Ước tính Công ước này được áp dụng cho hai phần ba giao dịch các thương mại hàng hóa thế giới. Với tầm quan trọng này, trong tiến trình hội nhập toàn cầu, ngày 18/12/2015 Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 84 của Công ước này và là quốc gia thứ hai của Asean sau Singapore tham gia Công ước. Ngày 1/1/2017 Công ước CISG bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam.
Việc tham gia công ước đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về mua bán hàng hóa quốc tế, tạo thêm niềm tin cho các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên bên cạnh đó, khi tham gia CISG Việt Nam cũng như nhiều quốc gia cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn bất lợi nhất định về mặt pháp luật. Cụ thể, đối với Việt Nam, những quy định trong Công ước CISG còn khá mới mẻ trong xây dựng và áp dụng pháp luật, đòi hỏi phải có thời gian tìm hiểu và thích nghi, dẫn tới việc áp dụng CISG trong thực tế gặp nhiều khó khăn.
Từ yêu cầu này, hôm qua – 4/4 Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Trung tâm Pháp luật Đức và Trung tâm nghiên cứu, đào tạo pháp luật Nhật Bản đã tổ chức buổi hội thảo “Thi hành Công ước về mua bán hàng hóa quốc tế tại Việt Nam và yêu cầu sửa đổi Luật Thương mại 2005 – Bài học kinh nghiệm từ Đức và Nhật Bản”.
Tham luận tại hội thảo, bàn về quan điểm sửa đổi Luật Thương mại 2005 trong điều kiện Công ước CISG có hiệu lực, TS. Nguyễn Thị Tình – Đại học Thương mại cho rằng, về cơ bản các quy định của Công ước và pháp luật Việt Nam khá tương thích với nhau, tuy nhiên sau hơn 10 năm có hiệu lực Luật Thương mại cũng bộc lộ nhiều bấp cập mà trong bối cảnh gia nhập Công ước đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi nhằm đảm bảo tính hợp lý, tính hấp dẫn của luật trong điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa.
“Nhưng cũng cần lưu ý rằng Công ước CISG mang tính phi chính sách có nghĩa là những gì tối ưu nhất cho các bên trong quan hệ hàng hóa sẽ được ghi nhận, nhưng đối với Luật Thương mại, nội dung điều chỉnh phải bắt nguồn từ chính sách, từ lợi ích quản lý của nhà nước. Vì vậy, không thể kỳ vọng Luật Thương mại sẽ giống hoàn toàn Công ước CISG mà trong quá trình sửa đổi, Công ước sẽ chỉ như một nguồn luật mang tính tham khảo để các nhà lập pháp Việt Nam học hỏi nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về mua bán hàng hóa, vừa phù hợp thông lệ quốc tế, vừa đảm bảo lợi ích quản lý của chính sách, của nhà nước trong từng thời kỳ”- TS. Nguyễn Thị Tình nhấn mạnh.
Những bài học kinh nghiệm từ Đức và Nhật Bản được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo cũng cho thấy nhận định trên là phù hợp và các nhà lập pháp Việt Nam cần lưu ý khi sửa đổi Luật Thương mại trong thời gian tới.