Cuộc sống luôn có những khó khăn, trắc trở. Người mạnh mẽ luôn tìm cách để đối đầu với thử thách, vượt qua gian khổ. Người yếu đuối sẽ chọn cách trốn tránh thực tại, thu mình trong lớp vỏ ốc tự tạo. Và tự vẫn là con đường ngắn nhất mà những con người ích kỷ, bạc nhược lựa chọn để giải thoát bản thân, để lại nỗi đau khổ cho người thân.
Đau đến mức không thể khóc
Căn nhà lầu ba tầng khang trang ở vùng ngoại ô TP Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) u ám trong một sáng cuối đông lạnh lẽo. Cửa đóng then cài kín mít. Ô cửa sổ bên hông nhà, bụi và mạng nhện bám tứ tung. Tường cũ úa màu rêu mốc.
Mấy năm trước, nơi đây vốn là tổ ấm hạnh phúc của mẹ con Nguyễn Linh Vy. Sau ngày mẹ tự tìm đến cái chết, không thể sống đơn độc trong ngôi nhà rộng lớn, cô gái dọn về nhà ông bà ngoại tá túc. Căn nhà cũ cho người khác thuê trọ. Mấy tháng nay, khách trọ dọn đi, ngôi nhà bỏ không vì chưa tìm được người mướn nên càng tiêu điều, hoang lạnh.
Cha qua đời vì bạo bệnh khi Vy chỉ mới chập chững biết đi. Người mẹ một mình chèo chống nuôi cô con gái trưởng thành. Thương con thiệt thòi, phải sớm chịu cảnh mồ côi, mẹ Vy dành hết tình yêu cho con. Bà vừa làm mẹ, vừa làm cha, gắng sức bù đắp sự khuyết vắng bóng cha cho con mình. Được mẹ bao bọc, chở che, Vy chẳng phải mó tay vào bất cứ việc gì.
Đã là nữ sinh viên, nhưng một bữa cơm, Vy cũng không biết nấu. Cô cũng chẳng biết làm thế nào quét nhà cho sạch, rửa bát mà không vỡ; hay đơn giản là lấy sạch xương ở một miếng cá chiên; khi mọi thứ đã có người mẹ ở bên lo lắng và giành làm tất cả.
Thương con như thế, nhưng chẳng hiểu sao, mẹ Vy lại tìm đến cái chết, đành đoạn bỏ lại cô con gái bơ vơ một mình. Ngày mẹ nhảy lầu tự vẫn, Vy đang học năm nhất đại học. Cô đau đớn bàng hoàng, thẫn thờ như không hồn, ngồi lặng câm bên quan tài mẹ. Nhìn Vy trong bộ đồ tang trắng toát, đôi mắt mở to ráo hoảnh, ánh mắt ngây dại, không rớt nổi một giọt nước mắt, khiến ai đến viếng cũng xót xa thương cảm.
Bà ngoại Vy giọng khẽ khàng kể về cái chết của con gái út, giọng nghèn nghẹn: “Đã nhiều năm trôi qua, nhưng đến nay tui vẫn không biết vì sao con gái mình tự tử. Có người nói nó căng thẳng vì áp lực công việc, có người nói nó vỡ nợ, có người lại bảo do chuyện tình cảm. Nhưng hắn ra đi không để lại thư từ chi hết, nên lí do nào cũng chỉ là suy đoán mà thôi”.
Gương mặt bà lão nhăn nheo, mái tóc bạc phơ vì sương gió, bày tỏ nỗi niềm: “Con Vy đã côi cút vì mất cha, giờ mẹ cũng mất nốt. Suốt thời gian dài, con bé không nói, không cười, cũng không khóc khiến trong nhà ai cũng phát hoảng. Trong khi trước đây nó lúc nào cũng ồn ào, chẳng bao giờ chịu ngồi yên được một phút.
Hồi căn nhà chưa kiếm được người thuê, chiều chiều con bé cứ sang bên ấy, ngồi thẫn thờ trong góc bếp. Có khi trời tối mịt, hắn vẫn ngồi thu lu như rứa mà chẳng bật đèn bật đóm chi. Sợ con bé nghĩ quẩn, rồi “đi” theo mẹ, nên người thân phải thay phiên nhau kèm con bé không rời nửa bước”.
Đang giữa chừng câu chuyện, Vy đi về. Thấy nhà có khách, Vy lặng lẽ gật đầu chào rồi đi thẳng vào nhà. Gương mặt cô gái phẳng lặng không một chút cảm xúc khiến người đối diện chẳng thể đoán được cô đang vui hay buồn. Thấy cháu gái đã khuất bóng sau cầu thang, bà lão khe khẽ thở dài, tiếp tục câu chuyện.
Bà kể, lần duy nhất Vy khóc là khi lên mạng đọc báo, thấy thông tin người ta bảo mẹ chết là do vỡ nợ. “Đêm đó con bé ôm tôi khóc suốt đêm. Hắn cứ hỏi tui: “Có phải mẹ sợ nếu bán nhà để gán nợ, con sẽ không có nhà để ở, nên mẹ mới tự tử để trốn nợ, cố giữ lại cái nhà đó cho con?”,“Có phải mẹ sợ con khổ nên mới chết không?”,
“Nếu mà con giỏi giang như người ta, chắc mẹ sẽ không vì lo cho con mà chết?”, “Mẹ không biết là cực mấy mà có mẹ, con cũng chịu hết”. Nghe con bé vừa nói vừa khóc, tui chỉ biết ôm hắn thật chặt, trong lòng đau như bị ai cào xé. Nếu mẹ con Vy biết được sau khi hắn chết, con gái mình sẽ đau đớn tột cùng như rứa, không biết hắn có nghĩ lại không?”, bà ngoại Vy thẫn thờ.
Bà bảo, trên đời này, chẳng có cái gì gọi là đường cùng. Không có đường này thì kiếm đường khác, sao lại tìm đến cái chết? “Sống được mới khó, chứ chết thì dễ lắm. Mỗi lần nghĩ đến đứa con gái đã mất, rồi nhìn đứa cháu ngoại côi cút, suốt ngày lặng lẽ như cái bóng, tui vừa thương nhớ con, lại vừa giận hắn ghê gớm. Chừ mộ mẹ con Vy đã xanh cỏ, nhưng nỗi đau trong lòng con bé biết bao giờ mới nguôi ngoai?”.
Mẹ ai oán khóc con cạn nghĩ
Cách nhà Vy chừng 60 km, xuôi theo quốc lộ 1A về phía Nam, căn nhà nhỏ của bà Trần Thị Thi (ngụ huyện Phú Lộc) nằm khép nép bên bờ phá Tam Giang. Mặt trời đã khuất dạng từ lâu nhưng bà vẫn ngồi thẫn thờ nơi góc giường, chẳng buồn bật điện. Trong bóng tối chập choạng, giữa tiếng vo ve của đám muỗi đói, bà dõi ánh mắt vô hồn nhìn ra bậu cửa. Phía bàn thờ, di ảnh con trai vẫn nghi ngút khói nhang.
Bà vẫn chưa thể quen ý nghĩ đứa con trai mà mình đã đặt bao kỳ vọng giờ đã không còn trên mặt đất này. Ngày ngày, bà cứ ngồi nơi chiếc giường ọp ẹp, ánh mắt đau đáu nhìn ra ngõ. Hễ có bóng ai bước qua, bà lại bổ nhào ra cửa, cứ nghĩ là con trai vừa đi đâu đó về. “Trước khi hắn tự tử, vợ chồng tui không thấy hắn có biểu hiện chi khác lạ. Hắn mới 22 tuổi chứ mấy, đang học năm cuối đại học, tương lai rộng mở như rứa…”, người mẹ mất con òa khóc nức nở, đôi vai gầy rung rung theo từng tiếng nấc nghẹn đau đớn.
Bà có ba đứa con, nhưng chỉ có người con trai lớn là quanh quẩn bên bà nhiều nhất, hai người con còn lại vẫn còn rất nhỏ. Sức khỏe yếu nên bà quanh năm đau ốm, người con trai lớn lúc nào cũng kề cận một bên, hết lòng chăm sóc mẹ. Cho nên khi con mất, nỗi đau đớn trong lòng người mẹ càng nhân lên gấp bội.
Một người hàng xóm sống cạnh nhà rùng mình nhớ lại: “Hồi thằng bé tự tử, cả làng ni không ai dám ra đường ban đêm. Có nhiều người sau khi nhìn thấy thân thể cháy đen, co quắp của thằng bé, suốt mấy ngày liền không ăn nổi cơm, đêm nằm ngủ cũng không yên giấc vì bị ám ảnh. Cha mẹ nhọc nhằn sinh con, rồi cực khổ nuôi con khôn lớn, vậy mà muốn chết là chết, chẳng hề nghĩ ngợi chi đến người thân. Tụi nhỏ bây giờ cạn nghĩ quá. Người chết cũng đã chết rồi, chẳng nên trách cứ, nhưng cứ nghĩ đến sự dại dột của thằng bé, lại thấy cay đắng cho cha mạ hắn”.
Từ ngày con trai không còn, căn nhà năm người giờ còn lại bốn, nhưng trống vắng hẳn. Không khí trong nhà lúc nào cũng lặng lẽ, u uất. Thấy cha mẹ đau buồn, hai đứa con nhỏ của bà cũng không dám nói lớn cười to. Đau buồn nhiều, sức khỏe bà ngày càng thêm kiệt quệ. Người mẹ còm cõi vẫn ngày ngày day dứt, chẳng biết vì sao con mình tìm đến cái chết bằng cách tự thiêu đầy đau đớn. Câu trả lời, chỉ có người nằm dưới ba tấc đất kia biết được, nhưng chẳng thể lên tiếng.
Không may mắn như bà Thi còn có chồng con bên cạnh, bà Lê Thị Hạ (ngụ cùng huyện Phú Lộc) chỉ đơn độc một mình sau ngày con trai tự tìm về với đất. Năm 40 tuổi, bà Hạ mới dám liều mình “kiếm” được một mụn con. Nhà nghèo, mẹ con bà rau cháo nuôi nhau, thấm thoắt mà đã hai mấy năm trời. Từ ngày con trai uống thuốc rầy tự vẫn, bà như già thêm chục tuổi, suốt ngày vào ra lặng lẽ trong căn nhà xiêu vẹo, lụp xụp. Cứ nghĩ đến việc con trai tìm đến cái chết vì bị người yêu phụ bạc như mọi người đồn đoán, lại khiến lòng bà càng thêm tái tê.
“Tui chỉ có mình hắn, mạ con lâu nay sướng khổ đều có nhau. Hồi đẻ hắn ra, do tui lớn tuổi nên sinh khó, lại thiếu tháng, suýt chút nữa hai mạ con không giữ được mạng. Cực khổ mấy tui cũng ráng cắn răng chịu đựng, mạ con sớm tối hủ hỉ với nhau. Hắn cứ nói với tui “mai mốt con ở rứa với mạ, chứ không lấy vợ mô. Chứ lỡ may lấy phải cô vợ xấu tính, sợ mạ cực”.
Biết hắn nói đùa, nhưng lần mô tui cũng nói, “trai lớn thì phải lấy vợ, gái lớn thì phải lấy chồng”. Con phải lấy vợ rồi kêu vợ sinh thật nhiều con, để mạ ẵm bồng, nhà mới vui được. Rứa mà chừ hắn đành đoạn bỏ tui mà đi, không một lời từ biệt”, bà nghẹn ngào. Nước mắt người mẹ bạc phước đã cạn khô từ lâu vì khóc thương con, chẳng thể nào rớt thêm một giọt.
Bà tiễn khách bằng lời ai oán: “Tui cứ nghĩ sau này khi tuổi già bóng xế, mình có con trai bên cạnh để nương nhờ. Chừ hắn đành đoạn tự vẫn như rứa, để tui sống đơn độc như ri. Mai mốt nằm một chỗ, tui biết trông cậy vô ai?”. Chẳng biết ở trên trời cao, con trai bà có nghe thấy những lời ai oán của mẹ?
(Tên các nhân vật đã được thay đổi)
Theo một số liệu, mỗi năm, số người tử vong do tự sát trên thế giới là khoảng một triệu người.Con số tự sát nhưng không thành công khoảng 10 -20 triệu người. Tự sát đang là nguyên nhân đứng thứ 13 gây tử vong trên toàn thế giới. Tại Hoa Kỳ, tự sát là nguyên nhân đứng thứ sáu gây tử vong. Tỷ lệ tự sát theo giới là 3 nam/1 nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ toan tự sát thì nữ/nam là 2:1
Trong nhóm người trẻ tuổi (vị thành niên và nhóm tuổi dưới 35), tự sát là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, tự sát là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở người trẻ tuổi xếp sau nhóm nguyên nhân do tai nạn giao thông.
Phần lớn tôn giáo coi việc tự sát là hành vi không thể chấp nhận được. Ở các nước Phương Tây, tự sát là một tội ác không thể tha thứ. Đạo Phật cũng chỉ ra rằng: tự sát là một tội lỗi lớn và là điều tồi tệ nhất mà con người có thể làm, những người tự sát cũng rất khó có thể siêu thoát để tiếp tục đầu thai.