Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời trên VGP News:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 của Bộ luật Lao động, Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ thì HĐLĐ phải có nội dung về công việc và địa điểm làm việc của người lao động, trong đó nội dung công việc là công việc mà người lao động phải thực hiện.
Điều 35 Bộ luật Lao động quy định, trong quá trình thực hiện HĐLĐ, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung của HĐLĐ thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung HĐLĐ được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục HĐLĐ hoặc giao kết HĐLĐ mới.
Theo Điều 31 của Bộ luật Lao động, Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP thì người sử dụng lao động có quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác trong các trường hợp sau: thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; sự cố điện, nước; do nhu cầu sản xuất, kinh doanh được quy định cụ thể trong nội quy của doanh nghiệp. Thời gian tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với HĐLĐ không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của người lao động.
Về việc điều chỉnh tiền lương của người lao động
Theo quy định tại Điều 24 của Bộ luật Lao động thì phụ lục HĐLĐ quy định chi tiết một số điều khoản hoặc để sửa đổi, bổ sung HĐLĐ. Trường hợp phụ lục HĐLĐ dùng để sửa đổi, bổ sung HĐLĐ thì phải ghi rõ nội dung những điều khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực. Phụ lục HĐLĐ là một bộ phận của HĐLĐ và có hiệu lực như HĐLĐ.
Căn cứ quy định nêu trên thì trường hợp nội dung HĐLĐ về tiền lương thay đổi thì người sử dụng lao động và người lao động sử dụng phụ lục HĐLĐ để sửa đổi, bổ sung nội dung HĐLĐ cho phù hợp.