Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), việc sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thể là cơ hội để đảm bảo người lao động di cư Việt Nam sẽ được thị trường toàn cầu đón nhận và quyền của người lao động sẽ được bảo vệ theo những tiêu chuẩn lao động quốc tế. ILO hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo di cư lao động an toàn hơn và có lợi hơn cho người lao động di cư.
Giám đốc ILO Việt Nam, TS Chang-Hee Lee cho biết: “Việc quy định cấm áp dụng các loại phí tuyển dụng và chi phí liên quan rõ ràng trong luật đóng vai trò rất quan trọng. Khi người lao động phải trả lệ phí và chi phí cao cũng như phải vay nợ với lãi suất cao để đi làm việc ở nước ngoài, họ dễ trở thành nạn nhân của tình trạng bị lạm dụng, bóc lột, lệ thuộc vì nợ, lao động cưỡng bức và buôn bán người. Do đó, những lợi ích cho phát triển của di cư lao động không thể được đảm bảo một cách đầy đủ”.
Việt Nam hiện có mức phí tuyển dụng và các chi phí liên quan ở mức cao được quy định trong luật. Theo một nghiên cứu mới của ILO, người lao động di cư không hiểu rõ cơ cấu lệ phí, chi phí hiện tại và quy định phức tạp về các mức phí theo luật định khiến người lao động khó biết được họ có phải đóng quá mức phí quy định hay không.
Nghiên cứu cho thấy, tình trạng thu phí người lao động di cư trên mức trần theo quy định của luật còn phổ biến. Một số người được phỏng vấn cho biết đã phải trả từ 163 đến 372 triệu đồng (7.000 - 16.000 USD) để đi việc tại Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc), cao hơn nhiều so với mức giới hạn theo quy định của pháp luật.
Việc quy định các kênh di cư hợp thức trong luật với mức chi phí thấp hơn, mất ít thời gian và quy định đơn giản hơn sẽ giúp giải quyết vấn đề thu phí quá cao so với mức luật định, ngoài ra cũng dễ giám sát và thực thi hơn.
Năm 2019, Việt Nam đã phái cử hơn 152.000 lao động di cư ra nước ngoài, 2/3 trong số này là nam giới. Hàng năm, Chính phủ đều tăng các mục tiêu di cư lao động cấp quốc gia và cấp tỉnh, tích cực thúc đẩy di cư lao động như một phương tiện tạo công ăn việc làm, nâng cao kỹ năng cho người lao động và giảm nghèo.