Sự thật về 'Sự kiện đảo Trân Bảo' và cuộc khủng hoảng quan hệ Trung – Xô năm 1969

Pháo binh Trung Quốc trong trận đảo Trân Bảo
Pháo binh Trung Quốc trong trận đảo Trân Bảo
(PLO) -Tháng 3/1969, tại hòn đảo nhỏ Trung Quốc gọi là Trân Bảo, Liên Xô cũ gọi là Damanski trên con sông biên giới Ô Tô Lý (Ussuri) phân chia biên giới hai nước đã xảy ra một vụ xung đột đẫm máu do tranh giành quyền sở hữu khiến hơn 200 người bị chết. Sau đó hai bên đã tiến đến bên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân... 

Hai bên đều bố trí một lực lượng quân đội đông đảo sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh tổng lực, hai nước đều ở trong trạng thái chuẩn bị chiến đấu. Tình hình chỉ dịu đi khi lãnh đạo hai bên gặp nhau bên lề lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến thống nhất giải quyết trên tinh thần đoàn kết Xã hội chủ nghĩa. Cho đến cuối thập niên 1980, nhà lãnh đạo Liên Xô Gorbachev thừa nhận đảo này thuộc về Trung Quốc, năm 1991 Nga chính thức ký văn bản công nhận Trân Bảo là của Trung Quốc…

Gần đây, các tư liệu của hai bên về cuộc xung đột này đã lần lượt được công bố, sự thật về vụ xung đột cũng như cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mới dần được sáng tỏ…

Tố cáo lẫn nhau

Theo “Điều ước Trung-Nga” ký tại Bắc Kinh năm 1860 giữa Nga hoàng và nhà Thanh, biên giới hai nước đoạn phía Đông lấy sông Ussuri làm ranh giới. Vấn đề quy thuộc đảo Trân Bảo nằm trên dòng sông trong suốt thế kỷ 20 chưa được xác định, cả Trung Quốc và Liên Xô đều tuyên bố có chủ quyền đối với hòn đảo có diện tích 0,74 km2, phần lớn nằm ở phía Tây (tức phía Trung Quốc) này. Phía Trung Quốc cho rằng, theo Điều ước thì đường biên giới nằm ở giữa dòng, đảo này lại nằm chủ yếu ở phía Tây nên phải thuộc về Trung Quốc.

Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, từ năm 1947, Hồng quân Liên Xô bắt đầu tiến hành lên đảo này tuần tra; phía Trung Quốc không lên tiếng phản đối. Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập (1949), thời kỳ đầu quan hệ hai bên gắn bó thân thiết nên vấn đề biên giới được gác lại; cho đến cuối thập niên 1950, quan hệ Trung-Xô dần xấu đi bằng những cuộc tranh cãi về ý thức hệ và bất đồng về phương châm, chính sách.

Lính Trung Quốc ở đảo Trân Bảo
Lính Trung Quốc ở đảo Trân Bảo

Năm 1959, khi xảy ra xung đột biên giới Trung-Ấn, Liên Xô đã ngả về phía Ấn Độ rồi rút chuyên gia, cắt viện trợ, chấm dứt mọi hạng mục hợp tác; quan hệ hai nước trở nên xấu đi, vấn đề biên giới sau nhiều năm được gác lại, giờ được lôi ra với những tranh cãi gay gắt.

Đầu thập niên 1960, khi hai bên tiến hành đàm phán về biên giới, Liên Xô có ý định trao trả Trân Bảo cho phía Trung Quốc, nhưng cuộc đàm phán đã gián đoạn nửa chừng do quan hệ hai nước ngày càng xấu đi.

Từ năm 1964, trên biên giới hai nước lẻ tẻ xảy ra các vụ xung đột bạo lực giữa lực lượng tuần tra của hai bên, nhất là trên các đảo Trân Bảo và Thất Lý Tẩm trên sông Ussuri; ban đầu là đấu khẩu, sau xô đẩy, rồi dùng gậy gộc, dao kiếm.  Hai bên tố cáo lẫn nhau là thủ phạm gây ra tình hình căng thẳng trên biên giới hai nước.

Phía Trung Quốc tố cáo: tính từ 10/1964 đến 3/1969, Liên Xô đã gây 4.189 vụ việc trên biên giới. Nghiêm trọng nhất là vụ ngày 5/1/1968, lực lượng biên phòng Liên Xô đã sử dụng xe thiết giáp đổ bộ lên đảo Thất Lý Tẩm, sát hại 4 người dân Trung Quốc, phía Trung Quốc cực lực phản kháng.

Phía Liên Xô cũng tố cáo Trung Quốc chủ động gây ra các vụ việc khiêu khích trên biên giới. Từ cuối tháng 3/1965, số vụ lính Trung Quốc sang chiếm đất Liên Xô ngày càng nhiều; tính từ ngày 1/10/1964 đến 1/4/1965 đã xảy ra 36 vụ với 150 lính Trung Quốc vượt qua biên giới gây hấn; chỉ riêng nửa đầu tháng 4/1965, đã có thêm 12 vụ với hơn 500 quân lính và dân Trung Quốc tham gia.

Đáng chú ý có vụ ngày 11/4/1965, 200 người Trung Quốc với 8 máy cày được quân lính yểm trợ đã sang cày cất trồng cây trên đất Liên Xô, khi gặp tổ tuần tra của lính biên phòng Liên Xô, họ đã có hành vi bạo lực và lăng nhục. Bước sang năm 1967, số vụ xâm nhập, khiêu khích đột nhiên tăng lên tới hơn 2000, kèm theo đó là làn sóng tuyên truyền chống Liên Xô…

Tháng 2/1967, khi nói về tương lai quan hệ Trung-Xô, Ngoại trưởng Trung Quốc Trần Nghị nói: “quan hệ có thể tan vỡ, chiến tranh có thể nổ ra”. Tháng 3 cùng năm, Thủ tướng Chu Ân Lai công khai phát biểu: “chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc với Liên Xô có thể xảy ra sớm hơn chiến tranh với Mỹ”…

Lính biên phòng Nga trên đảo Trân Bảo
Lính biên phòng Nga trên đảo Trân Bảo

Bên nào gây sự?

Về nguyên do xảy ra vụ xung đột đẫm máu này, Trung Quốc luôn tuyên truyền hoàn toàn do phía Liên Xô gây ra, Trung Quốc bị buộc phải “phản kích tự vệ”. Tuyệt đại đa số người Trung Quốc và cộng đồng quốc tế đều chấp nhận sự giải thích đó bởi trước Liên Xô, Trung Quốc khi đó là phía yếu thế.

Tuy nhiên, qua các văn kiện lần lượt được cả hai bên giải mật gần đây và hồi ký của những người đương thời, những nhân chứng trong cuộc thì sự thật lịch sử khác hẳn. Đó là: vụ xung đột, nói đúng ra là cuộc chiến tranh ở đảo Trân Bảo là do phía Trung Quốc chủ động hoạch định và tiến hành.

Do tình hình trang bị vũ khí và huấn luyện của Trung Quốc khi đó có sự chênh lệch lớn đối với Liên Xô, nên Trung Quốc chỉ có thể tiến hành theo kiểu ra tay “xuất kỳ bất ý” (bất ngờ, nhân lúc đối phương không đề phòng, hay nói nôm na là đánh trộm), đột nhiên tập kích và tập trung ưu thế binh lực để tiến hành đánh đòn phủ đầu tiêu diệt đối phương. 

Năm 1969, sau khi được ông Mao Trạch Đông phê chuẩn, Tư lệnh Quân khu Thẩm Dương đã lên kế hoạch “Chiến đấu phản kích đảo Trân Bảo” vào tháng 3/1969 để chào mừng Đại hội lần thứ 9 Đảng Cộng sản Trung Quốc họp vào tháng 4/1969. Trong kế hoạch tác chiến ghi rõ “quy mô cố gắng khống chế ở phạm vi nhất định, mặc dù đây là một cuộc xung đột biên giới cục bộ!”.

Theo trang web “Qulishi” của Trung Quốc ngày 14/1/2015, việc soạn thảo kế hoạch và trực tiếp chỉ huy trận đánh được giao cho Thiếu tướng Tiêu Toàn Phu (Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu Thẩm Dương). Ban đầu, vào ngày 25/1/1969, phía Trung Quốc định sử dụng lực lượng 3 đại đội để tiến công. Trước Tết âm lịch, Tiêu Toàn Phu mang kế hoạch về Bắc Kinh báo cáo; ngày 29/2/1969, phương án tác chiến được báo cáo lên Bộ Tổng tham mưu (BTTM) và Bộ Ngoại giao, sau đó được Mao Trạch Đông phê chuẩn.

Lính Trung Quốc phục kích trên đảo Trân Bảo
Lính Trung Quốc phục kích trên đảo Trân Bảo

Ban đầu địa điểm tiến công (nhưng văn bản viết là “phản kích”) được lựa chọn không phải là đảo Trân Bảo, nhưng cuối cùng lại chọn nó là do xem xét từ nhiều mặt: thứ nhất, Liên Xô đã đồng ý trao đảo Trân Bảo cho Trung Quốc, Liên Xô chắc sẽ không liều chết lấy lại thứ mà họ đã xác định thuộc về Trung Quốc, theo luật quốc tế hay về lý, Liên Xô không thể mãi giữ đảo này được; từ năm 1947, Liên Xô đã cho quân tuần tra ở đảo Trân Bảo, ra tay ở đây sẽ gây tác động lớn ở Liên Xô; thứ ba, địa hình đảo Trân Bảo có lợi cho Trung Quốc, Trung Quốc dễ dàng ngụy trang tiếp cận, quân Liên Xô đến lại dễ bị phát hiện. Trước khi tiến công, phía Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm chắc quân số, những địa điểm và thời gian lính biên phòng Liên Xô tuần tra, thậm chí ám hiệu, mật khẩu cũng đã chuẩn bị hoàn tất.

Xung đột đẫm máu

Trong trận này, phía Trung Quốc đã huy động sử dụng lực lượng tinh nhuệ lựa chọn từ 3 quân đoàn và 1 đại đội trinh sát trực thuộc quân đoàn (đều là các đại đội tăng cường quân số trên 200 người). Đêm 1/3, lính Trung Quốc dầm mình trong giá rét dưới nhiệt độ âm 30 độ bí mật lên đảo mai phục.

Sáng ngày hôm sau, một phân đội “thả mồi” do Trạm trưởng biên phòng Tôn Ngọc Quốc lên đảo tuần tra, khiến hơn 70 binh sĩ Liên Xô “mắc câu” lên đảo và khôn khéo đưa đối phương vào trận địa phục kích. Bị đánh bất ngờ, phía Liên Xô triển khai chống trả nhưng ở thế bị động nên bị thiệt hại nặng hơn.

Lễ tang binh sĩ Liên Xô tử trận trong trận Trân Bảo
Lễ tang binh sĩ Liên Xô tử trận trong trận Trân Bảo

Sau hơn một giờ kịch chiến, toán lính Liên Xô bị tiêu diệt hầu như toàn bộ: 38 người bị giết (Liên Xô công bố 31 người), 22 người bị thương, 2 xe quân sự bị phá hủy, 1 xe bị hỏng; phía Trung Quốc chết 17 người, bị thương 35...

(Mời xem tiếp số sau)

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.