất kiên nhẫn. Có lẽ chúng tôi phải đề nghị nhiều người quay trở lại vào ngày mai”, ông nói.
Tại nhà hàng Le Petit Cambodge và quán bar đối diện, nơi bọn khủng bố tắm máu người vô tội, người dân Paris đặt mua, thiệp, đốt nến.. để tưởng nhớ các nạn nhân.
“Chúng tôi không được phép sợ hãi. Bởi chúng tôi sợ hãi thì bọn khủng bố sẽ chiến thắng” - cặp đôi Hubert Denise và Ophelie Dumas sống gần đó khẳng định.
Trên một đoàn tàu Eurostar, hành khách Stephanie Decouvelaere cho biết bất chấp khuyến cáo của nhà chức trách, bà sẽ không thay đổi kế hoạch đi lại từ Paris tới Lyon rồi chở lại thủ đô trong bốn ngày tới. Bà khẳng định điều quan trọng là mọi người vẫn phải tiếp tục sống và làm việc một cách bình thường.
“Tôi nghĩ rằng hãy phớt lờ bọn khủng bố” - bà Decouvelaere nói. Rất nhiều hành khách khác trên đoàn tàu cũng bày tỏ suy nghĩ tương tự.
Trong khi đó, từ sáng cũng có hàng nghìn người đến tập trung ở quảng trường gần nhà hát Bataclan ở đại lộ Voltaire, “tâm chấn” của cuộc khủng bố đêm 13-11, dù nhà chức trách cấm diễu hành để đảm bảo an toàn.
Hoa và nến cũng được nhiều người mang đến đây để tưởng niệm các nạn nhân. “Tôi có vài người bạn bị bắn. Tôi đến đây để cầu nguyện dù tôi không tin vào một đức chúa trời nào cả” - cô Julie Furlan, 35 tuổi, thổ lộ.
Hát quốc ca, hỗ trợ trú ẩn
Không chỉ sau khi thảm họa kết thúc người dân Paris mới thể hiện tinh thần và bản lĩnh như vậy, mà họ đã thể hiện sự can trường của mình ngay từ khi thảm hoạ xảy ra.
Bắt đầu từ tiếng nổ lớn đầu tiên vang lên trong trận giao hữu giữa hai đội bóng Pháp và Đức đêm 13-11, hàng nghìn khán giả đã nhanh chóng nhận thức được tình hình khủng bố qua tin nhắn điện thoại. Nhưng họ không hoảng loạn.
Miệng hát vang quốc ca La Marseille, trong tư thế bình tĩnh đến hiên ngang, các cổ động viên Pháp di chuyển qua đường hầm sân bóng và ra khỏi hiện trường sau khi có lệnh di tản.
Hashtag #PorteOuverte (nghĩa là “mở cửa”) cũng rực sáng trên mạng xã hội Twitter của cộng đồng người Pháp ngay trong đêm đó. Họ kêu gọi người dân các khu vực bị tấn công mở cửa đón bất kỳ ai được di tản vào nhà để trú ẩn.
“Tôi đang ở nhà, trong khu vực này, hãy liên hệ tôi nếu bạn cần chỗ trú ẩn” - mẩu thông điệp chung được lan đi chóng mặt trong buổi tối định mệnh cho biết.
Thậm chí, nhiều người còn đăng cả địa chỉ nhà lên Twitter để hỗ trợ người bị nạn, hay đề nghị người di tản liên lạc với họ qua Twitter. Hệ thống này tỏ ra có rất hiệu quả.
“Các bạn của tôi đã an toàn trong nhà một phụ nữ không quen biết. Bà ấy nấu bữa tối và chuẩn bị giường ngủ cho họ. Lạy Chúa lòng lành” - một người sử dụng Twitter viết.
Mandy Gilman, một người Mỹ đã sống ở Paris 26 năm qua, xúc động cảm thán: “Người dân Paris có tinh thần bình tĩnh những lúc thảm họa và Paris sẽ không bao giờ bị khủng bố đánh bại. Tôi vẫn cảm thấy ở Paris an toàn hơn là ở New York”.
Không chỉ có vậy, những tài xế taxi tại thủ đô Paris cũng tình nguyện chở người dân về nhà sau khi lệnh di tản được ban bố.
“Mọi người được yêu cầu sơ tán khỏi những nơi như khách sạn hay phòng hoà nhạc, những nơi họ đến để nghỉ ngơi thư giãn trong tối thứ 6 cùng với gia đình và bạn bè”.
“Giờ đây, họ được yêu cầu phải trở về nhà. Vấn đề tất yếu mà họ đang phải đối mặt là làm thế nào để di chuyển ngay trong thời điểm đó”.
Nhận thức được tình hình nguy cấp, tất cả tài xế taxi ở thủ đô Paris đồng loạt tắt đồng hồ tính cước để chở người dân đi lại miễn phí, sau khi hệ thống phương tiện công cộng tại thành phố như xe bus và tàu điện ngầm bị phong tỏa.
Họ lao động miễn phí một cách cần mẫn thay vì trở về nhà nghỉ ngơi vì sợ hãi.
Đó chính là bản lĩnh và sức mạnh tinh thần của người Pháp.
Vì một thế giới hoà bình
Nghệ sĩ thể hiện ca khúc Imagine thu hút sự quan tâm đông đảo từ người đi đường - Ảnh: Mirror |
“Hãy tưởng tượng rằng không có thiên đàng hay địa ngục nào cả. Phía trên chúng ta chỉ có một bầu trời. Hãy tưởng tượng rằng tất cả mọi người đều đang sống vì ngày hôm nay”.
“Hãy tưởng tượng rằng không có ranh giới quốc gia, không giết chóc, và không có tôn giáo nào cả. Hãy tưởng tượng rằng tất cả mọi người được chung sống trong hoà bình”.
Đó là lời bài hát Imagine của cố nhạc sỹ John Lenon, được một nghệ sĩ dương cầm thể hiện trước nhà hát Bataclan ngay sau đêm kinh hoàng.
Kéo chiếc dương cầm đi trên phố sau chiếc xe đạp đã cũ, nghệ sĩ người Đức Davide Martello trình diễn bản độc tấu không lời ca khúc này như bày tỏ sự tiếc thương vô hạn đối với các nạn nhân xấu số.Sau khi bài hát chấm dứt, nhiều người xung quanh, kể cả bản thân người nghệ sĩ đã không cầm được nước mắt. Trên Twitter và Facebook, nghệ sĩ Martello viết: “Paris - Tôi đồng cảm với các bạn. Hãy cùng nhau xây dựng một thế giới tự do và hòa bình”.
Có lẽ, đó cũng chính là ước mong của biết bao người dân Paris cũng như trên thế giới đang hướng tới, ngay trong hiện tại, ngay sau thảm hoạ tang thương này.